Theo kế hoạch do 5 cơ quan chính phủ, trong đó có Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin, cùng đưa ra, Trung Quốc đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ cải thiện đáng kể việc tích hợp và ứng dụng công nghệ kỹ thuật số trong ngành hàng tiêu dùng. Kế hoạch cũng hướng đến xây dựng 50 thành phố đạt được tiến bộ số hóa đáng kể, đa dạng sản phẩm, chất lượng và thương hiệu.
Kế hoạch nêu rõ 10 nhiệm vụ nhằm nâng cao sự đa dạng, chất lượng sản phẩm và tạo thương hiệu; như phát triển các sản phẩm tiêu dùng kết hợp internet nhằm cải thiện cuộc sống của con người, thúc đẩy sản xuất mang tính cá nhân hóa và linh hoạt để định hình lại phương thức sản xuất và phát triển sản phẩm, đồng thời đẩy nhanh tiến độ thành lập của một hệ thống theo dõi chất lượng.
Việc tích hợp và ứng dụng rộng rãi hơn nữa công nghệ kỹ thuật số sẽ giúp cải thiện nguồn cung hàng tiêu dùng, mở rộng chuỗi công nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng của ngành hàng và khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường đổi mới kỹ thuật số trong nghiên cứu và phát triển cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh cốt lõi của mình.
Ước tính đến năm 2025, tỷ lệ các công ty hàng tiêu dùng đã số hóa quản lý và hoạt động của họ, được trang bị các công cụ kỹ thuật số để nghiên cứu, phát triển và thiết kế cũng như tham gia thương mại điện tử sẽ là hơn 80%. Trung Quốc cũng đặt mục tiêu thúc đẩy 200 nhà máy ứng dụng sản xuất thông minh trong các lĩnh vực như dệt, may mặc, thiết bị gia dụng, điện tử tiêu dùng, thực phẩm và thuốc trong giai đoạn thực hiện kế hoạch.
Không chỉ đẩy mạnh số hóa ngành hàng tiêu dùng, Trung Quốc còn đặt mục tiêu nâng tỷ trọng giá trị gia tăng của các ngành kinh tế kỹ thuật số cốt lõi sẽ chiếm 10% GDP. Đến năm 2025, sự chuyển đổi kỹ thuật số của các ngành công nghiệp sẽ đạt đến một cấp độ mới, các dịch vụ công kỹ thuật số sẽ trở nên bao trùm hơn, và hệ thống quản trị nền kinh tế kỹ thuật số sẽ được cải thiện đáng kể. Nền kinh tế kỹ thuật số là một lựa chọn chiến lược để nắm bắt những cơ hội trong vòng xoay mới của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ và chuyển đổi công nghiệp.
Ông Âu Dương Huệ, giáo sư kinh tế kỹ thuật số tại Viện Nghiên cứu kinh tế internet Trung Quốc, cho biết, kế hoạch này có ý nghĩa to lớn đối với sự tăng trưởng của nền kinh tế kỹ thuật số quốc gia và sẽ đòi hỏi các sáng kiến chính sách chi tiết hơn từ chính quyền địa phương. Ông Âu Dương Huệ cho rằng cần nỗ lực hơn nữa để đạt được những đột phá trong các công nghệ chủ chốt và cốt lõi, mở rộng ứng dụng công nghệ tiên tiến trong công nghiệp, thúc đẩy phát triển bền vững và lành mạnh của nền kinh tế kỹ thuật số.
Việc theo đuổi tính bền vững dựa trên mục tiêu Net-Zero toàn cầu đã được thực hiện với sự trợ giúp của chứng từ kỹ thuật số. Sự xoay trục gần đây của Trung Quốc nhằm phát triển toàn diện kỹ thuật số hóa cho thấy, quốc gia này coi trọng việc cải tiến toàn diện và bao trùm để đạt được các mục tiêu kỹ thuật số của mình.