Xe buýt chạy thì có doanh thu, chủ xe, tài xế, tiếp viên có chút tiền để trang trải cuộc sống, nhưng nguồn thu lớn nhất là từ trợ giá của thành phố thì vẫn chưa chốt được. Đến nay đã gần giữa năm 2020 mà cơ quan chức năng mới chỉ tạm ứng chi phí đặt hàng vận chuyển khoảng 40% tổng chi phí (dự kiến) khiến hoạt động của các đơn vị vận tải gặp rất nhiều khó khăn. Cũng theo ông Nguyễn Văn Triệu, nếu theo đúng tinh thần thành phố đặt hàng doanh nghiệp (DN) xe buýt chở hành khách thì việc thương thảo chi phí phải được tiến hành ngay từ đầu năm để đảm bảo quyền lợi của các bên; thế nhưng, trên thực tế, ngành chức năng thường để đến gần giữa năm, thậm chí “ngâm” đến gần cuối năm mới chốt, làm cho DN gặp rất nhiều khó khăn trong việc xây dựng kế hoạch kinh doanh.
Từ câu chuyện ở Liên hiệp HTX Xe buýt TPHCM, lại nhớ tới báo cáo của Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trong Hội nghị Thủ tướng với DN về phục hồi nền kinh tế, diễn ra vào ngày 9-5. Theo Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc: “…đẩy mạnh cải cách thể chế là nền tảng quan trọng nhất. Nhà nước khó khăn, DN không xin tiền, chỉ xin cơ chế”. Đúng thế, mong muốn của Liên hiệp HTX Xe buýt TPHCM cũng như nhiều đơn vị kinh doanh xe buýt khác tại TPHCM là ngành chức năng có cơ chế rõ ràng trong việc thanh toán đúng, đủ, kịp thời tiền trợ giá xe buýt mà thực chất là tiền thuê DN xe buýt vận chuyển hành khách cho thành phố.
Trong phát biểu kết thúc Hội nghị với DN vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo các bộ ngành, địa phương phải có các chương trình hành động cụ thể. Trong đó đẩy mạnh cải cách hành chính, tháo gỡ rào cản để DN phát triển; không được đổ qua, đổ lại làm mất thời cơ của DN. Hiện vẫn có nhiều vướng mắc nên các bộ trưởng, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố phải trực tiếp vào cuộc để tháo gỡ nhanh. Tại TPHCM, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cũng đặc biệt nhấn mạnh đến việc cải cách thủ tục hành chính, để các chính sách hỗ trợ đến tay DN kịp thời nhất.
Tinh thần chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo quyết liệt là vậy nhưng như chính Bộ Kế hoạch - Đầu tư thông tin tại hội nghị nêu trên, chỉ 2,9% DN (được khảo sát) chính thức nhận được sự hỗ trợ từ các chính sách, 64,6% DN biết có các chính sách hỗ trợ khó khăn của Nhà nước trong thời dịch Covid-19 nhưng chưa thể tiếp cận… Quay trở lại với các DN kinh doanh xe buýt tại TPHCM, hầu hết DN đều đi vay tiền ngân hàng để đầu tư đổi mới xe buýt. Dù đã được hỗ trợ một phần lãi suất cho vay (do mua xe để phục vụ vận tải hành khách công cộng) nhưng phần phải trả cũng không nhỏ và đặc biệt lãi phải trả đúng hẹn. Trong thời gian phải tạm ngưng hoạt động vì dịch bệnh, nhiều ngân hàng đã cho DN kinh doanh xe buýt giãn thời gian trả nợ, chủ động bớt lãi suất vay. Nhưng ngân hàng cũng không thể cho DN kinh doanh xe buýt chậm trả hoặc bớt trả lãi mãi được. Do vậy, trong tình huống này thì cả DN kinh doanh xe buýt lẫn DN ngân hàng rất cần được cơ quan chức năng làm nhanh, đúng các thủ tục thanh toán cho họ.
Làm sao để tinh thần chỉ đạo quyết liệt trong tháo gỡ khó khăn cho DN của Chính phủ, lãnh đạo TPHCM sớm đi vào cuộc sống? Quy trách nhiệm tới từng cán bộ, từng khâu là giải pháp mà theo nhiều chuyên gia là khả thi nhất. Phải xử lý thật nghiêm những cán bộ nhũng nhiễu, làm khó, “ngâm” hồ sơ, làm chậm các thủ tục cho DN.