Truyền hình thực tế: Lạm phát khai thác trẻ em

Sau thành công của chương trình truyền hình thực tế Giọng hát Việt nhí mùa đầu tiên với hiện tượng Phương Mỹ Chi, hàng loạt chương trình nhắm đến trẻ em được các nhà sản xuất ồ ạt khai thác. Và sự “tận dụng” trẻ em cho cuộc chơi doanh thu này cũng làm nảy sinh khá nhiều hệ lụy.
Truyền hình thực tế: Lạm phát khai thác trẻ em

Sau thành công của chương trình truyền hình thực tế Giọng hát Việt nhí mùa đầu tiên với hiện tượng Phương Mỹ Chi, hàng loạt chương trình nhắm đến trẻ em được các nhà sản xuất ồ ạt khai thác. Và sự “tận dụng” trẻ em cho cuộc chơi doanh thu này cũng làm nảy sinh khá nhiều hệ lụy.

Một tiết mục của chương trình Giọng hát Việt nhí.

Trào lưu nhân bản hướng đến trẻ em

Với doanh thu “khủng” của mùa đầu tiên lên sóng tại Việt Nam, gần như sau khi đêm chung kết khép lại cũng là lúc nhà sản xuất vội vã bắt tay ngay vào thực hiện Giọng hát Việt nhí mùa thứ hai. Không chỉ tận dụng sức nóng để lôi kéo tài trợ cho mùa hai, thông tin từ đơn vị sản xuất cho biết, ngay từ khi chưa họp báo công bố chính thức chương trình, quảng cáo trong chương trình ở những tập đầu gần như đã đầy.

Một trong những chương trình truyền hình thực tế về ca hát khác có thâm niên hơn Giọng hát Việt nhí và cũng tạo ra hiệu ứng rất tốt là Đồ Rê Mí. Tuy không tạo nên “hiện tượng” như mùa đầu của Giọng hát Việt nhí nhưng cũng đủ để nhà sản xuất yên tâm thực hiện đến mùa thứ 8 và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Và cũng như các chương trình truyền hình thực tế dành cho người lớn, hay chính xác hơn là rút kinh nghiệm từ những chương trình truyền hình thực tế của người lớn, biết không thể cứ “ăn” mãi vào chuyện hát hò nên dù sức hút của các chương trình ca hát chưa hề giảm nhiệt nhưng các nhà sản xuất cũng đã tranh thủ “đổi món” trong thực đơn giải trí truyền hình của trẻ với nhiều thể loại khác.

Song song với Giọng hát Việt nhí, Cát Tiên Sa ngay lập tức tung ra Bước nhảy hoàn vũ nhí, trong khi với kinh nghiệm cùng sự thành công của hai mùa tổ chức Thử thách cùng bước nhảy, Đông Tây Promotion lập tức cạnh tranh với Vũ điệu đam mê dành cho các vũ công nhí.

Trào lưu nhân bản các chương trình thành công dành cho đối tượng thiếu nhi tiếp tục nở rộ với Chung sức nhí, Gương mặt thân quen nhí. Vua đầu bếp - Master Chef cũng đang rục rịch ra phiên bản dành cho trẻ em hay Vietnam’s got talent - Tìm kiếm tài năng Việt sau khi gián đoạn khá lâu cũng vừa trở lại với định dạng hướng đến đối tượng trẻ em nhiều hơn. Điều đó thể hiện ngay trong buổi họp báo công bố chương trình khi 3/4 tiết mục mà ban tổ chức sắp xếp biểu diễn ra mắt đều là của các em nhỏ.

Nhiều lo ngại

Khi các chương trình truyền hình thực tế dành cho người lớn nở rộ như nấm bắt đầu trở nên nhàm chán và sụt giảm rating (lượng người xem) thì ở thời điểm hiện tại, những chương trình truyền hình dành cho trẻ em là mục tiêu cho những nhà sản xuất.

Tuy nhiên, để câu rating, các chương trình truyền hình thực tế dành cho trẻ cũng đầy rẫy chiêu trò. Cũng như các chương trình dành cho người lớn, đời tư thí sinh luôn là mồi ngon để các nhà sản xuất khai thác, coi đó như “gia vị” để tạo nên điều bất ngờ. Tuy nhiên, sự khai thác đời tư một cách thái quá đôi khi đẩy chương trình đi quá giới hạn của những cuộc thi tìm kiếm tài năng. Nhiều khi xem những chương trình truyền hình thực tế, người ta có cảm giác như xem chương trình kêu gọi, tìm kiếm sự thương cảm của cộng đồng với thí sinh hơn là thưởng thức, đánh giá tài năng của họ.

Như ở chương trình Giọng hát Việt nhí, cô bé khiếm thị Ngọc Anh (12 tuổi, đến từ TPHCM) được ưu ái xây dựng một video clip khá dài để kể về hoàn cảnh của mình kèm theo đó là phần thể hiện ca khúc Ơn nghĩa sinh thành. Hay cô bé mồ côi yêu nhạc Trịnh - Lê Thanh Huyền Trân cũng được “hậu thuẫn” bằng câu chuyện xúc động trước khi xuất hiện với ca khúc Còn tuổi nào cho em. Trước đó, ở mùa đầu, chính gia cảnh khốn khó đã là một phần quan trọng góp phần tạo nên hiện tượng Phương Mỹ Chi.

Không chỉ đời tư bị khai thác thái quá khiến nảy sinh những lo ngại về những tác động tâm sinh lý của các em sau này, việc chương trình để các em hát những bài hát người lớn với sự già dặn hơn số tuổi các em cũng gây ra nhiều luồng dư luận. Nhìn cảnh thí sinh Lê Thanh Huyền Trân bị khai thác triệt để trong những ca khúc nhạc Trịnh chỉ thấy đáng thương cho người hát chứ không thấy thăng hoa cảm xúc như chương trình cố nhồi vào suy nghĩ khán giả truyền hình. Hay như chương trình Đồ Rê Mí cũng thế.

Có lẽ áp lực cạnh tranh từ đối thủ Giọng hát Việt nhí đã làm cho chương trình này không còn giữ được sự trẻ trung, hồn nhiên như vốn có. Vốn được tiếng là trung thành với những ca khúc nội địa, vừa tuổi, vẫn giữ được phần nào nét ngây thơ trong sáng suốt nhiều năm qua nhưng bắt đầu từ mùa thứ 8, chương trình Đồ Rê Mí đã có những dấu hiệu “trưởng thành”, các em nhỏ bắt đầu thử sức làm người lớn, hát nhạc ngoại quá khổ và cũng… yêu đương như ai. Nhất là màn hòa giọng của khách mời Đức Huy và các thí sinh chương trình trong ca khúc Và tôi cũng yêu em của nhạc sĩ - ca sĩ lão thành này khiến không ít người chau mày.

Và đó chỉ là một phần rất nhỏ trong nỗi lo ngại về những tác động của các chương trình truyền hình thực tế (vốn dĩ đặt yếu tố thương mại và lợi nhuận lên hàng đầu như hiện nay) đối với khán giả nhí. Chính vì vậy, tạo sân chơi cho trẻ, qua đó khơi gợi, phát huy năng lực cá nhân của trẻ là điều cần khuyến khích. Tuy nhiên, đó phải là những sân chơi để các cháu sáng tạo và đam mê, bồi bổ kiến thức, hướng đến những giá trị nhân văn, làm phong phú thêm tâm hồn của các em.

Còn nếu sân chơi chỉ để thỏa thích tò mò tiêu cực, hào quang và sự nổi tiếng, khơi gợi những ham muốn bản năng, tính háo thắng, ích kỷ hẹp hòi thì sẽ là điều rất nguy hiểm.

GIA BÌNH

Tin cùng chuyên mục