Hội diễn Sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc 2009 tuy đã khép lại nhưng những ai quan tâm đến sân khấu đều có chung nỗi niềm trăn trở. Cũng từ hội diễn này, người ta lại cảm thấy e dè, lo cho hội diễn sân khấu cải lương sắp diễn ra tại TPHCM.
Tại hội diễn sân khấu kịch nói, lịch diễn của các đơn vị được xếp liên tục, từ sáng đến tối, khiến cho không ít giám khảo tỏ ra mệt mỏi. Các vị giám khảo ngày ngày phải căng thẳng xem và thẩm định hàng loạt vở diễn để chấm điểm. Thế nhưng, có không ít nghệ sĩ, báo chí đoán trước, hội diễn hứa hẹn sẽ có… mưa huy chương! Thực tế đúng vậy. Ngoài 3 vở đoạt huy chương vàng: Mẹ và người tình, Nỏ thần (Sân khấu Kịch Phú Nhuận), Mỹ nhân và Anh hùng (Nhà hát kịch Việt Nam), 7 vở đoạt huy chương bạc, còn có 3 giải thưởng dành riêng cho vở Kiều Loan (Nhà hát Tuổi Trẻ) với thành tích có tìm tòi trong loại hình kịch thơ; Ngàn năm tình sử (Kịch IDECAF) - vở có tìm tòi sáng tạo trong vở diễn về đề tài lịch sử; Biển (Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần) – vở có tìm tòi biểu diễn trên sân khấu nhỏ.
Có người bảo, đây là một sáng kiến không đụng hàng của hội diễn lần này, có nghĩa chỉ là khen cho loại hình đặc biệt. Bởi sự nổi trội của vở Ngàn năm tình sử và Kiều Loan được đông đảo nghệ sĩ khen ngợi xứng đáng ở vị trí đầu bảng. Còn với vở Biển nếu được giải thưởng như thế, đồng nghĩa với việc nếu vở nào của sân khấu nhỏ mang đi thi chắc cũng được giải?!
Giải cá nhân có 42 huy chương vàng, 63 huy chương bạc, 5 giải đạo diễn, nhạc sĩ, họa sĩ xuất sắc.
Giải thưởng nhiều không hợp lý ắt giá trị ít. Khi nhìn thấy NSƯT Thành Lộc, có đẳng cấp trên sân khấu, được công chúng yêu mến phong anh là “phù thủy của sàn diễn”, ấy vậy mà cũng được xếp ngang giải vai phụ của diễn viên Bình Minh (Kịch Phú Nhuận), thật khó thuyết phục! Hội diễn khép lại mà người xứng đáng nhận vàng và cả người chưa xứng đáng, khi nhận giải thưởng chẳng mấy ai vui. Dường như ở Hội diễn Sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc 2009 người ta trao giải theo một phương châm “trao nhầm còn hơn bỏ sót” thì phải!?
Trước tình hình này, người ta có vẻ lo lắng cho cải lương.
Theo dự kiến, từ ngày 15 đến 25-10, Hội diễn Sân khấu Cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2009 sẽ diễn ra tại TPHCM. Từ hội diễn kịch nói, ai nấy đều cảm thấy các nghệ sĩ chỉ mới diễn chứ chưa thật sự có được ngày hội đúng nghĩa. Tuy hội diễn 5 năm mới có một kỳ, nhưng đâu phải nghệ sĩ nào cũng được vào xem các đồng nghiệp diễn. Bởi BTC hội diễn cho bán vé doanh thu như bình thường, điều này đã hạn chế các nghệ sĩ đến xem, học hỏi, giao lưu lẫn nhau. Qua hội diễn này, có không ít nghệ sĩ tâm sự: “Nếu biết tình hình thế này, ngoài suất diễn dự thi, chúng tôi chủ động liên hệ các trường đại học, khu chế xuất, khu công nghiệp hoặc các tỉnh, thành để đến biểu diễn, giao lưu khán giả còn vui và hiệu quả hơn…”.
Rõ ràng, từ những bất hợp lý trên khiến người ta rất dễ thiếu niềm tin về hội diễn sân khấu cải lương chuyên nghiệp sắp tới. Cho nên những người làm công tác tổ chức cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, điều hành công việc hợp lý, công bằng, khách quan và định dạng chuẩn xác để Hội diễn Sân khấu Cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2009 đạt kết quả tốt đẹp và tôn vinh được nghệ thuật đích thực.
Đỗ Hạnh – Việt Nga