
Trong căn nhà 4m2 phố Lò Đúc, khu tập thể cơ quan Dịch tễ, bác sĩ Nguyễn Duy Liêm (Nguyễn Dũng Hiếu) cần mẫn chép từng trang các quy trình sản xuất vaccine từ nhiều cuốn tư liệu Việt Nam và Đức trước khi lên đường vào Nam.
Đó là những ngày cuối năm 1964. Các bác sĩ chuyên ngành vi trùng học được bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, lúc đó là Bộ trưởng Y tế, căn dặn chuẩn bị cho đoàn vào Nam: “Nhiệm vụ của các đồng chí vô cùng quan trọng và hết sức bí mật, là chống chiến tranh vi trùng bằng nghiệp vụ chuyên môn”.
Những anh chị em này hầu hết là các y bác sĩ có tham gia sản xuất vaccine đậu mùa, thương hàn, tả ở chiến khu Đồng Tháp Mười và miền Tây Nam bộ trong kháng chiến chống Pháp, đã tập kết ra Bắc năm 1954. Tất cả đều phấn khởi đi B. Tiếp theo đó là những ngày tháng về Hòa Bình tập luyện leo núi.

Cuốn tư liệu chép tay đã cùng bác sĩ Nguyễn Dũng Hiếu vượt Trường Sơn.
Khi vào chiến trường, những cục gạch trên ba lô lúc tập luyện được thay bằng những tài liệu chuyên môn. Bác sĩ Cao Minh Tân đem theo cuốn Vi trùng học do Bộ Y tế xuất bản năm 1958. Bác sĩ Dũng Hiếu chép lại trong một cuốn sổ tay nhỏ 170 trang quy trình, thường quy sản xuất các loại vaccine. Những bác sĩ khác đều cõng theo mình những tư liệu quý (giống vi trùng, kính hiển vi...) với tinh thần háo hức vào tiền tuyến để lập “Phòng Vi trùng học miền Nam”.
Vượt Trường Sơn, đường đi vất vả, khó khăn, những tư trang, vật dụng thiết yếu phục vụ cho nhu cầu đi đường đều phải lần lượt bỏ lại, nhưng các tư liệu quý về nghiệp vụ vẫn được bao bọc gìn giữ cẩn thận. Sau bốn tháng vượt đèo cao, dốc trơn, đoàn vào Nam, đến chiến khu Trung ương Cục Tây Ninh và tổ chức sản xuất. Khó khăn mới lại đến, song lần này, các bác sĩ được thanh niên tân binh cùng xây dựng căn cứ và hình thành “Phòng Vi trùng học miền Nam” đúng chủ trương của Trung ương chỉ đạo vào cuối năm 1964.
Suốt thời gian kháng chiến chống Mỹ, vừa sản xuất vừa mở lớp huấn luyện, 15 bác sĩ tập kết về Nam đã tổ chức 3 khóa học đào tạo 42 y sĩ và nhiều kỹ thuật viên. Những tư liệu quý từ miền Bắc vượt Trường Sơn đã góp phần làm nên sự nghiệp lớn: sản xuất thuốc phòng, chữa bệnh dịch tả, đậu mùa, phong đòn gánh phục vụ chiến trường và nhân dân trong vùng giải phóng.
Ngày 30-4-1975, Phòng Vi trùng học miền Nam đã lập đoàn tiếp quản Viện Pasteur Sài Gòn. Bác sĩ Cao Minh Tân và Nguyễn Dũng Hiếu tiếp tục lãnh đạo đơn vị hoàn thành nhiệm vụ. Trong thời gian công tác ở Viện Pasteur, mặc dù được tiếp xúc với nhiều tài liệu chuyên môn trong và ngoài nước, song quyển tư liệu theo chân vượt Trường Sơn ngày nào, vẫn được bác sĩ Nguyễn Dũng Hiếu gìn giữ cẩn thận đến hôm nay, như là một tài sản quý báu.
Đoàn Lê Phong