- Tôi có người bạn mang quốc tịch Pháp. Anh ấy muốn thành lập một công ty trách nhiệm hữu hạn kinh doanh trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn tại Việt Nam. Bạn tôi có phải lập dự án đầu tư không?
>> Khoản 1 điều 50 Luật Đầu tư 2005 về thủ tục đầu tư gắn với thành lập tổ chức kinh tế quy định nhà đầu tư nước ngoài lần đầu đầu tư vào Việt Nam phải có dự án đầu tư và làm thủ tục đăng ký đầu tư hoặc thẩm tra dự án đầu tư tại cơ quan nhà nước quản lý đầu tư để được cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Giấy chứng nhận đầu tư đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Tại khoản 2 điều này cũng quy định rằng, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã thành lập tại Việt Nam nếu có dự án đầu tư mới thì được làm thủ tục thực hiện dự án đầu tư đó mà không nhất thiết phải thành lập tổ chức kinh tế mới.
Như vậy, trường hợp bạn của bạn là người mang quốc tịch Pháp đầu tư vào Việt Nam được xem như là nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Căn cứ vào những quy định trên, nếu người bạn quốc tịch Pháp của bạn lần đầu tiên đầu tư vào Việt Nam dưới hình thức thành lập doanh nghiệp thì buộc phải có dự án đầu tư. Còn nếu đã thành lập doanh nghiệp rồi mà hiện có nhu cầu thực hiện một dự án đầu tư tiếp theo, không phải thành lập một doanh nghiệp mới, mà chỉ cần làm thủ tục để thực hiện dự án đầu tư (thủ tục đăng ký hoặc thủ tục thẩm tra dự án đầu tư).
- Tôi là người gốc Việt quốc tịch Mỹ. Tôi định về Việt Nam đầu tư và thành lập một doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực vật liệu xây dựng. Vậy theo pháp luật Việt Nam, doanh nghiệp của tôi nếu được thành lập sẽ mang quốc tịch gì (Mỹ hay Việt Nam) và như vậy hoạt động của doanh nghiệp tôi chịu sự điều chỉnh của pháp luật nước nào?
tonybui@...
>> Khoản 20, điều 4 Luật Doanh nghiệp 2005 có quy định, quốc tịch của doanh nghiệp là quốc tịch của nước, vùng lãnh thổ nơi doanh nghiệp thành lập, đăng ký kinh doanh. Như vậy, theo quy định này, quốc tịch của doanh nghiệp không nhất thiết đồng nhất với quốc tịch của nhà đầu tư. Và một doanh nghiệp có thể do nhiều người mang quốc tịch khác nhau thành lập nên.
Trong trường hợp của bạn, nếu doanh nghiệp của bạn được thành lập, đăng ký kinh doanh tại Việt Nam thì doanh nghiệp của bạn sẽ mang quốc tịch Việt Nam và hoạt động của doanh nghiệp bạn sẽ chịu sự điều chỉnh của pháp luật Việt Nam.
TS Nguyễn Thị Hồng Nhung
(Khoa Luật - ĐH Kinh tế Luật)
| |