Tuổi trẻ ngưỡng mộ, tri ân

Tháng 7, tháng tri ân người có công, gia đình chính sách. Giữa những ngày này, các bạn trẻ TPHCM có nhiều hoạt động thiết thực, thể hiện tình cảm và trách nhiệm của tuổi trẻ với những người đã hy sinh máu xương cho độc lập tự do của dân tộc. Lòng ngưỡng mộ tri ân của tuổi trẻ đang nối dài đạo nghĩa dân tộc, vun bồi tình yêu quê hương.
Tuổi trẻ ngưỡng mộ, tri ân

Tháng 7, tháng tri ân người có công, gia đình chính sách. Giữa những ngày này, các bạn trẻ TPHCM có nhiều hoạt động thiết thực, thể hiện tình cảm và trách nhiệm của tuổi trẻ với những người đã hy sinh máu xương cho độc lập tự do của dân tộc. Lòng ngưỡng mộ tri ân của tuổi trẻ đang nối dài đạo nghĩa dân tộc, vun bồi tình yêu quê hương.

Tự đáy lòng

Thứ bảy hàng tuần, anh Lê Hùng Cường, Bí thư Đoàn phường 13, quận 8, cùng 5 thanh thiếu niên trong phường khoác lên mình màu áo xanh của Đoàn viên và đi... bán vé số. Các bạn thanh thiếu niên gồm sinh viên năm nhất, học sinh cấp 3, người giao nước uống, lao động tự do… Định mức bán của nhóm là 200 vé, với tiền lời 220.000 đồng. Tuần này, ngoài thứ bảy (26-7), nhóm tăng cường bán thêm ngày chủ nhật (27-7). Nhiều người dân vừa mua vừa thắc mắc sao mặc áo Đoàn lại bán vé số; sao bán vé số lại mặc áo Đoàn? “Sau giờ học, giờ làm, chúng tôi muốn làm thêm để có một khoản kinh phí duy trì bữa ăn tình nghĩa, thể hiện tấm lòng với những người có công trong phường và đóng góp ủng hộ ngư dân, lực lượng kiểm ngư ở biển Đông”, anh Cường và các bạn cắt nghĩa. Đoàn thanh niên phường 13 còn gửi thư ngỏ đến từng nhà dân phát động hội thu ve chai, báo cũ. Cuối tuần này, hội thu ve chai sẽ diễn ra trên đường Bình Đông. Anh Cường dự kiến, hoạt động này sẽ mang về cho Đoàn phường khoảng 500.000-600.000 đồng.

Chị Trần Thị Huyền (bìa trái), Trung tâm Dưỡng lão Thị Nghè, cùng anh Lê Đình Lịch, Phó Bí thư Đoàn Sở LĐ-TB và XH TPHCM chúc mừng cụ Nguyễn Thị Bạch Tuyết (94 tuổi, vợ liệt sĩ). Ảnh: VIỆT DŨNG

Chị Trần Thị Huyền (bìa trái), Trung tâm Dưỡng lão Thị Nghè, cùng anh Lê Đình Lịch, Phó Bí thư Đoàn Sở LĐ-TB và XH TPHCM chúc mừng cụ Nguyễn Thị Bạch Tuyết (94 tuổi, vợ liệt sĩ). Ảnh: VIỆT DŨNG

Anh Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Quận đoàn 8 cho biết, dịp 27-7, thanh niên quận 8 đăng ký 500 phần việc tốt. Mỗi phần việc và tổng khối lượng công việc đều được định lượng, xác định hiệu quả với giá trị mỗi phần việc mang lại khoảng 100.000 đồng. Các công việc các bạn chọn làm rất đa dạng: bán vé số, thu gom ve chai, phụ hồ, lao động công ích, làm thuê… Thay vì xin tiền cha mẹ, các bạn trẻ đã bằng công việc cụ thể, bằng mồ hôi của mình để tạo thu nhập, dùng khoản tiền đó ủng hộ cho gia đình chính sách, cho biển đảo quê hương.

Nối dài đạo nghĩa dân tộc, ngày 27-7, các bạn trẻ sẽ không đến các gia đình chính sách tặng quà rồi về như những năm trước. Có chiều sâu hơn, các thanh thiếu niên sẽ đến từng nhà Mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình chính sách neo đơn… thăm hỏi, nấu cơm, dọn dẹp, cùng sinh hoạt một ngày và nghe các bà, các mẹ, các dì, các chú kể chuyện bi hùng trong kháng chiến. Cùng với vận động 20.000 lượt thanh niên ký tên ủng hộ ngư dân và lực lượng thực thi pháp luật Việt Nam trên biển Đông, từ ngày 28-7, thanh thiếu niên quận 8 sẽ ra đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), thăm học sinh, ngư dân, kiểm ngư ở đây. Theo anh Nghĩa, qua việc chủ động trải nghiệm những công việc vất vả, không ngại cả những lời bêu riếu để kiếm được đồng tiền chân chính, dùng cho các hoạt động ý nghĩa, các bạn trẻ sẽ nhận được nhiều bài học bổ ích. Đó là bài học về giá trị của lao động, của sự hy sinh và chia sẻ. Từ đó mỗi bạn luôn giữ hùng tâm, rèn thân, luyện tài cống hiến nhiều hơn cho thành phố, cho đất nước. Tuổi trẻ đang tri ân bằng tất cả cái tâm của mình.

Xin làm con của mẹ

Chiều thứ hai 21-7, anh Nguyễn Đình Bắc, cán bộ Trung tâm Cai nghiện ma túy Bố Lá (thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM, đóng tại tỉnh Bình Dương) đã về TPHCM để sáng sớm hôm sau kịp ghé thăm nom, chăm sóc các bậc lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng đang được chăm sóc tại Trung tâm Dưỡng lão Thị Nghè. Cùng các bạn trẻ chăm bón vườn thuốc nam phòng khi trái gió trở trời các cụ cần dùng, anh Bắc cho biết, đây là lần thứ 2 anh tham gia hành trình về với các mẹ, các ba. Sau khi dọn dẹp xong phòng ốc và khuôn viên, anh Bắc và gần 100 bạn trẻ quây quần bên các ba, các mẹ nghe kể về tinh thần bất khuất, kiên trinh, vượt qua bao gian nan thử thách để giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Nghe cụ Đoàn Thị Luân (81 tuổi, cựu tù Côn Đảo) kể về chuỗi ngày ở Côn Đảo, 5 người bị nhốt trong buồng chỉ dài 3m, rộng 1,5m, phải luân phiên cắt cử 1 người nằm khoanh gần bồn cầu mới đủ chỗ cho 4 người còn lại nằm nghiêng, anh Bắc và các bạn trẻ không giấu được lòng ngưỡng mộ và xúc động. “11 năm tù đày ở Côn Đảo và khắp các nhà lao phía Nam, cụ và các đồng chí vẫn giữ khí tiết, không ngừng trau dồi bản thân cho ngày toàn thắng của dân tộc. Chúng tôi biết rằng, mình còn phải nỗ lực, cống hiến nhiều hơn nữa mới xứng đáng với cha anh, với sự tin yêu của người dân”, anh Bắc xúc động.

Tuổi trẻ quận 1 thăm hỏi thương binh Nguyễn Thanh Ba (ngụ quận 1, bìa phải). Ảnh: MẠNH HÒA

Tuổi trẻ quận 1 thăm hỏi thương binh Nguyễn Thanh Ba (ngụ quận 1, bìa phải). Ảnh: MẠNH HÒA

24 tuổi, Trần Thị Huyền (quê Quảng Bình, tạm trú quận Gò Vấp, TPHCM) đã có 5 năm gắn bó với Trung tâm Dưỡng lão Thị Nghè. Là hộ lý, hàng ngày, Huyền chăm sóc sức khỏe, giúp các cụ ăn uống, dọn dẹp phòng ốc và cả tắm rửa, vệ sinh. Mỗi hộ lý như Huyền phụ trách chăm sóc một khu nhà gồm 10 cụ ở 10 phòng. Đa số các cụ tuổi cao, sức yếu nên bữa ăn rất đa dạng, khi thì cơm, bữa thì cháo, súp hay có khi các cụ chỉ uống được sữa. Cụ nào đau yếu, Huyền lại bón từng bữa cho các cụ. Với 5 năm tuổi nghề, đến nay lương chỉ gần 3 triệu đồng/tháng, song không vì thế mà Huyền nề hà việc gì. Để có kiến thức chăm sóc các cụ tốt hơn, Huyền đã theo học và tốt nghiệp trung cấp dược. Khi các cụ qua đời, Huyền trực tiếp chăm sóc, nắn bóp chân tay, trang điểm giúp các cụ. “Nếu làm việc vì thu nhập, chắc tôi và anh chị em khác không gắn bó với các cụ được lâu. Các cụ đã hiến trọn tuổi thanh xuân, hiến dâng một phần máu thịt cho Tổ quốc. Vì thế, được chăm sóc, phụng dưỡng các cụ là phúc phận của thế hệ trẻ. Các ba, các mẹ coi chúng tôi như con và chúng tôi luôn mong được làm con của các cụ, mong phần nào bù đắp những mất mát, hy sinh của các ba, các mẹ”, Huyền chia sẻ.

Thương binh Võ Hồng Chương (ngụ quận 1, thứ hai từ trái) phấn khởi trước sự quan tâm của thế hệ trẻ. Ảnh: MẠNH HÒA

Thương binh Võ Hồng Chương (ngụ quận 1, thứ hai từ trái) phấn khởi trước sự quan tâm của thế hệ trẻ. Ảnh: MẠNH HÒA

Anh Trần Bá Cường, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội Thanh niên TPHCM cho biết, dịp 27-7 này, tuổi trẻ thành phố nhận phụng dưỡng suốt đời 30 Mẹ Việt Nam Anh hùng (trong tổng số 133 mẹ hiện còn sống, chưa tính các mẹ được tặng danh hiệu theo quy định mới) trên địa bàn thành phố. Các cơ sở đoàn, các đơn vị thường xuyên thăm hỏi, chăm lo các mẹ với mức phụng dưỡng tối thiểu 2 triệu đồng/mẹ/tháng.

Sự hy sinh, dâng hiến của các thế hệ cha anh đã làm nên giá trị thiêng liêng của non sông đất nước. Lòng ngưỡng mộ tri ân của tuổi trẻ đang nối dài đạo nghĩa dân tộc, vun bồi tình yêu quê hương xứ sở. Một ngọn lửa được trao truyền, cháy mãi!

MẠNH HÒA

Tin cùng chuyên mục