1. Ngồi cùng các chú, các bác, nhìn vào chiếc áo màu xanh tôi đang mặc, bỗng một bác cười: “Bộ đội hả, thanh niên xung phong phải hông, áo này là áo thanh niên xung phong nè”. Tôi đáp: “Áo này giống bộ đội chưa bác?”. Bác gật gù, chỉ lên vai tôi: “Màu xanh này là áo bộ đội. Hồi đó tôi 21 tuổi”.
Dường như màu xanh của áo lính đã trở thành một phần đẹp đẽ nhất trong đời bộ đội, câu chuyện của bác cứ nhắc hoài về chiếc áo xanh. “Áo xanh mặc đẹp lắm, nhưng giặt thì cực vì lăn lê bò trườn, bẩn hết áo”, bác Vũ Tiến Trọng (quê Tây Ninh) kể. Tôi chăm chú lắng nghe, bác lại say sưa: “Tôi là bộ đội biên phòng, biên phòng cũng mặc áo màu xanh giống vầy. Mà phải trưởng thành, phải báo cáo thành tích với thủ trưởng rồi mới được lấy chồng, lấy vợ nha. Hành quân xa, đi cả đêm mệt lắm, vác súng nữa”. Những câu chuyện không đầu, không cuối nhưng đó là ký ức, là tuổi xuân, là điều gì đó đẹp đẽ, để lúc đã quên đi nhiều thứ thì bác Trọng vẫn nhớ hoài về chiếc áo xanh, về những ngày là bộ đội biên phòng…
Trở về sau cuộc chiến, không chỉ là những vết thương trên cơ thể, các bác ở chuyên khoa 1 - Trung tâm Điều dưỡng thương binh nặng và người có công Long Đất (thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng mất luôn khả năng của trí não bởi ảnh hưởng và dư chấn của chiến tranh. Ký ức của họ mãi dừng lại ở tuổi xuân năm ấy, bên đồng đội trong những ngày chiến đấu và màu xanh của chiếc áo bộ đội đã cùng họ đi qua thời trai trẻ.
Di chuyển phải phụ thuộc hoàn toàn vào xe lăn, đưa tay chỉ vào vết thương kéo dài trên mái đầu đã bạc trắng, bác Nguyễn Văn Ni (quê Tiền Giang) khoát tay cười: “Khỏe re hà, không có đau gì hết”. Có lẽ vì từng là người lính, họ chưa bao giờ cho phép mình sợ đau, kể cả khi không còn nhớ được điều gì nữa thì ký ức còn sót lại vẫn là ký ức của một chiến sĩ can trường cùng những cái tên của đồng đội năm nào. Bác Ni lặp đi lặp lại từng ấy cái tên: “Ri, Rứa, Thư, Sơn là bên mình, chứ mấy người kia không phải…”. Hỏi bác quê đâu, giọng bác mạnh lắm: “Quê Việt Nam chớ đâu. Ri, Rứa, Thư, Sơn cũng quê Việt Nam đó…”. Câu chuyện của bác mãi chỉ dừng lại ở năm 1971 và những cái tên của đồng đội cũ.
2. “Qua chơi chị ơi”, người phụ nữ tóc hoa râm vẫy tay kêu tôi tới gần. Cô trò chuyện, cười suốt, nhớ gần hết mấy chuyện hồi trước khi được trao trả tự do ở Lộc Ninh (Bình Phước) khi đất nước gần thống nhất.
Cô Trương Thị Mong, 67 tuổi, con gái Huế chánh hiệu, giọng nói thỏ thẻ và đặc biệt là nụ cười rất duyên. Tôi nói: “Hồi xưa chắc cô xinh gái lắm, giờ cười còn duyên quá trời”. Cô Mong kể chuyện xưa, đôi mắt hơi lạc đi một chút, những ký ức lẫn lộn ùa về: “Em là biệt động thành Huế, đi hoạt động được 3 năm, được 19 tuổi thì địch bắt. Úi chao, nó đánh ơi là đánh, cứ ma trắc, rồi chích điện chết đi sống lại. Nó treo lên rồi vụt, rồi đánh… Em được trả tự do sau 6 năm ra vô nhiều trại. Về với dân mình, em cũng đi nhiều trại lắm, là trại điều dưỡng đó, từ Bắc xuống Nam, giờ thì ở đây, an tĩnh, vui vẻ…”. Cô không khóc khi kể chuyện cũ, những điều mà cô kể với tôi có lẽ là những câu chuyện còn sót lại từ ký ức, mà bất cứ vị khách nào tới cũng chỉ ngần ấy chuyện được kể, được nghe…
“Hồi đó, cô có anh bạn nào để ý chưa?”, tôi hỏi thiệt tình. Cô cũng thiệt tình: “Hổng có đâu, 16 tuổi đi hoạt động rồi, học hành được nhiêu đâu mà người ta thương”. Rồi đôi mắt buồn nhìn về xa xăm: “Mệ em còn sống đó, cũng chín chục trở lên”. “Cô có về thăm nhà không? Xa mệ chắc nhớ mệ lắm nè”. “Sau em, mệ đẻ được 3 đứa em nữa, 2 gái một trai. Thỉnh thoảng em có về quê nha. Tết năm rồi, em gái tới đưa về nè, vui như ri. Mà em uống thuốc đầy đủ nên tỉnh, nên về quê được đó”. “Sắp tết rồi, năm nay cô có về nữa không?”.
Đến đây, cô Mong ngập ngừng: “Chắc không về nữa đâu, mới về mà…”. Câu chuyện lúc này ngưng đọng, cô Mong không nhớ nổi cái lần về quê gần nhất là tết trước hay cách đây vài tháng. Im lặng một đoạn, cô lại cam đoan với tôi: “Em uống thuốc đầy đủ lắm, không uống thuốc cứ nghe ai đó văng vẳng nói bên tai, riết không chịu nổi. Giờ em uống thuốc đều vầy, tết em lại về nhà…”.
Những chuyến đi về nhà ấy, ngắn ngủi nhưng là niềm mong ngóng của các cô, chú, bác ở đây. Nhưng không phải ai cũng may mắn như cô Mong. Rất nhiều trong số họ không có gia đình riêng, không con cái, chỉ có họ hàng xa gần. Mơ ước “về nhà ăn tết” cũng xa xăm như những mảnh ký ức mơ hồ ấy.
3. Trong khuôn viên của chuyên khoa 1, có những chú, bác không may mắn như cô Mong, chẳng còn nhớ nổi điều gì, kể cả gia đình. Các bác cứ đứng rồi lại ngồi một góc, nhìn xung quanh, thi thoảng nhìn vào chiếc áo xanh tôi đang mặc rồi mỉm cười: “màu xanh già”. Rồi mạnh ai nấy cầm chổi quét sân, nhặt rác. “Nói bệnh vậy chứ mấy bác ý thức lắm, thấy lá với hoa rụng nhiều là tự động đi quét sân”, anh Viết Tuệ, y công tại khoa chia sẻ. “Mỗi phòng 2 người ở chung, người khỏe và tỉnh táo hơn một chút ở cùng một người yếu để có chuyện gì thì họ còn la lên, báo lại với cán bộ y tế; hoặc đi lại, ăn uống thì ông mạnh dìu ông yếu”, y sĩ Dũng kể.
Nếu không vì tình thương có lẽ người ta khó mà gắn bó với nơi này đến những 40 năm như anh y sĩ Dũng hay 18 năm như bác sĩ Trần Thị Nhung. Anh Dũng kể: “Có những lần, mấy chú, mấy bác ở đây lên cơn la hét rồi rượt cán bộ chạy vòng vòng, như bác sĩ Nhung là bị nắm tóc hoài, có khi phải ba, bốn người phụ kéo ra mới thôi. Có một bác xưa là bộ đội đặc công, bác trở bệnh là cắt cơn lâu lắm, có khi cả tháng trời mới dứt được. Bác trèo lên cây rồi nằm vắt vẻo trên đó, lộn ngược người lại. Lính đặc công mà, nên khi lên cơn là bao nhiêu ngón nghề cũng thể hiện hết, cả đội ngũ trực phải canh bác liên tục”.
“Ở đây thì bị hoài, các bác lên cơn là cán bộ y tế bị rượt, bị đánh đầu tiên, nhưng làm lâu không chỉ là trách nhiệm mà đó còn là tình thương. Làm trong ngành y thì cực rồi, vì công việc là chăm sóc bệnh nhân, nhưng bệnh nhân ở đây còn đặc biệt hơn, đó là một thế hệ đã cống hiến vì độc lập hôm nay. Nếu ai cũng ngại khó, ngại cực thì ai sẽ làm, nên từ khi ra trường, tôi đã xin về đây. Chuyện bị đánh, bị rượt cũng là thời gian trước thôi, chứ bây giờ tinh thần, sức khỏe các bác ổn định lắm rồi”, bác sĩ Trần Thị Nhung tiếp lời anh Dũng.
Không chỉ là đội ngũ y tế, chính những người đã từng là người lính ấy cũng tự xoa dịu cho nhau những vết thương, nỗi nhớ nhà… “Nhớ nhà lắm chứ, một, hai năm có về một lần”, chú Nguyễn Văn Khả (quê Sóc Trăng) nói. Tôi chưa kịp đáp lời, chú Khả nói tiếp, giọng vang vang: “Tui dân miền Tây nên hát cải lương nha”. Hết đoạn cải lương vang vọng góc sân, lại đến những bài hát mà có lẽ tuổi xuân bác đã hát nhiều lần: “Quân đội ta anh hùng. Quân đội ta tiến lên! Tiến lên!”…
Chúng tôi ra về, chiều tắt nắng, các chú, bác quay về ngồi dưới đất, lưng tựa vào cửa phòng mình, nhìn xa xăm phía trước. Tôi thật sự xúc động khi bắt gặp hình ảnh hai người lính già, chẳng thể nhớ cũng chẳng nói điều gì trong suốt buổi chiều mà tôi ghé, họ đi lại liên tục trong khuôn viên rồi bất chợt vỗ vai, ôm chầm lấy nhau… Chẳng cần phải nói thêm điều gì nữa, một cái ôm cũng đủ để xoa dịu những vết thương, sự cô đơn… của những người từng là người lính.
Tuổi xuân năm ấy của các bác có rực rỡ, oanh liệt thế nào; những cuộc hành quân xa, vác súng trường hay nỗi ám ảnh về những mất mát thời khói lửa…, tất cả tuổi thanh xuân ấy đều đã gửi lại cho hôm nay và mai sau. Ký ức của họ đã dừng lại ở tuổi đôi mươi, ở những năm tháng khoác trên mình màu xanh áo lính.