Tưởng niệm để nhắc nhớ và sẵn sàng ứng phó

LTS: Ngày 6-10, Báo SGGP đề xuất cần có ngày tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19. Nhiều giới chức, nhân sĩ, trí thức… đã chia sẻ, bày tỏ ý kiến đồng thuận, đề xuất Quốc hội sớm xem xét chọn ngày thích hợp, có tính biểu tượng để tưởng niệm. Báo SGGP tiếp tục giới thiệu ý kiến của các bạn trẻ, trong đó có những người trực tiếp tham gia tuyến đầu chống dịch.

Thạc sĩ TRƯƠNG VĂN ĐẠT, Phó Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ TPHCM

Đọc thông tin Báo SGGP đề xuất có ngày tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19, tôi và nhiều đồng nghiệp đã rất xúc động.

Đất nước Việt Nam chúng ta đã trải qua gần 2 năm chống chọi với dịch bệnh. Ở làn sóng dịch lần thứ 4, sự khốc liệt của dịch bệnh đối với nước ta đã rõ. Minh chứng là đến 7-10, nước ta có hơn 826.000 người mắc Covid-19. Đau lòng hơn khi chúng ta phải tiễn đưa hơn 20.000 đồng bào tử vong, trong đó TPHCM có hơn 15.500 người.

Một con số thật khủng khiếp. Ở đó có những người dân, có y bác sĩ, có lực lượng tuyến đầu. Trong số đó, có các bà, các ông, những người cha, người mẹ, người anh, người chị và cả những em nhỏ. Hầu như tất cả đều không có người thân bên cạnh, cô đơn và lạnh lẽo…

Tưởng niệm để nhắc nhớ và sẵn sàng ứng phó ảnh 1 Tuổi trẻ TPHCM tham gia chống dịch

Chúng tôi là những cán bộ, nhân viên y tế trẻ, là những tình nguyện viên phòng chống dịch Covid-19 từ những ngày đầu tiên, có mặt tại những điểm nóng nhất của dịch bệnh, chứng kiến rõ nhất sự tàn phá khủng khiếp của nó đối với sinh mạng con người. Chưa bao giờ chúng tôi thấy sự mất mát nhiều và lớn đến vậy. Tôi chứng kiến những người bệnh trút hơi thở cuối cùng trong vòng tay nhân viên y tế, tôi cũng chứng kiến nhiều đồng đội của mình lặng lẽ rơi nước mắt sau lớp khẩu trang và kính chống giọt bắn, vì ở quê nhà người thân vừa mất vì dịch Covid-19.

Dẫu biết rằng thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng đã phải chống chọi với rất nhiều dịch bệnh, hay những tổn thương, mất mát khác, trong đó có đồng bào mất vì tai nạn giao thông, vì bệnh hiểm nghèo. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 có lẽ mang đến sự cảm nhận về đau thương sâu sắc nhất khi mà ranh giới giữa sự sống, cái chết mong manh và nhanh như vậy.

Dịch Covid-19 đáng sợ khi chúng vô hình nhưng mất mát là hữu hình. Người mất thiệt thòi, còn mất mát, đau thương với người ở lại là vô cùng to lớn. Vì vậy, có một ngày tưởng niệm nạn nhân mất vì Covid-19 vào lúc này là rất cần thiết và ý nghĩa.

Đợt dịch bùng phát lần thứ 4 từ ngày 27-4, đến nay đã làm hơn 20.000 ca tử vong, có lẽ là đợt dịch gây hậu quả nặng nề nhất. Do đó, tôi đề nghị lấy ngày 27-4 hàng năm để làm ngày tưởng niệm các nạn nhân mất vì Covid-19. Bia tưởng niệm nên đặt tại TPHCM, nơi bị Covid-19 tàn phá khốc liệt nhất.

Ngày tưởng niệm không chỉ để đồng bào tưởng nhớ về người thân của mình, tri ân sự hy sinh của y bác sĩ và lực lượng tuyến đầu, mà đây còn là sự nhắc nhớ để thế giới và Việt Nam sẵn sàng ứng phó với những đại dịch trong tương lai.


* Bạn ĐỖ TIẾN PHÁT, chiến sĩ tình nguyện tại Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 11:
Tưởng niệm để nhắc nhớ và sẵn sàng ứng phó ảnh 2

Có người sáng gặp, chiều đã đi xa

Trong suốt thời gian tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại địa phương, nhất là hơn 3 tháng tình nguyện tại bệnh viện dã chiến, tôi đã nhìn thấy niềm vui, hạnh phúc của những bệnh nhân khỏi bệnh, nhưng cũng không khỏi quặn lòng khi nhiều người mãi đi xa. Có những người, lúc đi phát đồ ăn sáng mình còn gặp, nhưng đến cữ cơm chiều thì đã nghe tin dữ. Mỗi ngày, nghe tiếng còi xe cứu thương đến rồi đi chở theo bao người bệnh, cũng có những chuyến xe rời khu điều trị trong lặng lẽ, mang theo những mảnh đời nằm xuống.
Dịch bệnh đã khiến nhiều gia đình mãi chia ly, những nỗi đau, mất mát chất chồng. Vì chứng kiến và thấu hiểu, tôi nghĩ nên có một ngày tưởng niệm chung về đồng bào, chiến sĩ đã hy sinh vì dịch bệnh. Ngày đó không chỉ nhắc nhớ chúng ta về sự tàn khốc của dịch, mà sẽ giúp những người trẻ nhìn lại để nỗ lực phấn đấu, cống hiến nhiều hơn cho quê hương, tổ quốc.

* Bạn PHẠM THỊ PHƯƠNG MAI, sinh viên năm 4 Trường Đại học Sài Gòn:
Tưởng niệm để nhắc nhớ và sẵn sàng ứng phó ảnh 3

Tưởng niệm để nhắc nhớ sống tích cực hơn

Đại dịch Covid-19 đã gây ra mất mát quá lớn cho thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, nhất là các gia đình có người thân qua đời. Đã có những y bác sĩ, chiến sĩ, tình nguyện viên xung phong vào tuyến đầu để rồi mãi không trở về. Nhiều người dân sau thời gian chống chọi bệnh tật cũng mãi mãi ra đi. Trước sự mất mát to lớn ấy, tôi thấy việc lập một ngày để tưởng niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh trong đại dịch Covid-19 là việc làm hết sức thiết thực. 
Ngày tưởng niệm như sự tri ân cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh, đồng thời bày tỏ niềm thương xót đồng bào đã tử vong. Điều này cũng giúp các gia đình có người thân mất vì Covid-19 cảm thấy được an ủi phần nào về mặt tinh thần. Riêng với giới trẻ, sẽ giúp chúng tôi nhìn lại lối sống, hành động, sự đóng góp của bản thân, đồng thời xem đó là ngày nhắc nhớ để mỗi người sống tích cực, trân quý cuộc sống này. 

 * Bạn NGÔ THỊ THÙY TRANG, Nhóm trưởng Đội Tình nguyện viên lấy mẫu Covid-19 cộng đồng phường 1, quận 8:
Tưởng niệm để nhắc nhớ và sẵn sàng ứng phó ảnh 4

 

Giúp sớm vượt qua những tổn thương

Trực tiếp đi vào từng tổ dân cư, tôi mới cảm nhận được rõ nét sự ác liệt của dịch bệnh. Không chỉ là các nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe, ảnh hưởng kinh tế, an sinh xã hội mà đại dịch còn cướp đi biết bao nhiêu sinh mệnh con người. Mỗi sáng tỉnh giấc là một ngày mới với mỗi người, nhưng với gia đình F0, hay gia đình có người F0 vừa mất thì không.
Cảm giác bi thương tràn ngập khu phố, lây lan trong khắp từng ngóc ngách, thấm đau vào trong lòng mỗi người. “Vì dịch bệnh mà, đâu ai nói trước được điều gì!”, câu nói vô lo ấy dường như gói ghém hết tất cả sự chua chát của hoàn cảnh, vạch trần sự yếu đuối của con người trước dịch bệnh.
Vậy nên, việc tổ chức ngày tưởng niệm đồng bào đã tử vong và cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh trong đại dịch Covid-19 là rất cần thiết. Có ý nghĩa động viên tinh thần đối với những người còn sống, giúp họ sớm vượt qua những tổn thương, cũng như quay trở lại cuộc sống bình thường mới.

Tin cùng chuyên mục