Tuyên bố Hội An 2017: Cần tuân thủ luật chơi

Hội thảo quốc tế về “ Bảo tồn và phát huy các giá trị di sản đô thị” đã được tổ chức tại Hội An.
Quang cảnh buổi hội thảo
Quang cảnh buổi hội thảo

Hội thảo quốc tế do UBND tỉnh Quảng Nam, UBND TP Hội An, Ủy ban Quốc gia UNESCO, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Văn phòng UNESCo Hà Nội cùng với UNHABITAT, tổ chức.

 Hội thảo nhằm đánh giá hiệu quả của Tuyên bố Hội An 2009, 2003 và khuyến khích những sáng kiến mới từ các chủ thể địa phương và khu vực tư nhân về cơ chế bảo vệ và phát triển bền vững tại các đô thị di sản.  Hoạt động nằm trong khuôn khổ Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI – 2017. Chủ trì nội dung hội thảo có: ông Phạm Vinh Quang – Tổng Thư ký Ủy ban Quốc Gia UNESCO VN và bà Susan Vize – Trưởng Đại diện UNESCO VN và ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam.

Ông Lê Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đọc Tuyên bố Hội An 2017
 Hội An là một cảng thị truyền thống của Chămpa từ thời Trung đại. Đến thế kỷ 17, với chính sách mở cửa của các chúa Nguyễn ở Đàng Trong, Hội An là thương cảng quốc tế phát triển rực rỡ, là cơ sở trọng yếu về kinh tế và đối ngoại của các Chúa Nguyễn gần 3 thế kỷ.  Trong lòng đô thị Hội An còn lưu giữ được gần như nguyên vẹn hơn một nghìn di tích kiến trúc cổ như nhà cửa, hội quán, đình, chùa, miếu, nhà thờ tộc, giếng cổ, mộ cổ... vừa có sắc thái nghệ thuật truyền thống của người Việt, vừa thể hiện sự giao lưu, hội nhập văn hoá với các nước phương Đông và phương Tây. Hội An cũng là vùng đất ghi nhiều dấu ấn của sự pha trộn, tiếp biến, giao thoa văn hóa. Các hội quán, đền miếu mang dấu tích của người Hoa nằm bên những ngôi nhà phố truyền thống của người Việt và những ngôi nhà mang phong cách kiến trúc Nhật Bản. Hội An còn lưu giữ một nền văn hóa phi vật thể đa dạng và phong phú. Với giá trị tiêu biểu về văn hóa, ngày 04 tháng 12 năm 1999, Đô thị cổ Hội An được UNESCO ghi vào danh mục di sản văn hóa thế giới.

Cân nhắc xây dựng quy hoạch và khung pháp lý cho các đô thị cổ

Kiến trúc sư Virginia Gravalos – Chuyên gia phát triển đô thị tại AREP Nam Á, cố vấn của UNNESCO về bảo tồn đô thị  tham luận: Đặc tính thay đổi của các lực lượng tác động đến môi trường lịch sử cùng với sự hiểu biết ngày càng sâu sắc về bảo tồn đô thị, đòi hỏi việc bảo vệ những giá trị di sản của các khu đô thị cổ không thể dựa vào việc thực thi những quy định thông thường, mà phải xây dựng và thực hiện một chiến lược tổng thể và thiết lập các công cụ cụ thể để thực hiện, bao gồm: các cơ chế theo quy định và hợp đồng, ưu đãi về tài chính, cơ chế và sắp xếp về thể chế, sử dụng các công cụ truyền thông và nâng cao nhận thức.

Đánh giá sâu về những biến đổi lịch sử, ghi nhận các dấu ấn lịch sử, thực hiện một khảo sát chi tiết về công trình di sản và không gian mở, sự phân loại công trình, sự phát triển nền tảng công nghệ thông tin, đánh giá quan cảnh xung quanh và hình dáng công trình. Thiết lập vùng bảo tồn với một định nghĩa rõ ràng về các khu vực lõi, khu vực chuyển tiếp và khu vực không được phép xây dựng, phân loại công trình xậy dựng, và định nghĩa những quy định xây dựng cụ thể để xác định những hình thức can thiệp đến công trình di sản, không gian mở, cũng như những hướng dẫn về xây dựng những công trình mới, và can thiệp các công trình “tương phản”.

Giáo sư Robyn Bushell, Đại học Tây Sydney đem đến một luận cứ xây dựng hiện đại cho di sản cổ: Tái sử dụng thích ứng là một quá trình làm biến đổi những vật không dùng đến nữa hoặc không còn hiệu quả thành một vật mới có thể sử dụng với một mục đích khác. Tái sử dụng thích ứng công trình xây dựng cổ nên có tác động ít nhất đến ý nghĩa di sản của công trình và môi trường xung quanh. Những nhà phát triển cần phải biết lý do tại sao công trình lại có giá trị di sản, và sau đó theo đuổi hướng phát triển phù hợp với công trình để mang lại cho công trình mục đích sử dụng mới. Các dự án tái sử dụng thích ứng cho công trình xây dựng thành công nhất cần tôn trọng và giữ gìn ý nghĩa di sản của công trình và bổ sung thêm một lớp áo đương đại mang lại giá trị cho tương lai. Nếu một tòa nhà không còn chức năng sử dụng như ban đầu nữa, cách sử dụng thích ứng mới có lẽ là cách duy nhất để bảo tồn ý nghĩa di sản của nó.

Quản lý di sản cộng đồng- Dựa trên quyền không dựa trên lòng tốt

Tiến sĩ Peter Larsen – nhà nhân học, Đại học Lucerne, Thụy Sỹ tham luận: Nhiều vấn đề liên quan đến quyền của con người trong các đô thị, di sản đẹp nhưng quyền xã hội, quyền kinh tế, quyền tham gia tiếp cận không rõ ràng, cần tập trung hơn những phương pháp có tính tới quyền của cộng đồng. Các cộng đồng phức tạp và đa dạng, người dân không có quyền về bảo tồn di sản lại bị ảnh hưởng đến sinh kế giữa người địa phương và người nơi khác đến.

Cần nhận thức về di sản, giá trị, đa dạng về lịch sử văn hóa, tôn giáo và thế hệ khác nhau. Các rủi ro phát sinh, sự căng thẳng giữa những người làm công tác bảo tồn không được ghi nhận của chính quyền địa phương. Quyền được tham gia của cộng đồng không tự động diễn ra, còn nhiều thiếu hụt về mặt xã hội, cần giải quyết để thể chế hóa. Về mặt lợi ích, ai được hưởng lợi, lợi nhuận, làm sao đảm bảo bình đẳng kể cả những người nghèo. Cân bằng nền kinh tế di sản và bình đẳng xã hội. Phương pháp tiếp cận dựa trên quyền, không dựa trên lòng tốt mà dựa trên chính sách trên phương diện bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Đại diện Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã nêu kinh nghiệm, người dân Hội An sáng tạo rất nhanh về buôn bán, như con đường tơ lụa…Hội An tiếp cận cái mới rất nhanh, tuy nhiên trong góc độ độ thị cổ thì phát triển rất nhanh, tính chân xác văn hoá trong cộng đồng đã  mất dần, cư dân bản địa ít dần và xuất hiện nhiều cư dân mới. Đây là vấn đề khá tế nhị về tính chân xác văn hoá di sản của cộng đồng bị biến động trong dòng lưu chuyển di cư.

Tuyên bố Hội An 2017

Hội thảo trong phiên bế mạc đã đưa ra văn bản có tính khuyến nghị của các nhà nghiên cứu khoa học về bảo tồn và phát huy di sản đô thị cổ đó là Tuyên bố Hội An 2017. Văn bản có 10 nội dung trong đó nhấn mạnh đến việc đảm bảo việc bảo tồn các đô thị lịch sử và di sản đô thị của Châu Á một các có hiệu quả và công bằng, hướng tới cách tiếp cận toàn diện và xem xét bối cảnh nhận thức rộng lớn. Bối cảnh này bao hàm cả địa hình, địa mạo, thủy văn và các đặc điểm tự nhiên, môi trường được xây dựng, cả trong lịch sử và hiện tại, cơ sở hạ tầng trên và dưới lòng đất, các không gian mở và vườn tược, mô hình sử dụng đất và tổ chức không gian, nhận thức và các mối tương quan thị giác, cũng như các yếu tố khác thuộc về cấu trúc đô thị của một khu di sản. Bối cảnh này cũng bao gồm các khía cạnh phi vật thể liên quan đến sự đa dạng và bản sắc, chẳng hạn như các thực hành và giá trị văn hóa – xã hội hay các tiến trình kinh tế.

Giáo sư Đại học Deakin , Australia ông William Logan -  trong phát biểu về tầm nhìn và khuyến nghị về Tuyên bố Hội An 2017 nhấn mạnh: Cần duy trì được tính nguyên vẹn, tính xác thực của các đô thị di sản, tuân thủ theo hệ thống di sản thế giới. Đối với Hội An thì đây là một hội thảo rất hay, cần tuân thủ luật chơi, cần nhấn mạnh nhân tố về thương cảng hay sự hội tụ nền văn hóa khác nhau.

Pháp luật Việt Nam cũng như là các quy định về quản lý di sản thế giới cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với các quy định về phát triển bền vững vừa được UNESCO thông qua gần đây. Cũng cần phải có các quy định về sự tham gia của cộng đồng và người dân trong các văn bản luật. Đặc biệt, cần phải xây dựng các quy định riêng biệt liên quan đến người thiểu số sinh sống trong và gần các khu di sản thế giới. Cần phải phát triển các chính sách về chia sẻ lợi ích, sự tham gia và đồng quản lý của người dân, đặc biệt là đối với các khu rừng đặc dụng.   

Tin cùng chuyên mục