Cuộc chiến chống xe quá tải đã kéo dài được hơn 2 năm và theo như kế hoạch của Bộ GTVT, sẽ cơ bản chấm dứt tình trạng xe quá tải vào cuối năm 2015. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, dù theo báo cáo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam là xe quá tải đã giảm đáng kể, nhưng vẫn chưa thể nói chúng ta đã kiểm soát tình trạng xe quá tải. Thậm chí, 10% còn lại mới chính là phần cam go nhất của “cuộc chiến”, bởi nó nằm ở phần chìm, trong một boong-ke khó phá, được bao bọc bởi những thứ rất vô hình gọi là “bảo kê”, là “quan hệ” mà nếu không xác định được chân tướng, sào huyệt của nó thì không thể xóa bỏ.
Ai cũng biết, để những đoàn “xe vua”, xe quá tải ung dung trên đường, qua được trạm cân và chốt trực của cảnh sát giao thông đều phải có những chiếc “bùa hộ mệnh”. Tại TPHCM và một số tỉnh phía Nam, “bùa hộ mệnh” có thể là một chiếc logo được dán trên đầu xe; ở cảng Cái Lân (Quảng Ninh), tấm “bùa hộ mệnh” lại là một giấy đăng kiểm cho phép tải trọng xe nâng lên so với năng lực thực tế vài ba lần. Ở nhiều nơi khác, như trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, hay các tuyến tỉnh lộ, quốc lộ tại Nghệ An, Thanh Hóa, Hải Dương… “bùa hộ mệnh” lại xuất hiện công khai, sẵn sàng giải vây cho đoàn xe quá tải.
Vụ việc đánh, cướp tài sản của nhà báo khi đang tác nghiệp vừa xảy ra tại quận 9, TPHCM bị nghi ngờ là có liên quan đến hoạt động chống xe quá tải tại địa phương, càng cho thấy những đối tượng chở quá tải có chỗ dựa, càng chứng tỏ phần còn lại cuộc chiến này vô vàn khó khăn, nguy hiểm. Điều đáng nói là ai cũng biết bản chất của “bùa hộ mệnh” đó là gì, nhưng vì sao không đột phá nổi, vẫn để xe quá tải hoành hành, phá nát hạ tầng giao thông, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn giao thông, uy hiếp người tham gia giao thông?
Trong rất nhiều cuộc họp liên ngành bàn các giải pháp chống xe quá tải, vấn đề trên cũng đã được nêu ra, mổ xẻ. Các địa phương đều thừa nhận là có hiện tượng đó, nhưng giải quyết thế nào thì vẫn dùng dằng, thiếu kiên quyết và có thể nói đến nay chưa tìm ra phương thuốc đặc hiệu.
Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định, tình trạng bảo kê xe quá tải là khá nghiêm trọng, ngày càng manh động, gây bức xúc trong xã hội. Phó Thủ tướng chỉ đạo phải xử lý nghiêm cá nhân, đơn vị bao che, tiêu cực. Nếu để tình trạng trên tiếp diễn, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố phải chịu trách nhiệm. Mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cũng thừa nhận chống xe quá tải triệt để rất khó, vì nó động chạm đến nhiều nhóm lợi ích, nhiều người. Nhưng bộ trưởng cũng khẳng định “khó cũng phải làm”. Không thể các báo cáo khẳng định đã rất nỗ lực, đã có kết quả nhưng rồi xe quá tải vẫn lộng hành đâu đó. Thái độ ngang nhiên, hung hãn, manh động của những đối tượng chở xe quá tải không chỉ gây bức xúc dư luận, làm giảm hiệu quả của những tâm huyết, nỗ lực của các cơ quan chức năng mà nguy hiểm hơn, nó có thể làm giảm nhuệ khí chiến đấu của nhiều người, giảm lòng tin của người dân với lực lượng chức năng, với những người thi hành công vụ.
Rõ ràng, những gì đang diễn ra cho thấy nhiệm vụ chống xe quá tải đang phải đối mặt với phần việc gai góc nhất, đòi hỏi nhiều nỗ lực của ngành giao thông và các bộ ngành, địa phương. Dư luận đang chờ sự nghiêm minh của luật pháp khi xử lý các đối tượng có hành vi chở quá tải và mong sự kiên quyết hơn nữa của các cơ quan quản lý, các lực lượng chức năng về vấn nạn này.
MINH DUY