
Tại “đại công trình” Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải (tỉnh Trà Vinh), việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý lao động đang lộ rõ nhiều bất cập, gây bức xúc cho hàng ngàn lao động tại địa phương.

Công trình Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải, nơi có hàng ngàn lao động Việt Nam đang làm việc.
Bị cắt xén, quỵt tiền công
Hiện tại, Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải đã được đưa vào sử dụng một phần. Tuy công trình này đã tạo nhiều công ăn việc làm cho người dân địa phương nhưng kèm theo là những vấn đề bức xúc trong cách tuyển dụng và sử dụng lao động tại đây.
Khi muốn tuyển dụng lao động, các nhà thầu đến từ Trung Quốc thường thông qua các công ty cung ứng lao động hoặc xây dựng của Việt Nam. Sau đó, đơn vị này thuê lại các tổ, đội (có khi chính là những “tay cò”) để thi công các phần việc được công ty Trung Quốc giao trước đó. Sự phân bổ “đa cấp” này đã tình cờ dẫn đến thực trạng cắt xén và quỵt tiền lương của công nhân.
Ông Phù Quốc Nơi (49 tuổi, ngụ ấp Giồng Giếng, xã Dân Thành, huyện Duyên Hải) bức xúc: “Vào làm một thời gian, qua nói chuyện với một số người Trung Quốc, tôi mới biết các nhà thầu trả lương cho chúng tôi 250.000 đồng/ngày. Thế nhưng, khi đến tay người lao động, tiền đã bị các “cò” xén đi, chỉ còn 160.000 đồng/ngày. Việc này, chẳng khác gì là họ làm giàu trên mồ hôi nước mắt của chúng tôi”.
Theo phân tích của một cán bộ có trách nhiệm của huyện Duyên Hải, các công ty của Việt Nam thường có đủ pháp lý tuyển dụng lao động, khi họ giao việc lại cho các tổ, đội thi công, kể cả trả tiền lương cũng đều có hóa đơn, chứng từ rõ ràng. Tuy nhiên, các tổ, đội tuyển và sử dụng lao động vô tội vạ. Thỉnh thoảng, họ ôm tiền bỏ trốn khiến người lao động lãnh đủ, ngành chức năng cũng không biết họ ở đâu mà tìm. Ông Bùi Quốc An (48 tuổi, ngụ ấp Giồng Giếng, xã Dân Thành) kể: “Hồi trước, tôi cùng với 32 người khác được một phụ nữ tên Huyền, giới thiệu là nhân viên của một công ty xây dựng ở TPHCM tuyển vào làm công nhân trong Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải với lời hứa làm việc trong 2 tuần sẽ có lương. Làm được một thời gian, bà Huyền bỏ trốn. Tất cả chúng tôi bị quỵt lương với tổng số tiền khoảng 120 triệu đồng”.
Ông Võ Hùng Nhân, Trưởng Ban nhân dân ấp Giồng Giếng, cho biết: “Họ (ý nói những “cò” lao động) đến đây từ nhiều nơi, một số thuê nhà trọ trên địa bàn ấp, còn họ là ai thì không biết được vì họ không đăng ký tạm trú với địa phương và thường thay đổi nơi ở. Địa phương tiếp nhận nhiều đơn khiếu nại nhưng dường như không thể can thiệp”.
Theo ông Võ Văn Dội, Phó Chủ tịch UBND xã Dân Thành: “Trong năm 2014, trên địa bàn xã xảy ra ít nhất 3 vụ công nhân Việt Nam bị quỵt tiền lương, việc can thiệp của chính quyền xã gần như hết cách. Cách đây không lâu, sau khi bị quỵt lương hơn 100 triệu đồng, hàng chục công nhân kéo đến trụ sở của một công ty xây dựng TPHCM (có trụ sở đóng tại huyện) nhưng đơn vị này đã chứng minh được mình không có liên quan đến vụ việc. Tuy nhiên, bà con cho rằng, giữa đơn vị này và các tổ, đội phải có sự “quen biết” nên mới làm ăn chung với nhau. Chỉ đến khi công ty nọ chấp nhận trả hơn 50% số tiền lương cho công nhân thì tình hình mới được vãn hồi”.
Làm việc không hợp đồng
Rất nhiều người dân ở ấp Giồng Giếng còn bức xúc với nạn “cò” lao động hoành hành. Bà con sẵn sàng cung cấp thông tin cho báo chí nhưng từ chối nêu tên và đưa hình ảnh vì sợ mất việc! Theo một nguồn tin đáng tin cậy của chúng tôi, chỉ riêng xã Dân Thành - nơi có Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải, hiện có khoảng 1.000 người dân địa phương đang làm việc tại đây. Ngoài ra, con số từ các tỉnh, thành khác đổ về lên đến 3.800 người, đó là chưa kể khoảng 1.400 lao động Trung Quốc đang làm việc tại nhà máy này.
Chỉ một số trường hợp như kỹ sư, thợ máy… được ký hợp đồng lao động theo đúng pháp luật, đại đa số người lao động phổ thông chỉ có “hợp đồng miệng”, họ phải chịu nhiều thiệt thòi về quyền lợi. Một phụ nữ có chồng làm công nhân trong nhà máy nhiệt điện, nói: “Trước đây, chồng tôi bị sắt đè gãy chân. Lúc nằm viện, phía nhà thầu có cử người đến thăm hỏi và hứa sẽ hỗ trợ tiền thuốc men. Nhưng sau đó họ “lặn” mất tăm. Biết rằng làm việc ở đây luôn gặp nhiều nguy cơ nhưng vì nghèo quá, có công ăn việc làm là mừng lắm rồi nên đành phải chịu”.
Vài tháng trước đây, tại công trường Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải đã từng xảy ra tai nạn nghiêm trọng làm một công nhân (ngụ ấp Cồn Cù, xã Dân Thành) tử vong. Đơn vị có liên quan đã tự thỏa thuận bồi thường cho gia đình nạn nhân số tiền trên 200 triệu đồng. Sau đó, gia đình nạn nhân đã bãi nại nên vụ việc cũng bị chìm vào quên lãng.
Ông Võ Văn Dội cho biết thêm: “Khi cần tuyển lao động, phía nhà thầu không hề thông qua địa phương, mà chủ yếu thông qua các đơn vị quen biết nào đó. Rồi chính những đơn vị này thuê lại những người khác đi tìm nguồn lao động. Nếu người dân nào rảnh thì đi làm, tất nhiên, kiểu lao động thời vụ này không hề có hợp đồng và cũng không được hưởng những quyền lợi có liên quan”.
CHÍ HẠNH