Tuyên phạt siêu lừa Nguyễn Thị Hà Thành tù chung thân

Sáng 24-3, Tòa án nhân dân TP Hà Nội tuyên án siêu lừa Nguyễn Thị Hà Thành cùng 25 bị cáo liên quan vụ lừa đảo chiếm đoạt hơn 433 tỷ đồng của 3 ngân hàng.

Sau hơn 10 ngày xét xử và nghị án, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân TP Hà Nội quyết định tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành (trú tại TP Hà Nội) mức án chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Cùng tội danh, Nguyễn Thanh Tùng và Nguyễn Thị Thu Hương (Trưởng bộ phận khách hàng Phòng giao dịch Đông Đô của Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Á - VAB) cùng lĩnh 18 năm tù; bị cáo Quản Trọng Đức (Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Trưởng phòng giao dịch Đông Đô, VAB) 17 năm tù.

Thẩm phán Tòa án nhân dân TP Hà Nội đọc bản án. Ảnh: GIA KHÁNH

Thẩm phán Tòa án nhân dân TP Hà Nội đọc bản án. Ảnh: GIA KHÁNH

Bị cáo Đặng Thị Quỳnh Hương (Trưởng phòng khách hàng cá nhân Phòng giao dịch Đông Đô, VAB) bị phạt tổng mức án 17 năm tù về các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”.

Bị cáo Nguyễn Mai Phương (kiểm soát viên VAB) bị phạt 14 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Các bị cáo Đỗ Minh Đức 6 năm tù, Bùi Văn Tuấn (đều là cựu cán bộ Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại chúng Việt Nam - PVB) 5 năm tù về tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”. Cùng tội này, bị cáo Trần Thị Hoa (cựu Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Ngân hàng Thương mại cổ phần quốc dân - NCB) lĩnh 5 năm tù…

Các bị cáo khác bị tuyên phạt từ 12 tháng tù, hưởng án treo đến 6 năm tù.

Về trách nhiệm dân sự, tòa buộc Nguyễn Thị Hà Thành bồi thường cho các ngân hàng số tiền đã chiếm đoạt. Cụ thể, bị cáo Thành có nghĩa vụ bồi thường 47,5 tỷ đồng cho NCB và 49,4 tỷ đồng cho PVB, bồi thường cho VAB 273 tỷ đồng.

Ngoài các ngân hàng, tòa tuyên bị cáo Thành cũng phải có trách nhiệm trả tiền cho một số cá nhân mà bị cáo đã chiếm đoạt. Một số người gửi tiền tại VAB được tòa tuyên ngân hàng phải trả lại các tiền gốc và lãi.

Số tiền 122 tỷ ông Đặng Nghĩa Toàn gửi tiết kiệm tại 3 ngân hàng bị “siêu lừa” chiếm đoạt, tòa tuyên các ngân hàng giữ lại số tiền này để đảm bảo thi hành án.

Hội đồng xét xử dành quyền khởi kiện dân sự cho ông Toàn với số tiền trên trong một vụ án khác.

Các bị cáo nghe tuyên án. Ảnh: GIA KHÁNH

Các bị cáo nghe tuyên án. Ảnh: GIA KHÁNH

Một số “đại gia” khác đứng tên đồng sở hữu cùng Nguyễn Thị Hà Thành gửi tiền tiết kiệm sau đó bị “siêu lừa” chiếm đoạt cũng bị tòa tuyên các ngân hàng giữ lại số tiền này để đảm bảo thi hành án. Những người này cũng được tòa dành quyền khởi kiện dân sự trong một vụ án khác.

Trước đó, quá trình xét hỏi, Nguyễn Thị Hà Thành và nhiều bị cáo thừa nhận cáo trạng. Trong đó, Hà Thành khai cô không có đồng phạm trong vụ án, không có sự bàn bạc với ai và một mình hưởng lợi. Riêng bà Đặng Thị Quỳnh Hương (cựu Trưởng phòng thuộc chi nhánh Đông Đô của VAB) là người duy nhất kêu oan do bị cáo bị buộc phạm 2 tội danh.

Đối với ông Đặng Nghĩa Toàn (người bị chiếm đoạt 122 tỷ đồng khi gửi tiết kiệm ở 3 chi nhánh ngân hàng) cho rằng ông ta không vay tiền của Nguyễn Thị Hà Thành và không nhận khoản tiền lãi nào từ bị cáo. Ông Toàn đề nghị tòa buộc 3 ngân hàng nêu trên giải tỏa, trả tiền tiết kiệm.

Còn luật sư và đại diện 3 ngân hàng cho rằng quan hệ giữa Hà Thành với ông Toàn là quan hệ vay tiền thông qua việc gửi tiền tiết kiệm đồng sở hữu. Các ngân hàng đề nghị Nguyễn Thị Hà Thành trả tiền cho ông Toàn.

Tin cùng chuyên mục