Bộ GD-ĐT mới công bố chỉ tiêu tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2011 tăng khoảng 33.500 chỉ tiêu so với năm 2010 (514.500 chỉ tiêu). Như vậy, kỳ tuyển sinh năm nay tiếp tục chạy theo số lượng khi có sự mất cân đối ở việc xác định tổng chỉ tiêu tuyển mới và cả chỉ tiêu ở từng trường, từng nhóm ngành.
Đến hẹn lại... tăng
Theo đề xuất của các trường ĐH-CĐ, trong kỳ tuyển sinh năm 2011 rất nhiều trường tiếp tục tăng chỉ tiêu so với năm 2010. Trong số các trường dự kiến tăng chỉ tiêu tại TPHCM, Trường ĐH Tài chính - Marketing dẫn đầu khi dự kiến tăng khoảng 1.200 chỉ tiêu. Trong đó, hệ ĐH tăng 700 chỉ tiêu (năm 2010 là 1.300 chỉ tiêu) và hệ CĐ tăng 500 chỉ tiêu (năm 2010 là 1.000 chỉ tiêu). Tiếp đến là Trường ĐH Kinh tế TPHCM cũng xin tăng từ 4.000 chỉ tiêu lên thành 4.500 chỉ tiêu, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM tăng khoảng 500 chỉ tiêu bậc ĐH (năm 2010 là 3.300 chỉ tiêu), Trường ĐH Sư phạm TPHCM tăng khoảng 500 chỉ tiêu và chủ yếu tăng ở các ngành ngoài sư phạm.
ĐH Quốc gia TPHCM có đến 6 trường thành viên đề xuất tăng chỉ tiêu tuyển sinh. Trong đó, tăng chỉ tiêu nhiều nhất là Trường ĐH Kinh tế - Luật với 110 chỉ tiêu, Trường ĐH Khoa học Xã hội - Nhân văn tăng 80 chỉ tiêu, Trường ĐH Công nghệ Thông tin tăng 65 chỉ tiêu, Trường ĐH Bách khoa tăng 50 chỉ tiêu…
Cùng với khu vực TPHCM, các trường ĐH vùng khác như ĐH Huế, ĐH Đà Nẵng, ĐH Thái Nguyên, ĐH Cần Thơ, ĐH Tây Nguyên cũng đồng loạt tăng chỉ tiêu với mức tăng từ 5% - 10%. ĐH Huế dự kiến tuyển trên 11.000 chỉ tiêu, tăng khoảng 1.260 chỉ tiêu so với năm 2010. Các trường thành viên có mức tăng từ 70 - 300 chỉ tiêu. Cùng với người anh em này, ĐH Đà Nẵng dự kiến tăng 1.100 chỉ tiêu trong mùa tuyển sinh năm 2011. Trong đó, tăng nhiều nhất là Trường ĐH Bách khoa tăng khoảng 300 chỉ tiêu, Trường ĐH Kinh tế tăng hơn 400 chỉ tiêu, Trường ĐH Ngoại ngữ tăng gần 200... Trường ĐH Cần Thơ dự kiến tăng khoảng 350 chỉ tiêu.
Tại khu vực phía Bắc, ngoại trừ ĐH Quốc gia Hà Nội dự kiến vẫn giữ ổn định chỉ tiêu ở mức 5.500 như năm 2010, nhiều trường còn lại đều dự kiến xin tăng chỉ tiêu trong năm 2011. Dự kiến tăng nhiều nhất thuộc về Trường ĐH Điện lực tăng khoảng 500 chỉ tiêu, ĐH Lâm Nghiệp tăng 300 chỉ tiêu, ĐH Công nghiệp Hà Nội tăng từ 5-7%...
Ngoài những trường nói trên, nhiều trường đại học vừa được nâng cấp, thành lập cũng đề xuất xin tăng chỉ tiêu từ 7%-10% so với năm 2010.
Mất cân đối
* Một khi chạy đua theo số lượng, chắc chắn chuyện xem nhẹ điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, trong đào tạo là điều quá rõ. Vì vậy, cần phải xem lại, có nên tiếp tục chạy theo số lượng hay phải giảm tăng trưởng chỉ tiêu để đặt mục tiêu nâng chất lượng đào tạo, điều chỉnh lại cơ cấu chỉ tiêu cho phù hợp với chiến lược phát triển ngành nghề của đất nước |
Theo những cơ sở đào tạo đề xuất tăng chỉ tiêu, phần lớn chỉ tiêu xin tăng đều tập trung vào nhóm ngành đang được thí sinh ưa chuộng là ngành kinh tế. Thực tế cho thấy, các trường đại học địa phương và đại học vùng dù đề xuất tăng từ 500 - 1.000 chỉ tiêu nhưng trong đó nhóm ngành kinh tế chiếm đến hơn 70%. Trong khi đó, những ngành thuộc khối nông - lâm - ngư, cơ khí dù èo uột trong những mùa tuyển sinh gần đây nhưng dường như các trường vẫn không quan tâm.
Sự mất cân đối trong tuyển sinh đã dẫn đến chênh lệch trong cán cân ngành nghề đào tạo lẫn nguồn nhân lực cho xã hội trong tương lai. Không chỉ những mùa tuyển sinh gần đây mà ngay kết quả tuyển sinh trong năm 2010 cho thấy nhóm ngành kinh tế đã chiếm tới trên 27% trong tổng số thí sinh trúng tuyển vào các trường. Kết quả này đã vượt mục tiêu mà Chính phủ đặt ra là đến năm 2020, nhóm ngành kinh tế - luật chiếm 20% sinh viên theo học. Nghiêm trọng hơn, cũng theo mục tiêu của Chính phủ là đến năm 2020 nhóm ngành khoa học cơ bản phải đạt 9% lượng sinh viên đăng ký theo học nhưng hiện nay số sinh viên theo học chưa đạt tới 3%.
Một chuyên gia đào tạo của ĐH Quốc gia TPHCM cho biết: Một điều đáng quan tâm nữa là sự mất cân đối giữa số lượng với các điều kiện đảm bảo chất lượng trong tuyển sinh hiện nay. Dù bộ GD-ĐT đã thực hiện “3 công khai” nhưng vẫn chưa quyết liệt. Vì vậy, dù các trường có khai man về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, bộ cũng không thể kiểm tra. Mà dù bộ có kiểm tra được, chỉ tiêu cũng đã giao rồi, người học cũng đã đóng tiền rồi!
Theo một nhà nghiên cứu giáo dục tại TPHCM, từ năm 2006-2010, chỉ tiêu tuyển sinh ĐH-CĐ liên tục tăng, năm sau cao hơn năm trước khoảng 10%. Chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm liên tục tăng nhưng theo kết quả điều tra dân số thì số dân ở độ tuổi trung học phổ thông của nước ta trong giai đoạn này không tăng, dao động trong khoảng 750.000 - 850.000 người. Như vậy, tốc độ tăng chỉ tiêu tuyển sinh như hiện nay liệu có hợp lý hay phải cần tính toán lại cho khoa học?
Thanh Hùng