Tuyến xe buýt liên tỉnh, kết nối sân bay Tân Sơn Nhất: Bước đầu đáp ứng nhu cầu của hành khách

Phóng viên Báo SGGP vừa có cuộc trao đổi với ông Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng (thuộc Sở Giao thông Vận tải TPHCM) về tình hình hoạt động trong những tháng qua của tuyến xe buýt liên tỉnh, kết nối sân bay Tân Sơn Nhất với địa chỉ du lịch nổi tiếng là TP Vũng Tàu, sau khi đưa vào khai thác thí điểm hồi cuối tháng 1-2019.
Xe buýt hoạt động tuyến Sân bay Tân Sơn Nhất - Vũng Tàu. Ảnh: THÀNH TRÍ
Xe buýt hoạt động tuyến Sân bay Tân Sơn Nhất - Vũng Tàu. Ảnh: THÀNH TRÍ

- PHÓNG VIÊN: Ông có thể khái quát đôi nét kết quả hoạt động trong thời gian qua của tuyến xe buýt liên tỉnh nối kết sân bay Tân Sơn Nhất đến TP Vũng Tàu và ngược lại?

>> Ông TRẦN CHÍ TRUNG: Sau khi đi vào vận hành từ cuối tháng 1-2019 đến hết ngày 30-4, tuyến xe buýt không trợ giá mang mã số 72-1, lộ trình từ sân bay Tân Sơn Nhất đi TP Vũng Tàu và ngược lại đã hoạt động 2.604/2660 số chuyến như đăng ký với cơ quan quản lý, đạt tỷ lệ gần 98% số chuyến đăng ký, vận chuyển được 18.002 hành khách. Hiện nay mỗi ngày trên tuyến có 56 chuyến xe buýt lăn bánh, chia đều cho 2 chiều: doanh nghiệp vận tải TPHCM thực hiện 28 chuyến và 28 chuyến còn lại do doanh nghiệp vận tải phía tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thực hiện. Thời gian giãn cách mỗi chuyến là 35 phút trong giờ cao điểm và 45 phút trong các giờ khác. Về phương tiện, đang hoạt động trên tuyến này là 14 xe buýt chất lượng cao, loại xe Limousine có 18 chỗ ngồi. Ngoài ra còn có 2 xe dự phòng cho trường hợp hành khách tăng đột biến. Do đặc thù của tuyến là đến và đi từ sân bay có cự ly tương đối dài, trên 100km, nên xe buýt hoạt động trên tuyến này không bố trí chỗ đứng cho hành khách.

- Các dịch vụ hỗ trợ hành khách trên tuyến xe buýt này có đặc thù thế nào, thưa ông?

Theo phương án ban đầu, ngoài dịch vụ vận chuyển hành khách thuần túy, tuyến xe buýt thí điểm kết nối sân bay Tân Sơn Nhất với TP Vũng Tàu còn có nhiều dịch vụ khác, như hỗ trợ các thủ tục lên máy bay cho hành khách trước khi đến ga hàng không là thủ tục check-in online ngay trên xe buýt; hỗ trợ hành khách cập nhật thông tin chuyến  bay, thay đổi giờ bay, nếu có; hỗ trợ hành khách đặt vé, đổi trả vé; sắp xếp hành lý cho hành khách tại băng chuyền và giúp ký gửi hành lý, hàng hóa khi hành khách có yêu cầu. Ngoài ra còn giúp mang hành lý của hành khách lên xe và dán tem, phiếu để tránh thất lạc hoặc giao nhận nhầm. Có dịch vụ đặt chỗ, mua vé online cho hành khách đi xe, kể cả hành khách còn ở nước ngoài… Phía đơn vị khai thác tuyến cũng tổ chức xe trung chuyển tại đầu tuyến ở TP Vũng Tàu hoàn toàn miễn phí. Tất cả dịch vụ hỗ trợ nói chung đều được xây dựng dựa trên khảo sát đặc thù đối tượng hành khách. Đó là hầu hết hành khách sử dụng máy bay thường có nhiều hành lý, đồng nghĩa việc di chuyển sẽ khó khăn hơn nếu đi xe buýt thông thường.

- Ông có thể nói gì về việc trùng lắp một số đoạn của tuyến xe buýt 72-1 với một số tuyến xe buýt khác đang hoạt động trên địa bàn TPHCM, chẳng hạn như trùng một đoạn dài hơn 5km với tuyến xe buýt mã số 109, lộ trình Công viên 23-9 - Sân bay Tân Sơn Nhất?

Mặc dù có trùng lộ trình với một số tuyến buýt hiện hữu, nhưng 72-1 là tuyến xe buýt đặc thù, đưa đón khách từ TP Vũng Tàu chạy suốt về sân bay Tân Sơn Nhất và ngược lại, nên nhìn chung không ảnh hưởng đến các tuyến xe buýt đang hoạt động lẫn tuyến xe khách cố định. Ngoài ra, đây là tuyến xe buýt không trợ giá, đồng nghĩa giá vé cao hơn nhiều so với tuyến 109 Công viên 23-9 - Sân bay Tân Sơn Nhất, hay tuyến buýt Bến xe Vũng Tàu - Tân Thành, Bến xe Vũng Tàu - Bến xe Phú Túc. Giá vé hiện áp dụng trên tuyến xe buýt mã số 72-1 với lộ trình Sân bay Tân Sơn Nhất - Bến xe Vũng Tàu là 80.000 đồng/vé đối với hành khách đi dưới một nửa cự ly hành trình và 160.000 đồng/vé cho hành khách đi lại từ một nửa cự ly tuyến trở lên.

- Có một thực tế là tình trạng xe chạy hợp đồng, nhưng trá hình dưới hình thức chạy tuyến cố định để đưa đón khách đến hoặc rời sân bay, gây ra nhiều bất cập. Theo ông, việc mở các tuyến xe buýt liên tỉnh vào sân bay Tân Sơn Nhất có tác động thế nào đến vấn đề này?

Hiện tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất có gần chục hãng xe hợp đồng đang hoạt động dưới hình thức cung ứng dịch vụ, như tuyến cố định từ sân bay đi các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và ngược lại. Trong số này có hãng xe thuê chỗ đậu và quầy khai thác kinh doanh, vận chuyển hành khách trong nhà giữ xe của sân bay và có hãng xe đậu trong bãi xe thu phí của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Tuy nhiên, các hãng xe này không thực hiện việc ký hợp đồng thuê bãi đậu với Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và cảng cũng không thu các loại phí khác, trừ phí đậu trong bãi giữ xe ở ga quốc tế như phương tiện đón khách bình thường khác. Hệ lụy của tình trạng xe hợp đồng hoạt động trá hình dưới dạng xe chạy theo tuyến cố định tại khu vực sân bay là nạn chèo kéo, mời chào hành khách; từ đó làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự bên trong khu vực sân bay. 

Việc đưa vào khai thác các tuyến xe buýt nối kết từ sân bay Tân Sơn Nhất tỏa đi các tỉnh liền kề không những phù hợp với hoạch định phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trong dài hạn, mà còn góp phần đáng kể chấn chỉnh tình trạng xe hợp đồng nhưng chạy trá hình dưới hình thức xe chạy tuyến cố định, cũng như giúp giải quyết cùng lúc nhiều vấn đề, từ đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân đến giúp giảm số lượng phương tiện giao thông cá nhân vào sân bay, giảm lượng khí thải từ phương tiện giao thông, tạo môi trường vận tải công cộng văn minh tại sân bay…

- Xin cảm ơn ông!

Tin cùng chuyên mục