Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị giai đoạn 2011 - 2015 dưới 4%

Sáng nay 25-12 tại Hà Nội, Bộ LĐTB-XH đã tổ chức hội nghị tổng kết tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2015 và 5 năm 2011 – 2015, phương hướng, nhiệm vụ năm 2016 và giai đoạn 5 năm 2016 – 2020 trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội.
Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị giai đoạn 2011 - 2015 dưới 4%

(SGGPO).- Sáng nay 25-12 tại Hà Nội, Bộ LĐTB-XH đã tổ chức hội nghị tổng kết tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2015 và 5 năm 2011 – 2015, phương hướng, nhiệm vụ năm 2016 và giai đoạn 5 năm 2016 – 2020 trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội.

Theo Bộ LĐTB-XH, năm 2015 cả nước đã tạo việc làm cho 1.625.000 lao động, đạt 101,6% kế hoạch năm, tăng 1,6% so với thực hiện năm 2014, trong đó: Tạo việc làm trong nước cho khoảng 1.510.000 lao động, đạt 100% kế hoạch, tăng 1,1% so với thực hiện năm 2014; xuất khẩu lao động khoảng 115.000 người, đạt 127,8% kế hoạch, tăng 8,5% so với năm 2014.

Năm 2015 cả nước đã tạo việc làm cho 1.625.000 lao động. Ảnh: Cao Thăng

Tổng kết 5 năm 2011 - 2015 cả nước đã tạo việc làm cho khoảng 7.827.000 người, đạt 97,8% mục tiêu đề ra đầu nhiệm kỳ và bằng 97,3% so với thực hiện giai đoạn 5 năm trước (2006 - 2010). Trong đó, tạo việc làm trong nước đạt khoảng 7.349.000 người, đạt 97,3% kế hoạch, bằng 96,2% so với thực hiện giai đoạn 5 năm trước; xuất khẩu lao động trên 478.000 người, đạt 106,2% kế hoạch, tăng 16,7% so với 5 năm trước. Đồng thời tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi khu vực thành thị dưới 4%, đạt mục tiêu kế hoạch 5 năm đã đề ra.

Để giải quyết những bất cập về tiền lương và quan hệ lao động, đến nay đã thực hiện thống nhất mức lương tối thiểu vùng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (bắt đầu từ tháng 10-2011, sớm hơn lộ trình 1 năm theo cam kết khi gia nhập WTO); mức lương tối thiểu vùng năm 2015 tăng bình quân trên 2,3 lần so với năm 2011. Thu nhập bình quân/tháng từ việc làm chính của lao động làm công hưởng lương quý 3-2015 là 4,61 triệu đồng, tăng khoảng 1,9 triệu so với so năm 2010.

Đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tính đến tháng 10-2015 đạt trên 12,07 triệu người, chiếm trên 23% lực lượng lao động (trong đó, tham gia BHXH bắt buộc trên 11,85 triệu người, tăng trên 2,25 triệu người so với cuối năm 2010; tham gia BHXH tự nguyện trên 223.000 người, tăng trên 148 nghìn người so với cuối năm 2010).

Trên 9,9 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, tăng 3,6 triệu người so với cuối năm 2010. Tính từ tháng 1-2011 đến cuối năm 2015 có trên 2,07 triệu lượt người được hưởng trợ cấp thất nghiệp; trên 1,7 triệu lượt người tư vấn, giới thiệu việc làm; trên 122.000 lượt người được hỗ trợ học nghề...

Quan hệ lao động được cải thiện, tranh chấp lao động, đình công có xu hướng giảm dần qua các năm; mặc dù trong năm 2015 đã xảy ra 245 cuộc đình công trên phạm vi cả nước nhưng giảm 24 cuộc so với năm 2014.

Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Phạm Thị Hải Chuyền cũng cho biết, năm 2015 cả nước tuyển mới dạy nghề cho khoảng 2.150 nghìn người, đạt 100% kế hoạch, tăng 6,3% so với thực hiện năm 2014. Tổng  5 năm (2011 - 2015) tuyển mới dạy nghề cho gần 9.171.000 người, đạt 93,1% kế hoạch, tăng trên 20% so với giai đoạn 2006 - 2010. Tỷ lệ lao động qua đào tạo cuối năm 2015 đạt 51,6%, tăng 11,6% so với cuối năm 2010.

PHÚC HẬU

Tin cùng chuyên mục