Ứng dụng công nghệ giảm thất thoát nước

Công ty CP Cấp nước Gia Định (gọi là Cấp nước Gia Định) cung cấp nước sạch cho khu vực 4 quận, với 39 phường. Tổng chiều dài mạng lưới cấp nước 654km. Bên cạnh kết quả tiếp tục giữ vững tỷ lệ hộ dân được cấp nước sạch đạt 100% trên địa bàn quản lý, đơn vị còn quan tâm đến giảm tỷ lệ thất thoát nước. Tính đến tháng 12-2022, tỷ lệ thất thoát nước của Cấp nước Gia Định đạt 12,8%.
Từ Trung tâm NOC, nhân viên cấp nước Gia Định có thể theo dõi tình hình cấp nước trên địa bàn quản lý
Từ Trung tâm NOC, nhân viên cấp nước Gia Định có thể theo dõi tình hình cấp nước trên địa bàn quản lý

Kịp thời giám sát thất thoát nước

Năm 2022, chỉ tiêu thất thoát nước Cấp nước Gia Định đặt ra là 14,7%. Dự kiến đến cuối năm 2022, tỷ lệ thất thoát nước của Cấp nước Gia Định đạt 12,8%. Ông Nguyễn Tuấn Ngọc, Phó Giám đốc Cấp nước Gia Định, cho biết, để đạt được con số trên, đơn vị đã đưa ra nhiều giải pháp đồng bộ và quyết liệt, trong đó ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ trong công tác quản lý.

Nếu năm 2012, tỷ lệ thất thoát nước của đơn vị là 53% thì đến năm 2022 chỉ còn 12,8%. Để có được kết quả ấy, đơn vị đã triển khai nhiều giải pháp như tiếp tục nhân rộng mô hình phân vùng tách mạng hệ thống cấp nước (gọi tắt là DMA) trên địa bàn. Đến nay, công ty đã thiết lập được 85 DMA, điều này không chỉ giúp dễ quản lý mạng cấp nước mà giúp nhân viên kịp thời phát hiện nhanh, khoanh vùng, xử lý tốt các vùng có nước rò rỉ. Chính việc rút ngắn thời gian dò, sửa bể đã góp phần không nhỏ vào công tác giảm thất thoát nước.

Đặc biệt, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào hoạt động giảm thất thoát nước luôn được công ty ưu tiên hàng đầu, như nhân rộng mô hình “DMA thông minh”, lắp đặt các van điều chỉnh áp lực trực tuyến tại các DMA nhằm quản lý chủ động áp lực đầu nguồn. Cấp nước Gia Định cũng xây dựng và triển khai các ứng dụng phần mềm hỗ trợ công tác nghiệp vụ và chuyên môn như ứng dụng “Hệ thống bảo trì mạng lưới cấp nước NMS” trên nền tảng GIS; các ứng dụng GIS trong công tác vận hành Trung tâm quản lý và điều hành mạng lưới cấp nước (NOC). Theo ông Nguyễn Tuấn Ngọc, đơn vị đã quản lý tốt công tác xây dựng và cập nhật cơ sở dữ liệu GIS, đảm bảo đúng tiến độ phối hợp xây dựng hệ thống SAWAGIS của Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn đưa ra.

Trong đó, việc phát triển trung tâm NOC đạt được các chức năng và hiệu quả như: giám sát thông tin áp lực, lưu lượng, chất lượng nước, đồng hồ khách hàng, tỷ lệ thất thoát nước không doanh thu liên tục và trực tuyến theo từng đồng hồ tổng (DMA); giám sát, cập nhật, báo cáo thông tin sự cố trên mạng cấp nước trực tuyến, tương tác hiệu quả giữa cán bộ hiện trường và cán bộ tại văn phòng. Cùng với đó là việc thống kê, báo cáo số liệu áp lực, lưu lượng, tỷ lệ thất thoát nước không doanh thu, các sự cố trên mạng lưới theo khoảng thời gian tùy chọn; mô phỏng mô hình thủy lực mạng lưới cấp nước.

Từ khi đưa vào vận hành Trung tâm NOC, việc theo dõi và giám sát trực tuyến các hoạt động trên mạng lưới cấp nước vô cùng thuận lợi. Thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu của Trung tâm NOC, đơn vị có thể quản lý và giám sát mạng lưới cấp nước một cách chủ động, vận hành các thiết bị trực tuyến nhằm đảm bảo việc cấp nước an toàn, liên tục, kiểm soát được tỷ lệ thất thoát nước thường xuyên, kịp thời cảnh báo các khu vực có nguy cơ thất thoát nước tăng (nếu có), hướng tới xây dựng hệ thống cấp nước thông minh trong tương lai.

Số hóa các quy trình

Để tạo thuận lợi cho khách hàng trong việc tương tác, kết nối với đơn vị, Cấp nước Gia Định đã có nhiều chương trình đột phá trong cải cách hành chính để nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng, giúp người dân và ngành cấp nước gần với nhau hơn. Trong đó, đơn vị đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để rút ngắn thời gian, giảm thủ tục hành chính.

Đặc biệt, đơn vị đẩy mạnh chăm sóc khách hàng qua cổng thông tin Zalo Official Account (Zalo OA), nhằm nâng chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng. Theo đó, khách hàng sử dụng Zalo có thể truy cập vào “Cấp nước Gia Định OA” nhấn “quan tâm” và đăng ký thông tin để sử dụng các tiện ích như: tra cứu tiền nước 3 kỳ gần nhất, hóa đơn tiền nước chưa thanh toán, lịch sử sử dụng nước trong 6 kỳ, đăng ký định mức nước, đăng ký gắn mới đồng hồ, báo sự cố, liên hệ bộ phận chăm sóc khách hàng…

Trong công tác nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng và cải cách hành chính, Cấp nước Gia Định từng bước số hóa toàn bộ quy trình và cải thiện văn hóa doanh nghiệp trong giao tiếp với khách hàng.

Theo đại diện Cấp nước Gia Định, công tác chăm sóc, phục vụ khách hàng là yếu tố quan trọng cần thiết trong hoạt động, nên được công ty đặc biệt quan tâm. Trong năm 2022, Cấp nước Gia Định đã triển khai số hóa và lưu trữ hồ sơ điện tử đạt 90% số lượng hồ sơ giấy, triển khai thu thập mã định danh khách hàng qua mã QR và Zalo OA. Đơn vị đẩy mạnh triển khai các ứng dụng hỗ trợ và chăm sóc khách hàng như nâng cấp hệ thống Callcenter, phát triển kênh chăm sóc khách hàng trên Zalo, tra cứu thông tin hợp đồng dịch vụ cấp nước trên website... tạo thuận lợi trong việc tương tác giữa khách hàng và công ty, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng tốt hơn.

Theo ông Nguyễn Tuấn Ngọc, trong năm 2023, đơn vị sẽ triển khai Nghị quyết chuyển đổi số nâng cao chất lượng dịch vụ cấp nước giai đoạn 2023-2026 của Đảng bộ công ty, hướng tới nâng cấp tổ chăm sóc khách hàng lên trung tâm chăm sóc khách hàng để nâng tính chuyên nghiệp hóa của nhân viên cũng như quản lý sự cố trên mạng lưới. Ngoài ra, công ty cũng hướng đến xây dựng Trung tâm NOC không chỉ là phát hiện sự cố mà còn cảnh báo các sự cố để có phương án dự phòng phù hợp.

Ông Nguyễn Tuấn Ngọc cho biết, đơn vị sẽ tập trung tất cả nguồn lực để tiến tới quản lý, cung cấp các dịch vụ về nước một cách chủ động, nhanh chóng và hiệu quả nhất.

Cấp nước Gia Định triển khai kế hoạch đảm bảo cấp nước an toàn, ổn định, liên tục. Theo đó, đơn vị thường xuyên phối hợp với Phòng Quản lý chất lượng nước Tổng công ty và Trung tâm Y tế dự phòng lấy mẫu kiểm nghiệm chất lượng nước định kỳ, không để xảy ra các trường hợp nước đục, nhiễm bẩn trên địa bàn. Công ty cũng thực hiện tốt công tác quản lý, điều hòa áp lực và lắp đặt van điều áp cho các khu vực có áp lực cao; thực hiện chế độ vận hành điều khiển giảm áp thông minh vào giờ dùng nước thấp điểm, duy trì áp lực cao vào giờ dùng nước cao điểm. Đồng thời, chuẩn hóa và cập nhật lại mô hình thủy lực, sử dụng mô hình để lựa chọn phương án phục vụ cho công tác cải tạo thay thế các tuyến ống, đề xuất kịch bản điều tiết khi có sự cố xảy ra trên mạng lưới.

Tin cùng chuyên mục