Ước mơ xây nhà nổi cho dân vùng lũ

Ước mơ xây nhà nổi cho dân vùng lũ

1. Sau những lần đi cứu trợ bà con nghèo vùng lũ lụt ở miền Tây, miền Trung trở về, Giám đốc Công ty Tấm cách nhiệt Panel Huỳnh Đức Mãnh (Sáu Mãnh), không khỏi chạnh lòng khi nhìn cảnh những ngôi nhà mục nát, xiêu vẹo của nhiều người dân vùng lũ vì bị ngập chìm trong nước hơn cả tháng trời. Họ phải chống đầu này, chỏi đầu kia để ở tạm, dù căn nhà có thể bị sập bất cứ lúc nào. Nhưng tiền đâu để cất lại ngôi nhà. Ghé thăm những hộ đang dựng lại ngôi nhà đã bị sập, Sáu Mãnh không khỏi bùi ngùi đến thắt lòng, khi nhìn ngôi nhà của họ chỉ làm bằng vật liệu cây tạp, mái lợp bằng lá dừa nước, sống tạm bợ qua ngày... Hơn nữa ở vùng nước nổi miền Tây, cứ một hai năm là nước lũ ngập tới nóc nhà, xây nhà tường cũng bị mục nát, đừng nói chi tới làm nhà bằng gỗ tạp. Những chiếc cầu tre lắt lẻo bị cuốn trôi, ngay cả những chiếc cầu bê tông cũng bị sạt lở, bà con lâm vào cảnh không có chiếc cầu qua lại, đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Bởi vậy cái nghèo hình như cứ ở mãi với người nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long sớm nắng chiều mưa.

Nhà nổi đang được thử nghiệm ở đồng bằng sông Cửu Long.

Rồi những chuyện thương tâm chìm xuồng chết người khi đang thả lưới giăng câu kiếm sống giữa muôn trùng sóng nước. Nào là các cụ già, trẻ em bị nước cuốn trôi. Đến những vụ các cháu học sinh đi học về té sông chết khi qua chiếc cầu tre lắt lẻo…

Bấy nhiêu đó cũng quá nhiều khiến Sáu Mãnh ngày đêm băn khoăn suy nghĩ, tự đặt cho mình phải có trách nhiệm với xã hội, đặc biệt với người dân quanh năm phải chung sống với lũ, với những nơi các cháu đi học còn đò giang cách trở, nơi đó cần lắm một cây cầu kiên cố.

Làm sao để tạo điều kiện giúp đỡ bà con vùng sâu, vùng xa các tỉnh miền Tây, miền Trung nhanh chóng ổn định cuộc sống, cũng là góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới. Không gì khác hơn, những chiếc cầu tạm phải được thay bằng những chiếc cầu kiên cố, những mái nhà tranh tre nứa lá, trống trước dột sau phải nhường chỗ cho những ngôi nhà tường đẹp đẽ, bề thế mọc lên, đường làng lầy lội được lót đan, xe máy chạy thông thoáng qua những chiếc cầu xây mới. Đặc biệt, những căn nhà vùng lũ, phải nghiên cứu những nguyên vật liệu phù hợp… Những hình ảnh đẹp đó cứ hàng đêm theo Sáu Mãnh chìm vào giấc ngủ.

2. Việc làm đầu tiên của Sáu Mãnh đối với người dân vùng sâu, vùng xa đồng bằng sông Cửu Long là xây cầu nông thôn. Anh cho rằng đây là việc làm hết sức thiết thực trong đời sống của bà con. Không chỉ giúp người dân đi lại thuận lợi, nhanh chóng, các cháu học sinh đến trường được an toàn, mà bên cạnh đó giúp địa phương có điều kiện phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội… Việc thực hiện xây cầu của Sáu Mãnh rất đơn giản và nhanh chóng. Địa phương có khả năng đóng góp bao nhiêu cũng được, phần còn lại Sáu Mãnh bao thầu. Mặt cầu rộng 2,2m để xe du lịch có thể qua được. Kinh phí xây mỗi cây cầu khoảng 50.000.000 - 100.000.000 đồng, tùy theo cầu dài hay ngắn. Nghe danh Sáu Mãnh làm cầu nông thôn từ thiện vừa đẹp, vừa bền, ông Nguyễn Văn Nghiệm, Chủ tịch UBND huyện Măng Thít tỉnh Vĩnh Long đã đến nhờ Sáu Mãnh làm giúp một cây cầu, người dân nơi đây mong mỏi gần 40 năm rồi mà không có, vì địa phương nghèo quá. Phần địa phương lo xây móng cầu, còn lại Sáu Mãnh lo hết. Ngày Sáu Mãnh chở vật tư về Măng Thít làm cầu, bà con ai cũng phấn khởi, nhưng mọi người lại băn khoăn, vì tấm lót mặt cầu dài 6m, ngang 1,1m, dày 40cm, vậy mà chỉ có hai người khiêng nhẹ hều. Bà con ai nấy lo lắng xầm xì, chắc do làm cầu từ thiện, nên ông Sáu Mãnh cho mấy thứ “dỏm” làm cho có, không khéo chạy xe qua coi chừng sập cầu. Lo thì lo vậy, nhưng không ai dám nói ra, hồi hộp chờ ngày khánh thành cầu xem chất lượng ra sao. Sau khi phần móng cầu hoàn thành, tới phiên Sáu Mãnh làm mặt cầu chỉ một tuần lễ là xong. Trên mặt cầu chỉ tráng một lớp bê tông.

Ngày khánh thành cây cầu nông thôn có đông đủ đại diện Sở GTVT tỉnh Vĩnh Long, lãnh đạo huyện Măng Thít cùng đông đảo nhân dân địa phương. Hình ảnh của những người dân chưa tin tưởng cây cầu chất lượng ra sao, họ đi nhè nhẹ từng bước, lo lắng cầu sập, thấy không có gì xảy ra, họ thử giậm chân, cũng không hề hấn gì, không hẹn mà một lượt cả mấy chục người cùng nhảy dựng trên cầu trong tiếng reo vui vỡ òa. Rồi từng tốp xe máy, đến xe du lịch ào ạt chạy qua cầu, chiếc cầu đã thật sự nối liền bờ vui.

Trong quá trình thi công xây cầu, Sáu Mãnh biết chắc rằng bà con sẽ hoài nghi về chất lượng của nguyên vật liệu dùng làm cầu, vì quá nhẹ, khi thả xuống nước lại nổi phều như cái phao khổng lồ, cả 30 người đu bám vào cũng không chìm. Từ nào giờ đâu có vật liệu làm cầu lạ kỳ như vậy. Đây là cây cầu Sáu Mãnh cũng không biết là cây cầu thứ mấy, lần nào cũng bị bà con băn khoăn về chất lượng. Nhưng thực chất, đây là sự thành công mà Sáu Mãnh đã bỏ công sức ra tìm tòi, sáng tạo và thực hiện. Qua thực tế, Sáu Mãnh thấy rằng làm cầu bằng chất liệu bê tông, khi bị nước cuốn sập đổ, thì chắc chắn cầu sẽ bị hỏng gần như 100%, làm lại chiếc cầu mới thì tốn hao nhiều lắm. Còn làm cầu bằng chất liệu công nghệ mới Panel do Sáu Mãnh sáng chế, có giá thành hạ, lại phù hợp với thời tiết mọi miền đất nước. Nguyên vật liệu mới này có tính ưu việt là không bao giờ bị mục hay gỉ sét, do vậy xài rất lâu bền, hơn nữa nếu cầu bị cuốn trôi, thì mặt cầu không bị chìm, mà sẽ nổi trên mặt nước, giữ lại để tiếp tục sử dụng vẫn không hề gì. Như vậy, trong việc nghiên cứu làm cầu, bước đầu phải ghi nhận Sáu Mãnh đã thành công. Song song với việc làm cầu, Sáu Mãnh còn làm nhà tường cho người nghèo, trị giá mỗi căn nhà khoảng 30 triệu đồng. Có lần tại phường An Hòa thành phố Rạch Giá, có 6 căn nhà bị cháy rụi, ông Lê Văn Hồng, Chủ tịch Liên hiệp Hữu nghị tỉnh Kiên Giang nhờ Sáu Mãnh xây nhà hỗ trợ. Khi Sáu Mãnh chở vật tư xuống để xây dựng, thì có 5 hộ từ chối, không chấp nhận cho Sáu Mãnh xây nhà, vì họ thấy gạch xây nhà sao nhẹ tênh, quăng xuống nước không chìm. Chỉ có một hộ chịu xây nhà, vì họ tin tưởng nơi tấm lòng của nhà từ thiện, đã giúp cho người nghèo, chẳng lẽ xây nhà không ra gì. Khi nhà xây xong, tại buổi lễ khánh thành, ai cũng đến trầm trồ căn nhà quá đẹp, xây tường bề thế. Đặc biệt khi trời nóng, vào nhà lại thấy mát, còn đêm lạnh, thì ấm áp lạ kỳ. Bà con rất tâm đắc với đặc tính của loại nguyên liệu độc đáo này và giá thành ai cũng chấp nhận được, chỉ 30 triệu đồng cho một nhà.

3. Qua hàng trăm ngôi nhà và cây cầu được xây dựng bằng chất liệu mới do Sáu Mãnh nghiên cứu, trải qua từ ngày xây dựng đến nay có những căn nhà, cây cầu đã gần 20 năm mà vẫn trơ trơ cùng năm tháng, khẳng định bước đầu đã thành công, nhất là chi phí xây dựng một ngôi nhà như vậy rất vừa với túi tiền của dân nghèo. Nhưng mục đích cuối cùng của Sáu Mãnh không dừng lại đây, mà anh còn muốn xây nhà nổi vượt lũ cho người nghèo. Điều Sáu Mãnh tâm đắc nhất là nguyên vật liệu để làm ra sản phẩm độc đáo này lại rất dễ tìm, nhất là ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, đó là rơm rạ và bã mía. Sáu Mãnh cho biết anh sẽ chọn một tỉnh ở miền Tây để thành lập nhà máy chế biến sản phẩm tấm cách nhiệt Panel, giảm chi phí vận chuyển từ TPHCM về các tỉnh. Có điều, nếu xây dựng một ngôi nhà có trọng lượng 5 tấn, để khi nước lên tới đâu, nhà lên tới đó, chi phí ban đầu cũng tròm trèm 50 triệu đồng. Nhà có trọng lượng nặng hơn, phải làm nền to hơn nữa, dĩ nhiên giá thành sẽ tăng cao, chưa phù hợp với người nghèo. Nhiều bà con thích thú với dự án nhà nổi vùng lũ này, đã gặp Sáu Mãnh tìm hiểu và được anh giải thích: Nền nhà hoàn toàn làm bằng Panel, có độ dày tùy theo trọng lượng toàn căn nhà. Phần nền nhà có thể làm kiểu nhà sàn, nhưng chỉ cao chừng vài tấc thôi. Bốn góc nhà có bốn cây trụ kiên cố, tương đương như trụ điện cao khoảng 6m, có khoen tròn kẹp cứng ở bốn góc nhà mới đủ sức giữ căn nhà vững vàng, không chao đảo. Khi nước dâng cao, nhà cũng nổi lên theo bốn cây trụ có khoen giữ chặt. Nếu lũ dâng cao 4m, thì cột vẫn còn dư 2m để giữ cho nhà không trôi, không chao nghiêng khi nước cuốn và gió lớn.

Hiện Sáu Mãnh đang sản xuất thử nhà nổi loại nhỏ, di chuyển trong hồ nuôi cá, tôm có diện tích vài hécta. Trong nhà có đầy đủ tiện nghi, tải trọng khoảng 4 tấn.

Sáu Mãnh bộc bạch: “Với người nghèo, nhất là người nghèo vùng lũ, tôi rất cảm thông hoàn cảnh của họ khó khăn trăm bề. Tôi sẵn lòng giúp người nghèo, nhưng sức có hạn, chỉ giúp một số người thôi, như thời gian qua tôi đã làm. Muốn mô hình nhà nổi cho người nghèo vùng lũ được nhân rộng, cần lắm những nhà hảo tâm, nhất là chính quyền địa phương cùng chung tay góp sức, mới triển khai sâu rộng và căn cơ, đi vào cuộc sống người nghèo hiệu quả nhất”.

NGUYỄN TƯỜNG LỘC

Tin cùng chuyên mục