Ước mong hòa nhập cộng đồng

Ước mong hòa nhập cộng đồng

Ngày 1-9, 4 xe ô tô của Trại giam An Phước (huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương; thuộc Cục Quản lý trại giam và các cơ sở giáo dục, giáo dưỡng - V26, Bộ Công an) đưa những phạm nhân - không có người thân đến đón - được đặc xá trong đợt 2-9 trở về các địa phương: TPHCM, Bình Dương và Bình Phước. Cuộc đời của họ cũng bắt đầu trở lại với bao khát khao, dự định phía trước…

Cao ráo, trắng trẻo với khuôn mặt được trang điểm kỹ và nụ cười luôn thường trực trên môi, ít ai nghĩ rằng Nguyễn Thị Thanh Nhàn (SN 1975, ngụ TPHCM; án 15 năm tù về tội mua bán trái phép chất ma túy) lại vừa trở về sau 10 năm 3 tháng 7 ngày ở trại giam. Mặc dù khi cán bộ trại giam phổ biến các tiêu chuẩn để được xét đặc xá, chính chị đã giơ tay xung phong, tự đề cử mình nhưng đến hôm nay, khi cầm quyết định đặc xá của Chủ tịch nước, tay chị lại run rẩy, lúng túng với giấc mơ có thật này.

“Tôi không dám ngờ là mình lại được giảm án nhiều đến thế” - chị bộc bạch. Ban đầu, chị cũng như nhiều người nghĩ vào tù là cuộc đời mình sẽ bỏ đi. Nhưng khi được các cán bộ giáo dục và mọi người động viên nhau, Nhàn đã chấp hành tốt nội quy, hăng say lao động, học tập và nay sớm được đoàn tụ gia đình. “Khi trở về, tôi sẽ phổ biến pháp luật cho người thân và bà con khu phố, tuyên truyền về tinh thần thượng tôn pháp luật tôi đã học được từ trong trại giam, từ chính sai lầm của bản thân mình. Quan trọng là những ngày phía trước!”, Nhàn thổ lộ.

Đại tá Hồ Thanh Đình trao quyết định đặc xá cho các phạm nhân

Đại tá Hồ Thanh Đình trao quyết định đặc xá cho các phạm nhân

Giọng lạc đi, Phan Thị Ngọc Trinh (SN 1990, ngụ TPHCM; án 2 năm về tội cướp giật tài sản) xúc động: “Cả gia đình tôi ai cũng học hành tới nơi tới chốn. Riêng tôi, học không tốt nên hết lớp 10 đã nghỉ, lêu lổng, phạm tội rồi bị bắt. Suốt 18 tháng tập trung cải tạo và nay được hưởng đặc xá, tôi đã nhận ra rằng tự do là thiêng liêng, ý nghĩa nhất và kiếm tiền thì không thể kiếm bằng cách giựt bóp của người khác!”.

Trinh cả quyết rằng: “Những ngày tới, tôi sẽ cố gắng sống tốt với nghề uốn tóc”. “Chỉ có điều - Trinh ngừng lại, mắt cụp xuống và đôi môi run rẩy, lắp bắp - Mong cộng đồng hãy tha thứ, rộng lượng, cái gì đã qua thì cho qua để những người như tôi thực sự hòa nhập cộng đồng”.

Chung niềm ưu tư của Trinh là người phụ nữ đã bước sang nửa dốc bên kia cuộc đời, bà Phan Thị Diệu Hương (SN 1955, ngụ Lâm Đồng; án 7 năm về tội mua bán trái phép chất ma túy). Bà Hương tâm sự: “Tuổi cao, có bệnh tim, gia đình lại không ai thăm nom, tôi tưởng mình sẽ sống cô độc cùng cực, buồn tủi trong trại giam. Nhưng chính nơi đây, cán bộ Tùng và các cán bộ khác đã ân cần hỏi thăm, động viên tôi. Biết tôi không có người thăm nuôi, cán bộ Tùng đã bỏ tiền túi mua cho tôi khi thì gói bột giặt, lúc thì bịch xà bông. Lúc đau ốm, các cán bộ lại tất bật lo thuốc men, chữa chạy cho tôi. Tại cái nơi tưởng như khô cằn, tập trung những người được coi là “rác rưởi” của xã hội này thì một điều quý giá nhất giúp mọi người nương tựa vào nhau mà phấn đấu, cải tạo và khiến mọi người cảm phục, rung động đó là tình người”...

Chia sẻ với niềm vui và tâm tư của những người được đặc xá, đại tá Hồ Thanh Đình, Phó cục trưởng Cục V26 nhắn nhủ: “Đặc xá mới chỉ là mở đầu của cuộc đời hướng thiện. Trước mắt còn bao khó khăn cùng với nhiều cám dỗ. Tuy nhiên, với những gì anh chị đã cố gắng phấn đấu ở trong trại, tôi tin rằng, mọi người sẽ vượt qua, tự tin đối mặt với những khó khăn sớm hòa nhập để tạo cho mình cuộc sống ổn định và không vi phạm pháp luật!”.

Đường Loan

Tin cùng chuyên mục