Trong khi các chương trình truyền hình thực tế dành cho thiếu nhi ngày càng nở rộ, bên cạnh những mặt tích cực vẫn còn những mặt trái khiến nhiều người lo ngại các em không được sống đúng với lứa tuổi của mình. Nhưng xét cho cùng, tác động từ xã hội chỉ đóng vai trò thứ hai vì chính những ông bố, bà mẹ mới là người đầu tiên quyết định chọn cuộc sống cho con em mình.
Đừng biến trẻ em thành “mồi câu”
Khi các chương trình truyền hình thực tế dành cho người lớn dần đi vào lối mòn, các đơn vị tổ chức ngay lập tức nhắm đến đối tượng trẻ em vì nắm bắt được sự chú ý của khán giả và tiềm năng về kinh tế sẽ thu được không nhỏ từ đối tượng này. Đó là thời điểm mà các chương trình Đồ Rê Mí, Giọng hát Việt nhí, Gương mặt thân quen nhí, Bước nhảy hoàn vũ nhí, Vũ điệu tuổi xanh... lên ngôi và ngay lập tức chiếm được thiện cảm của người xem. Thậm chí, với một số phiên bản đa dạng về lứa tuổi tham gia như Vietnam’s Got Talent, các tài năng nhí vẫn luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt.
Thời gian gần đây, thêm một phiên bản truyền hình thực tế mới dành cho trẻ em chào sân là Người hùng tí hon (Little Giants) - thí sinh tham gia là những em trong độ tuổi từ 4 đến 13 tuổi, ở các lĩnh vực: ca hát, khiêu vũ và biểu diễn tài năng. Với định dạng mới lạ, cùng sự hồn nhiên, dễ thương khi các em thể hiện tài năng, đã khiến chương trình đang bắt đầu nhận được quan tâm, chú ý của khán giả.
Các thí sinh nhí tham gia chương trình Người hùng tí hon
Từ những cuộc thi này, nhiều tài năng nhí trở thành hiện tượng và được giới bầu show săn đón, mời chào đi diễn, như: Phương Mỹ Chi, Quang Anh, Chí Công, Bảo An, Thiện Nhân, Đức Vĩnh, Ju Uyên Nhi... Không thể phủ nhận, các cuộc thi này góp phần quan trọng vào việc phát hiện và bồi dưỡng những tài năng nhí, hứa hẹn là lớp kế cận cho làng giải trí Việt vốn luôn khao khát những gương mặt mới.
Nói về việc nên chăng cho con em mình tham gia vào các chương trình truyền hình thực tế, ca sĩ Thái Thùy Linh, Giám đốc Trung tâm Đào tạo nghệ thuật TACA EMCA, cho biết: “Dù còn nhiều bất cập, nhưng tôi luôn ủng hộ các cuộc thi. Việc tham gia tập luyện, thi thố trong những chương trình này có khi bằng cả quá trình vài năm cộng lại bởi các em có những tiến bộ vượt bậc cả về bản lĩnh sống, tinh thần và ý chí”.
Diễn viên Mạnh Trường, người cùng con gái hiện đang tham gia chương trình Bố ơi! mình đi đâu thế? cũng không giấu được niềm hạnh phúc bởi: “Tôi thực sự cảm nhận được những thay đổi lớn lao trong con gái mình. Từ một cô bé nhút nhát, sợ sệt, đôi khi nhõng nhẽo, bé đã trưởng thành hơn rất nhiều, đặc biệt khi được đặt vào những tình huống cần sự dũng cảm. Nếu ở nhà, có lẽ bé sẽ không bao giờ có cơ hội để thể hiện”.
Tuy nhiên, trong cơn bão chương trình truyền hình thực tế, tính chất hai mặt của nó cũng được bộc lộ một cách khá rõ nét với nhiều hệ lụy ảnh hưởng tiêu cực đến các em. Câu chuyện về các tài năng nhí phải luyện tập quá sức; thể hiện những ca khúc, tiết mục vượt quá lứa tuổi của mình; việc giả gái, giả trai... từng bị dư luận lên án gay gắt. Bên cạnh đó, có một thực tế là sau cuộc thi, nhiều tài năng nhí mải mê chạy show kiếm tiền đã ít nhiều ảnh hưởng đến kết quả học tập.
Trường hợp của “cô bé hát dân ca” Phương Mỹ Chi cách đây 2 năm là ví dụ điển hình. Nhiều người hẳn sẽ trầm trồ khi thấy Phương Mỹ Chi có thể kiếm tiền bạc tỷ, mua nhà cho gia đình nhưng cô bé cũng phải “trả giá” bằng việc đánh đổi tuổi thơ cho các show lưu diễn trong - ngoài nước, cùng với ít nhiều sự gián đoạn học hành.
Đó là một bài học lớn cho các ông bố bà mẹ muốn con dấn thân vào showbiz. Nói như ca sĩ Thái Thùy Linh: “Nhiều cha mẹ muốn con mình thành sao nhưng sao Băng hay sao Bắc Đẩu phụ thuộc vào chính tư duy của các phụ huynh, bởi đi theo con đường ăn xổi sẽ khó duy trì được thành công lâu bền”. Nữ ca sĩ lấy ví dụ trường hợp “thần đồng” Xuân Mai một thời làm điển hình mà cô có dịp mắt thấy, tai nghe và thực sự đau lòng khi thấy cô bé trở thành “cỗ máy kiếm tiền” cho gia đình từ khi còn rất nhỏ.
Phương Mỹ Chi, cô bé hát dân ca từng nổi đình nổi đám thời gian qua
Gia đình quyết định tất cả
Trong trường hợp của các tài năng nhí, ai cũng nhận thấy gia đình đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện, khuyến khích để năng khiếu của các em có dịp được phát huy. Vì các em là những đứa trẻ chưa có khả năng và quyền quyết định tương lai của mình, nên tất cả đều phụ thuộc vào chính cha mẹ. Từ các chương trình truyền hình thực tế cho thấy, không ít ông bố, bà mẹ đặt ra quá nhiều kỳ vọng trở thành áp lực cho con em mình, dẫn đến tình trạng một số em gặp phải những sang chấn tâm lý nhẹ. Bên cạnh đó, không ít phụ huynh lầm tưởng vào thành công quá sớm mà thiếu đi sự định hướng, vô hình trung đẩy các em vào showbiz khi bé chưa có những chuẩn bị cần thiết về mặt tinh thần. Ca sĩ Thái Thùy Linh chia sẻ, chị từng nhận được những lời đề nghị, ra giá của một số ông bố, bà mẹ với mong muốn con đạt được thành tích nào đó trong các cuộc thi!
Thực tế cho thấy, với các tài năng nhí, việc tham gia các bộ môn nghệ thuật trước hết bắt nguồn từ sở thích của chính các em, chứ chưa có ý niệm là sau này mình sẽ trở thành ca sĩ, diễn viên, vũ công... Ít ai biết rằng cô bé “vạn người mê” của màn ảnh Việt - Thanh Mỹ mơ ước sau này trở thành một cô giáo mầm non; trong khi bé Ben Hoàng Quân muốn trở thành bác sĩ chứ không phải thành diễn viên hay ca sĩ như hiện tại. Theo chị Minh - mẹ Hoàng Quân: “Việc con có tham gia showbiz hay không không quan trọng, bởi gia đình chưa bao giờ đặt mục tiêu nào. Bây giờ bé thích diễn, gia đình luôn sẵn sàng ủng hộ và đến một lúc nào đó, bé không muốn tham gia chúng tôi cũng không ép. Với tôi, việc học của con mới là điều tối quan trọng”. Đó là lý do, khi nào con học kém, sa sút, chị Minh không ngại cắt show đi hát hay đóng phim để không ảnh hưởng đến việc học của con. Gia đình bé Thanh Mỹ cũng kiên quyết: “Con không học giỏi sẽ không được đóng phim”!
Bé Hồng Minh trong khoảnh khắc đăng quang Giọng hát Việt nhí 2015
Nếu các bậc phụ huynh xác định chương trình truyền hình thực tế ngoài việc giúp các em bộc lộ năng khiếu, sự tự tin, còn là một sân chơi lành mạnh để các em được vui chơi thỏa thích thì mọi chuyện không có cơ hội bị đẩy đi quá xa. Vấn đề nằm ở chỗ, những ầm ĩ hậu trường, những ngã giá show sau các cuộc thi đã phản ánh tham vọng của người lớn thông qua con trẻ. Có thể, chính phụ huynh các bé biết rõ họ đang muốn gì khi đưa con em mình tham gia chương trình truyền hình thực tế và họ cũng thừa hiểu cái giá mà con em họ phải trả khi là người nổi tiếng. Nói như Thạc sĩ Nguyễn Thị Mỹ Hạnh: “Chúng ta hãy cho các em một tuổi thơ đẹp đúng lứa tuổi”.
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và chăm sóc tinh thần Ý Tưởng Việt, cho rằng việc có hay không cho con bước vào môi trường showbiz, điều đầu tiên và quan trọng nhất phụ thuộc vào chính các bậc phụ huynh, bởi: “Nếu ba mẹ cũng xem đây là sân chơi, tạo điều kiện cho con, hỗ trợ con, khuyến khích con tham gia trải nghiệm nhưng vẫn ưu tiên hàng đầu mục tiêu học tập của con thì sự đố kỵ, áp lực, kiệt sức, tổn thương sẽ ở mức nhỏ nhất. Đừng đưa con trẻ vào guồng quay danh lợi của người lớn”. |
VĂN TUẤN