(SGGPO).- Sáng 26-9, phiên họp thứ 2 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khai mạc tại Hà Nội. Sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, UBTVQH đã xem xét, cho ý kiến vào dự án Luật Cơ yếu và dự án Luật Quảng cáo. Chiều cùng ngày, dự án Luật Giá cũng đã được UBTVQH nghiên cứu, thảo luận.
Làm rõ trách nhiệm quảng cáo gian dối
Liên quan đến dự án Luật Quảng cáo, Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và Nhi đồng ghi nhận một điểm mới quan trọng là quy định về quyền và nghĩa vụ của người tiếp nhận quảng cáo và trách nhiệm pháp lý của cơ quan quản lý nhà nước về quảng cáo. Tuy nhiên, ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban nhấn mạnh: Quy định “người kinh doanh dịch vụ quảng cáo và phát hành quảng cáo đều cùng phải chịu trách nhiệm về ấn phẩm quảng cáo” là quá chung chung. Cần làm rõ trách nhiệm của các đối tượng này cũng như trình tự, thủ tục khiếu nại và giải quyết khiếu nại. Về trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, cần nêu rõ: “Cơ quan quản lý nhà nước trong hoạt động quảng cáo phải chịu trách nhiệm về các quyết định của mình và bồi thường thiệt hại cho tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quảng cáo khi đưa ra quyết định không đúng, gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật”.
Về những nội dung cấm trong hoạt động quảng cáo, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và Nhi đồng yêu cầu bổ sung quy định cấm doanh nghiệp lợi dụng danh nghĩa cán bộ, công chức, nhân viên chuyên môn hay hình ảnh, danh nghĩa của cơ quan, tổ chức để quảng cáo, nhằm tạo niềm tin cho người tiếp nhận quảng cáo.
Dự thảo Luật Giá: Chưa kỹ
Dự luật bao gồm các nội dung: Bình ổn giá thị trường, định giá, hiệp thương giá, kiểm tra yếu tố hình thành giá (Dự thảo Luật Giá đã bỏ các nội dung chống bán phá giá, kiểm soát giá độc quyền có trong Pháp lệnh Giá để tránh chồng chéo với Pháp lệnh Chống bán phá giá hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam và Luật Cạnh tranh).
Đáng lưu ý, bên cạnh việc kế thừa những biện pháp bình ổn giá đã được quy định trong Pháp lệnh giá, dự thảo luật lần này đã bổ sung nhiều biện pháp quan trọng để bình ổn giá thị trường, gồm các biện pháp về tài chính và tiền tệ; lập và sử dụng quỹ bình ổn giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục bình ổn giá, đăng ký giá. Đồng thời, dự luật đã bỏ biện pháp “trợ giá nông sản khi giá thị trường xuống quá thấp gây thiệt hại cho người sản xuất; trợ giá hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu khác” để thay thế bằng biện pháp “áp dụng các biện pháp hỗ trợ về giá phù hợp với pháp luật và các cam kết quốc tế”.
Báo cáo thẩm tra sơ bộ về dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển khẳng định sự cần thiết phải ban hành luật, song đưa ra nhận xét: “Dự án luật chưa làm nổi bật được những điểm đột phá, những sửa đổi căn bản; chưa làm rõ được bước tiến mới về chất thông qua việc nâng pháp lệnh lên thành luật”. Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, nhiều nội dung của dự thảo luật chưa thực sự phù hợp với quy luật thị trường, thể hiện sự can thiệp quá sâu của Nhà nước vào quan hệ cung - cầu. Trong khi đó, dự thảo luật lại chưa bao quát được một số nội dung quan trọng, đơn cử như về những trường hợp cụ thể mà Nhà nước cần thiết phải điều tiết, can thiệp vào giá thị trường; áp dụng biện pháp bình ổn giá. Ông Hiển đặt câu hỏi: “Ở mức độ nào được coi là có biến động bất thường về giá? Tính chất tác động của biện pháp bình ổn như thế nào?”.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chia sẻ với Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách quan điểm cho rằng Nhà nước chỉ nên can thiệp về giá khi có biến động lớn, ảnh hưởng đáng kể đến đời sống của nhân dân nhưng cũng phải dùng biện pháp kinh tế, hết sức hạn chế biện pháp hành chính.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thẳng thắn phê bình Ban soạn thảo dự luật và Ủy ban Tài chính - Ngân sách “ngồi với nhau chưa kỹ” nên vẫn còn khá nhiều vấn đề chưa thống nhất. Ông lưu ý Ban soạn thảo tham khảo kỹ ý kiến của tất cả các ủy ban có liên quan trước khi trình ra UBTVQH các vấn đề như thẩm quyền quyết định giá; danh mục hàng hóa, dịch vụ cần can thiệp về giá. “Đặc biệt, luật phải nêu cụ thể những biện pháp bình ổn giá được phép áp dụng, cấp nào có thẩm quyền đưa ra biện pháp đó”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Anh Thư