Vai trò trí tuệ trong việc giữ gìn và nâng cao phẩm giá dân tộc

Chính việc nâng cao hiểu biết cho từng cá nhân sẽ làm cho dân trí của một dân tộc đạt đến đỉnh cao mong muốn.
Vai trò trí tuệ trong việc giữ gìn và nâng cao phẩm giá dân tộc

Chính việc nâng cao hiểu biết cho từng cá nhân sẽ làm cho dân trí của một dân tộc đạt đến đỉnh cao mong muốn.

Từ trái qua: Giáo sư Tạ Quang Bửu, Học giả Nguyễn Hiến Lê, Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, Giáo sư Trần Văn Khê

Gần đây trên các mạng xã hội xuất hiện nhiều lần một đoạn trích tự truyện của Giáo sư Trần Văn Khê kể lại việc ông đã phản bác nhận định sai lầm của một người Pháp về văn học Việt Nam như thế nào. Câu chuyện như sau (theo Quang Minh trên trithuc.net, trích từ “tự truyện Trần Văn Khê”, chuyện 8, tr. 143-148):

Năm 1964, một hôm Giáo sư Trần Văn Khê được mời tham dự một buổi tọa đàm về thơ Tanka (đoản ca) Nhật Bản ở Paris. Đây là loại thơ có khổ ngắn với 31 tiếng (âm tiết coi như từ đơn trong ngôn ngữ đơn lập). Cử tọa chủ yếu gồm người Nhật, người Pháp, chỉ có Giáo sư Khê là người Việt duy nhất. Diễn giả, một người Pháp, nguyên là thủy sư đề đốc. Ông ta cho biết đã sống 20 năm ở Việt Nam mà không hề nghe nói đến một áng văn chương nào đáng kể, trong khi chỉ ở Nhật có vài năm mà lạc vào một rừng văn chương phong phú. Ông ngưỡng mộ thơ Tanka vì hình tượng núi sông nói thay cho người và khuôn khổ ngắn gọn, chỉ 31 âm tiết. Đến phần giao lưu, Giáo sư Khê xin được làm rõ vài điểm mà vị thủy sư đề đốc nêu ra không chính xác. Giáo sư Khê cho rằng, vị thủy sư đề đốc chỉ giao du với tầng lớp ít am hiểu văn chương nên mới ngộ nhận như vậy. Nếu ông ta làm quen với học giả Émile Gaspardone ở Trường Viễn Đông Bác Cổ thì sẽ biết được có hơn 1.500 áng văn hay Việt Nam được in trong tạp chí của trường này vào năm 1934. Hoặc nếu làm quen với học giả Maurice Durand thì sẽ được biết đến mấy ngàn câu ca dao tục ngữ do học giả này cất công sưu tầm.

Về khổ thơ có âm tiết giới hạn của thể Tanka, Giáo sư Khê cho biết, trong văn chương Việt có những văn bản rất ngắn mà diễn đạt đầy đủ một thể loại lớn, chẳng hạn khi Mạc Đĩnh Chi đời Trần đi sứ sang Trung Hoa thời Nguyên được mời đọc lời điếu cho một bà phi mới qua đời, văn bản lời điếu người ta đưa cho ông chỉ vẻn vẹn có bốn chữ “nhất” (-). Không hề lúng túng sứ thần Việt đọc liền một đoạn:

Thanh thiên nhất đóa vân
Hồng lô nhất điểm tuyết
Thượng uyển nhất chi hoa
Dao trì nhất phiến nguyệt
Y! Vân tán, tuyết tiêu, hoa tàn, nguyệt khuyết.

(Dịch nghĩa:
Một đám mây giữa trời xanh
Một bông tuyết trong lò lửa 
Một bông hoa giữa vườn thượng uyển
Một vầng trăng trên mặt nước ao...
Than ôi! Mây tản, tuyết tan, hoa tàn, trăng khuyết!)

Tất cả chỉ có 29 chữ, không đến 31 chữ như trong thơ Tanka.

Giáo sư Khê cho biết, cử tọa đã vỗ tay nhiệt liệt hưởng ứng lời của ông và vị thủy sư đề đốc bày tỏ hối tiếc đã phạm sai lầm, thành thật xin lỗi Giáo sư Khê cùng toàn thể dân tộc Việt Nam.

Cách đây không lâu, một trí thức Việt kiều đi du lịch thăm Bắc Kinh, ghé vào một bảo tàng lịch sử. Người thuyết minh của bảo tàng giải thích cho khách xem hôm đó rằng Việt Nam vốn là quận huyện của Trung Quốc, vào cuối thế kỷ 19 bị Pháp chiếm đoạt từ tay Trung Quốc. Nghe đến đó, vị trí thức gốc Việt vốn hiền lành ít nói cũng không nén được bất bình đã xin được hỏi vài câu. Ông nói, nếu Việt Nam là quận huyện của Trung Quốc thì sao trong sử Việt Nam và ngay cả trong sử Trung Quốc đều có ghi những cuộc xâm lăng của Trung Quốc dưới các triều Hán, Tống, Nguyên, Minh, Thanh vào lãnh thổ Việt Nam? Tại sao một quốc gia lại đi xâm lăng một huyện của mình và phải rút chạy?...

Bản thân tôi cũng một đôi lần phải cố gắng góp ý với bạn bè quốc tế về một số nhận thức thiếu chính xác của họ. Tôi nhớ có lần, một người Pháp dầu biết rõ tôi là người Việt vẫn chào tôi bằng “nị hảo”. Tôi cười bảo anh ta: “Tôi đâu phải người Hoa mà anh chào như vậy?”. Anh ta tỏ ra hết sức ngạc nhiên: “Thế người Việt không nói cùng một thứ tiếng với người Trung Hoa à?”. Cũng may tôi biết chút ít về ngôn ngữ học nên có thể giải thích cho anh ta hiểu rằng người Việt có ngôn ngữ của riêng mình, khác xa với Hán ngữ tuy có nhiều từ vay mượn từ Hán ngữ. Tiếng Việt thuộc ngữ hệ Nam Á, có cấu trúc cú pháp li tâm trong khi Hán ngữ có cấu trúc cú pháp hướng tâm. Thí dụ trong Hán ngữ ta nói “Trung Quốc xã hội chủ nghĩa kinh tế vấn đề” thì trong Việt ngữ ta nói hoàn toàn ngược lại là “Những vấn đề kinh tế của chủ nghĩa xã hội ở Trung Quốc”.

Có thể thấy rõ, nhà trường phổ thông là địa chỉ quan trọng nhất về kiến thức tự nhiên và xã hội cho mọi người. Tiếp đó là các cơ quan báo chí truyền thông và các nhà xuất bản. Các bộ sách phổ cập khoa học, các tự điển bách khoa, các tạp chí chuyên ngành có vai trò hết sức quan trọng. Ở Pháp, bộ “Que sais-je” (Tôi biết gì) gồm hàng trăm chuyên đề đủ mọi lĩnh vực được giới thiệu ngắn gọn, dễ hiểu nhằm phục vụ đông đảo bạn đọc từ các em học sinh đến các nhà nghiên cứu. Bản thân tôi từng dùng các tài liệu của bộ sách đó để giảng dạy chính khóa.

Nhưng qua trải nghiệm của bản thân, tôi thấy vai trò của các học giả là hết sức quan trọng. Bên cạnh các nhà nghiên cứu sâu vào một lĩnh vực nhất định  thì có những học giả có tính “bách khoa” chuyên tâm vào việc giới thiệu những kiến thức cơ bản, cập nhật và hữu ích cho quảng đại quần chúng. Tôi xin nói vắn tắt về 3 học giả bách khoa mà tôi có dịp gần gũi. Đó là các tên tuổi nổi tiếng một thời và ảnh hưởng còn lan tỏa đến các thế hệ ngày nay và mai sau: Tạ Quang Bửu, Nguyễn Khắc Viện và Nguyễn Hiến Lê.

Tạ Quang Bửu có tầm hiểu biết sâu rộng một cách đáng ngạc nhiên. Không hiểu bằng cách nào mà hồi ở chiến khu Việt Bắc những năm 47-54 của thế kỷ trước, ông đã tiếp cận được lý thuyết thông tin. Những bài giảng của ông cho bộ đội thông tin thời đó vẫn còn được dùng ở Đại học Bách khoa Hà Nội những năm mới thành lập. Khi giữ chức Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, dầu công việc bề bộn, ông vẫn dùng các buổi sáng chủ nhật hàng tuần để giới thiệu cho đội ngũ giảng dạy toán - vật lý của các trường đại học Hà Nội về những kiến thức khoa học mới và quan trọng nhất. Những công trình ông để lại cho đời là những kiến thức nền tảng cho nhiều ngành khoa học. Tạ Quang Bửu đọc sách khoa học và toán học dễ dàng như ta đọc tiểu thuyết, dầu đó là những sách thuộc đỉnh cao về chuyên môn. Các nhà khoa học nói gì ông cũng tiếp thu nhanh chóng. Điển hình là việc ông phải tự mình dịch bài nói chuyện của Noam Chomsky khi nhà ngôn ngữ toán Mỹ nổi tiếng này thăm Việt Nam giữa những năm 60 thế kỷ trước. Người ta kể rằng, khi Chomsky trở về nước, ông có cho bạn bè biết ông đã gặp ở Việt Nam một người có bộ óc thông minh khủng khiếp, ý nói đến Tạ Quang Bửu.

Một nhà bách khoa khác trong lĩnh vực khoa học xã hội là ông Nguyễn Khắc Viện, nguyên là bác sĩ y khoa, sống và hoạt động chính trị văn hóa trong phong trào cánh tả ở Pháp trong vòng 20 năm. Đầu những năm 60 ông trở về nước, phụ trách Nhà xuất bản ngoại văn, một cơ sở văn hóa đối ngoại của nhà nước. Bản thân ông dịch Truyện Kiều ra tiếng Pháp hiện đại nhân dịp kỷ niệm 200 năm ngày sinh đại thi hào Nguyễn Du. Bản dịch đó làm cơ sở cho các bản dịch ra tiếng nước ngoài khác. Ông và các cộng sự đã dịch ra tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Espéranto hầu hết các áng văn thơ Việt Nam, từ Hịch tướng sĩ của Trần Hưng Đạo, Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, đến Những năm tháng không thể nào quên của Đại tướng Võ Nguyên Giáp; từ văn thơ Lý - Trần đến những tác phẩm cận đại hiện đại của các nhà văn tiêu biểu. Tạp chí Nghiên cứu Việt Nam xuất bản bằng tiếng Pháp (Études vietnamiennes) và tiếng Anh (Viet nam studies) giới thiệu cho bạn bè quốc tế những chuyên luận về mọi lĩnh vực sinh hoạt của đất nước: lịch sử, địa lý, phong tục, ngôn ngữ, văn thơ, khoa học, giáo dục... Trên phương hướng ngược lại, ông viết trên các báo trong nước, giới thiệu những thành tựu khoa học thế giới, những trào lưu nhân văn, tư tưởng, kinh tế, giáo dục. Chẳng hạn, ông viết bài khuyến khích trồng khoai tây, coi như thực phẩm quan trọng với cách canh tác đơn giản, phù hợp hoàn cảnh nước ta những năm khó khăn gian khổ. Ông cũng là người truyền bá cách tập dưỡng sinh và những phương pháp giữ gìn sức khỏe khác. Các nhà báo phương Tây khi muốn tìm hiểu vấn đề gì thì tìm gặp ông Viện để có lời giải đáp khách quan, không mang màu sắc tuyên truyền ước lệ.

Ở phía Nam, một học giả bách khoa được mhiều người ngưỡng mộ là ông Nguyễn Hiến Lê. Cho đến năm 1975, ông đã có 100 công trình vừa sáng tác vừa dịch thuật và đó là những công trình có sức lôi cuốn đặc biệt. Sau năm 1975, ông tiếp tục cho ra đời nhiều sách giới thiệu các nhà minh triết Trung Hoa và lịch sử Trung Quốc, như: Khổng Tử, Trang Tử, Tuân Tử, Dương Tử, Lão Tử với các công trình Luận ngữ, Đạo đức kinh, Nam hoa kinh... Có thể sắp xếp những công trình của Nguyễn Hiến Lê thành 4 nhóm chủ yếu:

Về văn chương, ông tiếp cận nhiều thể loại từ bản dịch đồ sộ Chiến tranh và hòa bình của L. Tolstoi đến các chuyên luận ngắn như Mười câu chuyện văn chương, Luyện văn... và một số sách về ngữ pháp tiếng Việt.

Về minh triết Trung Hoa, như trên đã đề cập, ông nghiên cứu hầu hết các khuôn mặt chủ yếu với một sự thận trọng tuyệt đối. Để nghiên cứu một triết gia Trung Hoa hay Nhật Bản, ông phải tham khảo rất nhiều tác giả phương Tây. Ngược lại, để giới thiệu một danh nhân phương Tây, ông tham khảo nhiều tác giả Trung Hoa hay phương Đông.

Về lịch sử văn minh nhân loại, ông có những công trình hết sức cơ bản, vẫn được sử dụng cho các đại học ngày nay. Cuốn Lịch sử thế giới ông viết năm 1954 vẫn còn tính thời sự một cách đáng ngạc nhiên, nhất là phần viết về Hồi giáo.

Về các vấn đề con người, ông có những bản dịch được mọi người yêu thích như Quẳng gánh lo đi mà vui sống, Đắc nhân tâm... Đây là những chủ đề mới mẻ đối với độc giả Việt Nam thế kỷ trước, khi việc kinh doanh hay khởi nghiệp còn bị coi nhẹ. Ông cũng quan tâm giới thiệu những kinh nghiệm xây dựng xã hội tiên tiến qua các công trình như Bài học Israel.

Những hiểu biết khái quát về con người và thiên nhiên rất cần thiết cho những ai thường gặp gỡ trò chuyện với bạn bè quốc tế, chẳng hạn cán bộ đối ngoại hay quan chức làm việc với khách nước ngoài. Nếu bạn trò chuyện với một người Mỹ, những kiến thức về địa dư, lịch sử hay điện ảnh sẽ làm cho cuộc trò chuyện rôm rả thú vị. Nếu bạn trò chuyện với một nhà kinh doanh thì những kiến thức vận trù học, trong đó có giai thoại về cuộc đua ngựa của Điền Kỵ sẽ tạo ra không khí thư giãn thân thiện. Nếu bạn chuyện trò với một nhà quân sự thì những hiểu biết về Binh thư yếu lược, Binh pháp Tôn Tử hay tư tưởng chiến lược của Kutuzov sẽ làm câu chuyện thêm phong phú. Hay những hiểu biết về văn minh lúa nước sẽ giúp bạn lý giải nhiều hiện tượng phong tục mà người nước ngoài không hiểu thấu.

Những nhận xét trên dẫn ta đến kết luận như sau: trong suốt quá trình trưởng thành, bất kỳ ai cũng phải học tập một nghề chuyên môn để kiếm sống và để xây dựng cộng đồng. Bên cạnh đó, những người nhìn xa trông rộng phải bỏ nhiều thời gian để bồi dưỡng kiến thức chung. Nếu chúng ta học tập để thu nhận kiến thức chuyên môn ở nhà trường và các cơ sở nghiên cứu thì kiến thức chung phải tự ta tạo lập lấy, thông qua việc tự học, việc đọc sách báo và tiếp cận các kênh thông tin đa dạng trong đời sống thường ngày. Chính việc nâng cao hiểu biết cho từng cá nhân sẽ làm cho dân trí của một dân tộc đạt đến đỉnh cao mong muốn.

TRƯƠNG QUANG ĐỆ

Tin cùng chuyên mục