Văn hóa dân gian - “Mã định danh” hội nhập thế giới

Bản sắc của mỗi tộc người, hay mỗi dân tộc đều được hình thành từ ngôn ngữ, tiếng nói, chữ viết, phong tục tập quán, lễ hội, tín ngưỡng… Sự khác biệt này cũng là dấu hiệu để nhận biết và phân biệt dân tộc này với dân tộc khác. Chính vì thế, bản sắc của văn hóa dân tộc vẫn thường được gọi là “thẻ căn cước” về tộc người, khi bước ra thế giới thì đây cũng chính là mã định danh để nhìn vào đó người ta có thể dễ dàng nhận ra đó là dân tộc nào.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng hoa Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hải Liên
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng hoa Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hải Liên

1. Khi nói đến bản sắc văn hóa dân tộc, không thể quy tất cả về văn hóa dân gian, tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận vai trò hết sức to lớn của văn hóa dân gian đối với việc hình thành bản sắc văn hóa dân tộc. Trước hết, sự ra đời và định hình của văn hóa dân gian gắn với những giai đoạn sớm nhất của lịch sử dân tộc. Từ khi có công xã, các thị tộc đã có văn hóa dân gian. Văn hóa dân gian là “văn hóa gốc”, “văn hóa mẹ”, tức văn hóa khởi nguồn, sản sinh và nuôi dưỡng các hình thức phát triển cao sau này, như văn hóa chuyên nghiệp, bác học, cung đình. Văn hóa dân gian còn là văn hóa của quần chúng lao động, mang tính bản địa, tính nội sinh cao. Tất cả các nhân tố kể trên khiến cho văn hóa dân gian hàm chứa và thể hiện tính bản sắc cao của văn hóa dân tộc. Chúng thể hiện trên nhiều bình diện, như ứng xử của con người với môi trường tự nhiên theo hướng nặng về thích ứng và hòa hợp hơn là chế ngự và biến đổi. Cách ứng xử này còn thấy ở cách ăn, mặc, ở, đi lại, quan hệ cộng đồng...

Nhận định về văn hóa dân gian, nhiều nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng đây chính là “bộ gen của văn hóa dân tộc”, là “vườn ươm cho văn nghệ chuyên nghiệp, là sự giữ gìn cốt cách bền vững của dân tộc”. Do đó, việc sưu tầm và nghiên cứu văn hóa dân gian chính là cách “biến di sản quá khứ thành tài sản hôm nay”. Văn hóa và văn hóa dân gian được phát huy đúng mức sẽ là “nguồn năng lượng nuôi dưỡng sức mạnh kinh tế và chính trị mỗi quốc gia để vượt qua thử thách, khai thác thời cơ”.

2. Vai trò của văn hóa dân gian quan trọng như vậy song hiện việc bảo tồn, phát huy bản sắc dân tộc đang gặp nhiều khó khăn. Trước hết, do Việt Nam là nước đa dân tộc, mà mỗi dân tộc lại có nhiều ngành khác nhau dẫn tới phạm vi, đối tượng và vùng nghiên cứu cũng nhiều và rộng lớn, khiến công việc của các nhà nghiên cứu, sưu tầm phải đối mặt với nhiều thách thức hơn. Thách thức là vì di sản văn hóa phi vật thể đang biến đổi nhanh bởi sự ảnh hưởng của kinh tế thị trường; bởi tốc độ đô thị và toàn cầu hóa trong khi lực lượng nghiên cứu, sưu tầm tâm huyết và am hiểu văn hóa dân gian lại ngày càng ít đi.

Thực tế cho thấy, muốn có công trình nghiên cứu, sưu tầm văn hóa dân gian có chất lượng thì phải hiểu biết và có đam mê. Như nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Liên chẳng hạn. Sở dĩ ông có những công trình tốt về văn hóa truyền thống Chăm và Raglai như vậy, trước hết nhờ sự gắn bó lâu dài của ông với vùng đất và con người ở đây. Suốt cả thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, ông ấy là người lính, cán bộ sống ở vùng đó. Khi trở thành Giám đốc Sở Văn hóa, ông có nhiều điều kiện để tìm hiểu sâu hơn về văn hóa của đồng bào. Chính nhờ quá trình tích lũy dày công ấy, khi nghỉ hưu, không còn bận rộn với công việc quản lý nữa thì đam mê nghiên cứu văn hóa dân tộc đã được thổi bùng lên, trở thành ngọn lửa giúp ông có thêm nhiệt huyết để làm công việc mà ông yêu thích là nghiên cứu và tìm hiểu về di sản văn hóa trong cộng đồng dân tộc nơi đây. Đam mê và công sức giúp ông có công trình được giải thưởng Nhà nước về di sản văn hóa các dân tộc - người đầu tiên ở khu vực miền Trung được giải thưởng văn hóa dân gian.

Nguyên nhân nữa là chính sự hiểu biết về di sản văn hóa dân gian của nhiều người, thậm chí là cán bộ quản lý văn hóa đôi lúc cũng còn hạn chế, làm cho việc nghiên cứu và bảo tồn di sản văn hóa dân tộc trở nên khó khăn hơn.

Chúng ta có những hoạt động gìn giữ phát huy như phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú và Nghệ nhân nhân dân. Việc này là chính sách rất đúng, thực hiện tốt nhưng chưa đủ. Nghệ nhân là người nắm giữ di sản cực kỳ quan trọng. Họ thậm chí còn có thể được ví là báu vật nhân văn sống, song thời điểm hiện tại chúng ta mới chú trọng tới việc tôn vinh mà chưa tìm hiểu được nhu cầu lớn nhất của họ là cần có được môi trường để thực hành, sáng tạo và truyền dạy.

Thực tế, phần lớn các nghệ nhân đều cao tuổi và sinh sống ở những vùng sâu, vùng xa. Do đó, bên cạnh việc tôn vinh, nâng đỡ về tinh thần thì sự quan tâm về vật chất giúp họ vơi bớt nỗi lo cuộc sống cơm áo gạo tiền để tập trung sáng tạo, truyền dạy là vô cùng quan trọng. Một số tỉnh như Phú Thọ, Bắc Ninh cũng đã có nhiều sáng tạo trong việc đãi ngộ các nghệ nhân như hỗ trợ mỗi tháng bằng mức lương tối thiểu... Mức hỗ trợ không phải nhiều nhưng cũng giúp các nghệ nhân có thêm thời gian, tâm huyết để truyền dạy cho lớp trẻ, cho học trò.

3. Trong thời điểm hiện tại, cái lợi của toàn cầu hóa về văn hóa chính là sự đa nguyên về văn hóa, giúp các nền văn hóa có cơ hội đến với nhau để giao lưu tiếp biến và thông qua đó tăng thêm nội lực, sức sáng tạo cho mình. Toàn cầu hóa cũng giúp cải thiện cơ sở hạ tầng kinh tế - kỹ thuật phục vụ cho văn hóa và giúp hoạt động sáng tạo văn hóa trở nên chuyên nghiệp hóa, hình thành nên các đội ngũ hoạt động chuyên nghiệp nên có hiệu quả cao hơn. Tuy nhiên, nó cũng là thách thức, bởi sức ép làm thế nào để hòa nhập mà vẫn giữ bản sắc riêng biệt của mỗi dân tộc.

Trong những năm gần đây, một số địa phương đã tổ chức những ngày văn hóa dân tộc Mông, Thái, Khmer… Nhưng đây chỉ là tín hiệu, hồi chuông gióng lên để tập hợp, để nhắc nhở về sự tồn tại của một số loại hình văn hóa dân gian. Các ngày văn hóa, tuần văn hóa giống như kiểu ta đem tinh hoa lên sân khấu trình diễn, đó chỉ là phần ngọn của di sản chứ không phải là di sản trong cộng đồng. Văn hóa Mông, Thái, Khmer… là phải nhìn nhận với sự sống động trong cộng đồng, chứ không chỉ là trình diễn dưới ánh đèn trên sân khấu cùng trang phục biểu diễn bắt mắt.

Cần hiểu rằng văn hóa dân gian là một thực thể sống, nảy sinh, tồn tại và phát triển gắn với sinh hoạt văn hóa cộng đồng của quần chúng lao động. Vì vậy, khi nhận thức, lý giải các hiện tượng văn hóa dân gian phải gắn liền với môi trường sinh hoạt văn hóa của nó, tức là các sinh hoạt văn hóa của cộng đồng, trong đó cộng đồng gia tộc, cộng đồng làng xã giữ vai trò quan trọng. Văn hóa, trong đó có văn hóa dân gian, là sản phẩm của sự phát triển xã hội nhất định. Cần nghiên cứu, nhìn nhận văn hóa dân gian trong môi trường bảo tồn động. Trong quy luật vận động của di sản văn hóa phi vật thể là tái sáng tạo trên cơ sở gốc. Nếu các di tích vật thể việc bảo tồn phải nguyên vẹn trên yếu tố gốc, thì phi vật thể lại linh hoạt hơn bởi nó đã được sáng tạo, biến đổi sang dạng khác. Trước đây, một số quan điểm bảo tồn văn hóa dân gian theo kiểu chỉ khăng khăng giữ cái gốc và nghĩ rằng đó là cái gốc. Nhưng thực tế không có di sản văn hóa phi vật thể nào còn nguyên gốc như mọi người nghĩ, mà nó luôn được bảo tồn trong sự sống động và luôn được bảo tồn trong một quá trình tái sáng tạo nhưng hồn cốt vẫn giữ được. Đó mới là di sản.

Việt Nam có một nền văn hóa lâu đời và đậm đà bản sắc, tuy nhiên để “mã định danh” có sức sống và lan tỏa mạnh mẽ để thế giới chỉ cần nhìn vào đó đã có thể khẳng định là Việt Nam thì cần phải tập trung quảng bá và định vị thương hiệu. Khi sức mạnh của “mã định danh” văn hóa Việt được lan tỏa thì sẽ không còn chuyện âm nhạc, trang phục, món ăn… của nước này bị lẫn, “nhận vơ” thành nước khác. Muốn như vậy thì mỗi người dân, nhà nghiên cứu, cơ quan quản lý… cần phải có cách nhìn nhận đúng về văn hóa, đặc biệt là văn hóa dân gian, để có cách ứng xử phù hợp, góp phần khẳng định giá trị, nâng cao vị thế dân tộc.

TS TRẦN HỮU SƠN
Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam

Tin cùng chuyên mục