Văn hóa giao thông còn nhiều hạn chế

Người đi xe máy gắn còi hơi làm giật mình người đi đường và gây ồn ào mà dư luận lâu nay phản ứng là chuyện cần cảnh cáo để có sự điều chỉnh phù hợp. Tuy nhiên, không chỉ có còi hơi, khi đi đêm nhiều người còn sử dụng đèn xe có màu gây chói mắt người đi ngược chiều hay việc người dùng pô xe (ống xả khói) thẳng vào mặt người khác hoặc ống pô có âm thanh quá lớn… cũng là những biểu hiện thiếu văn hóa, văn minh.

Theo quy định, vào ban đêm, người điều khiển phương tiện giao thông phải bật đèn chiếu gần khi tránh nhau. Nhưng trên thực tế, nhiều người không biết quy định này, hoặc có biết nhưng không thực hiện. Đáng nói hơn, một số người còn dùng đèn xenon với ánh sáng chói lòa lắp thay cho đèn halogen trên xe ôtô hoặc xe máy tay ga đời mới.

Việc làm này không chỉ tốn kém mà còn gây mất an toàn cho người và các phương tiện cùng tham gia giao thông. Bởi vì, ở một khoảng cách vừa phải, đèn xe dù ở tầm thấp nhưng có khu vực chiếu sáng thường đi thẳng vào tầm mắt của người tham gia giao thông ngược chiều; với những loại đèn có cường độ ánh sáng lớn, thì những đèn này làm hạn chế tầm nhìn của người đi ngược chiều gần như hoàn toàn, rất dễ dẫn đến tai nạn giao thông.

Bên cạnh đó, nhiều loại xe hiện nay được sản xuất có ống pô nghếch lên trên (có lẽ để tránh bị ngập nước, nước vào ống pô gây chết máy) thì thường xả khói thẳng vào người, vào mặt người tham gia giao thông phía sau. Điều này tuy ít gây nguy hiểm cho người đi đường nhưng rõ ràng không phải là biểu hiện có văn hóa, văn minh. Đã thế, với một số loại xe cũ hoặc xe sử dụng xăng thơm, khói thải ra khá nhiều, có khi mù mịt cả một khu vực. Một số người còn sử dụng loại pô xe không phù hợp với loại xe hoặc cải tiến pô xe (thường gọi là “nẹt pô”) để tạo “hiệu ứng âm thanh”, gây ồn ào, làm ảnh hưởng sức khỏe của người khác…

Ngoài ra còn có những hành vi chưa văn minh khác như chạy xe qua vũng nước làm bắn nước bẩn vào người khác hoặc để bùn đất văng từ bánh xe vào người đi sau; rẽ đường nhưng không có tín hiệu báo trước đủ lâu để người khác tránh; hút thuốc khi tham gia giao thông, nhất là tại khu vực dừng đèn đỏ hoặc lúc kẹt xe…

Những biểu hiện đó cho thấy ý thức văn hóa, văn minh của một bộ phận người tham gia giao thông còn chưa cao. Nhiều khi không nắm đầy đủ các quy định của pháp luật (như việc phải bật đèn chiếu gần khi tránh vượt nhau), nhưng nhiều trường hợp khác người sử dụng phương tiện chỉ quan tâm sự tiện lợi hoặc theo sở thích của mình mà không chú ý đến sự tác động không tốt đến người khác. Trong trường hợp này, sự tự do của mình đã làm ảnh hưởng đến sự tự do của người khác. Ở đô thị, với việc tập trung quá đông người tham gia giao thông và phương tiện giao thông, bất kỳ sự thiếu ý thức nào của một người cũng gây ra hệ quả xấu cho nhiều người.

Ở một thành phố đang thực hiện nếp sống văn minh đô thị, mọi người không thể không chú ý đến việc thực hiện nét văn hóa, văn minh khi đi đường. 

TRÚC GIANG (TPHCM)

Tin cùng chuyên mục