Người dân ở đây bảo những đợt nắng nóng kinh người vừa qua nếu không có rừng dương này thì dân làng không biết “chui” đi đâu, khi mà điện sinh hoạt ngày có, ngày không nên quạt máy cũng ngày chạy, ngày nghỉ.
Rừng “điều hòa”
Vạt rừng dương dài hơn 1km ở các thôn Kỳ Tân, An Chuẩn (xã Đức Lợi, huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi) mùa mưa bão có tác dụng chắn gió và hạn chế cát bay thì mùa này đang là chiếc “máy điều hòa” nhiệt độ hữu ích cho hàng trăm hộ dân nơi miệt biển trong những ngày nắng nóng. Có dịp đi sâu vào bên trong rừng dương, tôi bất ngờ trước hàng trăm chiếc võng được mắc ngang dọc vào những thân cây dương hay những khung tre tự chế, bên trên được che bằng những tấm bạt xanh, đỏ trông rất sinh động với những tiếng cười nói, tiếng mẹ ru con à ơi, học sinh cười vang chơi trò đánh đu, đuổi bắt. Một khung cảnh yên bình, vui vẻ mà thời tiết như chẳng ảnh hưởng gì đến họ.
Mặt trời đứng bóng, nhiệt độ bên ngoài gần 400C nhưng đứng giữa rừng dương, gió từ biển thổi vào mát rượi. Con gái chị Nguyễn Thị Thiện chưa tròn một tuổi, mồ hôi nhễ nhại đang khóc gắt vì bị rôm sảy. Nựng nịu mãi em bé không nín, chị Thiện liền bồng con ra chiếc võng ngay sát biển được che mát bởi bóng của những tán cây dương. Đứa bé ngừng khóc, chừng 15 phút sau thì ngủ thiếp đi trong vòng tay của mẹ. Cách chị Thiện mấy bước chân, hai ông cháu ông Kiên cũng đang chìm sâu vào giấc ngủ yên bình.
Ngay vạt dương bên cạnh, mấy chị em phụ nữ và người già cũng đang đung đưa trên võng tám chuyện trên trời dưới đất rồi cười vang! Bà Nguyễn Thị Hoa bảo ở thôn này, nhà nào cũng có vài cái võng. Tùy theo số lượng người trong nhà, mỗi người một cái. Buổi trưa gần như tất cả đều túm tụm ra rừng nghỉ ngơi, trò truyện. Ở mỗi vạt dương được chia ra theo từng nhà chăm sóc, tự quản, ranh giới là những đường mòn nối từ nhà ra biển. “Những năm trước rừng dương nối dài tít tắp ra hàng trăm mét theo phía biển. Gần đây bờ biển bị sạt lở nghiêm trọng đẩy nhà dân và rừng dương cứ lùi sâu vào trong. Để bảo vệ rừng dương, bảo vệ nhà cửa, xã động viên bà con tranh thủ trồng thêm cây dương lấn biển. Giao rừng cho bà con tự quản, họ thấy được hưởng lợi nên hào hứng nhiệt tình tham gia thôi” - Chủ tịch UBND xã Đức Lợi Lê Thanh Phách cho biết. “Điều dân làng ở đây lo lắng và phản ánh bức xúc lâu nay là việc hút cát nhiễm mặn gây biến đổi dòng chảy của biển, xâm thực gây sạt lở khu dân cư. Trong khi đó, dự án kè biển Đức Lợi đã có chủ trương từ lâu để bảo vệ làng, bảo vệ rừng nhưng vẫn giậm chân tại chỗ” - ông Phách trăn trở.
Và rừng “hộ mệnh”
Người dân làng Hải Môn, xã Phổ Minh, huyện Đức Phổ xem khu rừng Sầu Đâu với diện tích hơn 7ha là “thần hộ mệnh” của làng. Họ đồng lòng bảo vệ rừng. Với họ, những loại gỗ quý như… vàng luôn được canh chừng cẩn trọng trước sự “thèm khát” của lâm tặc. Trưa nắng như đổ lửa, nhưng vừa bước vào khu rừng này đã cảm nhận được không khí mát dịu. Những cây sến, sơn trai, bìn nin, bời lời, lim, sao… hàng chục năm tuổi, to bằng vòng tay người ôm, cao đến hàng chục mét tỏa bóng mát. Mỗi cây có giá trị hàng triệu đồng. Khu rừng này còn là nơi trú ngụ của chim, cò và nhiều loài động vật. 87 tuổi, ông Lê Hòa vẫn rất minh mẫn, hào hứng kể về quá trình giữ rừng của cư dân trong làng: “Trước cách mạng tháng Tám năm 1945, dân làng chỉ được lên rừng vào một ngày quy định trong tháng để gom lá khô và củi mục về đun nấu theo hiệu lệnh mõ của các bô lão. Không ai được phép chặt cây tươi khi chưa được sự đồng ý của các chức sắc trong làng, nếu vi phạm sẽ bị xử phạt rất nặng”.
Ông Huỳnh Thanh Mười, Trưởng thôn Hải Môn móm mém thêm vào: “Khu rừng được xem như bức tường chắn gió bão thổi từ biển vào làng và còn đóng vai trò “lá phổi xanh”, là cánh rừng vàng bên biển bạc nên luôn được người dân bảo vệ nghiêm ngặt. Bao đời nay, dân làng luôn truyền tai nhau “rừng tan thì làng mạt” nên họ xem việc giữ rừng là một nhiệm vụ thiêng liêng. Trước năm 1975, Mỹ - Ngụy tổ chức càn quét quy mô lớn, triệt hạ từng gốc cây và ném bom napan thiêu trụi cả khu rừng. Bom đạn ngày càng dồn dập, người dân phải bỏ làng phiêu dạt khắp nơi”.
Quê hương giải phóng, nhân dân trở về làng và nhắc nhở nhau giữ rừng để “rừng không tan thì làng trù phú”. Khi trước, dân làng luôn thiếu chất đốt đun nấu, nhưng không ai chặt phá cây rừng. Thỉnh thoảng chỉ đốn hạ một vài cây để lấy gỗ làm nhà tình nghĩa, tình thương cho gia đình chính sách và hộ nghèo, dùng vào việc chung. Ông Mười khẳng định, nhờ giữ được rừng nên mạch nước ngầm không bị suy kiệt. Giếng nước sinh hoạt trong làng không bao giờ khô cạn, lúa và hoa màu luôn tươi tốt. Dân làng không phải lo sợ gió bão từ phía biển cuốn tung mái nhà.
“Những đối tượng ở các xã khác lẻn sang đốn hạ cây rừng liền bị người dân trong thôn kéo đến ngăn cản và cấp báo ngay cho chính quyền xã xử lý” - ông Phạm Văn Sáu, Chủ tịch UBND xã Phổ Minh, cho biết. Ông Sáu hào hứng: “đâu cần phải vào rừng, chỉ cần đến đầu làng là đã cảm nhận không khí dịu mát giữa trưa nắng oi ả. Vì vậy, nhiều chủ doanh nghiệp đã đăng ký đầu tư xây dựng khu nghỉ dưỡng cạnh khu rừng sau khi đến tham quan”. Hiện UBND huyện Đức Phổ đã quy hoạch khu du lịch sinh thái Mỹ Á bao gồm diện tích có rừng và khu vực liền kề. Người dân nơi đây mừng nhưng cũng lo không kém khi mà tương lai sẽ mọc lên những khu nghỉ dưỡng và các dịch vụ du lịch, góp phần nâng cao đời sống của người dân nhưng liệu khu rừng mà họ đã đổ bao mồ hôi để gìn giữ sẽ như thế nào nếu có “bàn tay” can thiệp của dự án?!
“Không chỉ ở Phổ Minh đâu, 5 xã ven biển của Đức Phổ (Phổ An, Phổ Quang, Phổ Vinh, Phổ Khánh và Phổ Châu) người dân cũng quý rừng như vàng bởi rừng hiện hữu hàng ngày trở thành vành đai xanh chắn gió cát ven biển bảo vệ dân làng, giữ môi trường sinh thái...” - Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ Trần Em, bật mí. Bà Phan Thị Biểu, trú thôn Vĩnh Tuy, xã Phổ Châu bảo rằng trước đây, hầu hết những ngôi nhà cạnh cồn cát đều luôn trong tình trạng cửa đóng then cài để “né” bụi cát. Nhưng giờ thì tụi tôi đã có thể mắc võng dưới tán cây rừng để đong đưa hóng mát mỗi chiều mà không sợ cát phủ… trên mặt. “Khi cây lim, cây sao bén rễ phân tầng trên rừng tạp; còn cây dương trải màu xanh ngút mắt khắp bãi biển thì người dân huyện Đức Phổ chợt nhận ra một điều mà lâu nay họ lãng quên, đó là: “Trồng cây - nhặt vàng, giữ rừng - gặt sự sống”. Rừng không chỉ giảm sự di chuyển của cát, cản gió mà còn tái tạo môi trường khiến biển có vẻ hiền hòa hơn, trong lành hơn”- ông Trần Thanh Hòa, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Đức Phổ vui mừng nói.
HÀ MINH