Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 31 - Hướng đến một sân chơi chung

Mở rộng đối tượng tham gia
Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 31 - Hướng đến một sân chơi chung

Giảm thể loại dự thi, mở rộng đối tượng tham dự, các đơn vị đề cử người - theo từng thể loại vào thành phần ban giám khảo (BGK)… là những điểm mới của Liên hoan truyền hình toàn quốc (LHTHTQ) lần thứ 31 được tổ chức tại Đà Nẵng từ ngày 18 đến 21-12...

Thành phần Ban giám khảo Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 31 được mở rộng hơn so với những kỳ liên hoan trước.

Thành phần Ban giám khảo Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 31 được mở rộng hơn so với những kỳ liên hoan trước.

Mở rộng đối tượng tham gia

Hướng đến một sân chơi chung cho những người làm truyền hình trong cả nước là mục tiêu chính của LHTHTQ lần này. Ông Nguyễn Hà Nam, Phó Trưởng ban tổ chức (BTC) của liên hoan, cho rằng: “Xác định LHTHTQ là sân chơi cho những người làm truyền hình và các hạng mục dự thi thì không thể quá nhiều, nên BTC chúng tôi đã quyết định sẽ lựa chọn những hạng mục mà nhiều đơn vị có thể tham gia được. Những loại hình ít người thi hoặc chỉ tập trung ở những đài lớn thì tạm thời không có trong danh mục”.

So với năm ngoái, liên hoan năm nay có sự thay đổi về mặt thể loại. Chương trình sân khấu và chương trình quảng bá bị loại khỏi danh sách tham gia vì chỉ dành cho những đài lớn. Phim tài liệu và phóng sự dài thay vì đứng riêng đã được gom chung vào một thể loại. Thể loại giao lưu - đối thoại - tọa đàm quay trở lại dự thi sau một kỳ vắng mặt. Như vậy, từ 11 thể loại năm 2010, liên hoan năm nay rút xuống còn 8 thể loại, gồm: Chương trình dành cho thiếu nhi, phim tài liệu và phóng sự, phóng sự ngắn, các chương trình chuyên đề và khoa giáo, giao lưu - đối thoại - tọa đàm, chương trình truyền hình tiếng dân tộc thiểu số, chương trình ca nhạc, phim truyện truyền hình. Đây cũng là lần cuối, phóng sự ngắn được tham dự vì thể loại này có tính thời sự cao nhưng khi đem tham dự liên hoan thường bị chỉnh sửa giảm tính chân thực. Thay vào đó, từ năm 2012, Đài Truyền hình Việt Nam sẽ tổ chức một cuộc thi bình chọn riêng cho phóng sự ngắn.

Một điểm mới nữa của liên hoan lần này là việc mở rộng đối tượng dự thi. Nếu như ở kỳ liên hoan năm trước, các đơn vị ngoài khu vực nhà nước bắt đầu được tham dự liên hoan nhưng phải đăng ký theo đài truyền hình, đài phát thanh truyền hình phát sóng, thì năm nay các đơn vị này có thể tham dự liên hoan như các đơn vị độc lập, miễn là có giấy xác nhận chương trình đã phát sóng kèm theo. Với cơ chế “mở”, liên hoan lần này đã thu hút 6 đơn vị tư nhân với 10 tác phẩm tham gia.

Cũng theo ông Nam, sự thay đổi này nhằm tạo thêm cơ hội cho các đơn vị tư nhân. Lâu nay LHTHTQ giới hạn đối tượng là các đài phát thanh truyền hình nhưng một tác phẩm khi lên sóng, khán giả không phân biệt ai sản xuất mà chỉ phân biệt chất lượng tốt hay không tốt. Bởi vậy, chúng tôi nhận thấy các đơn vị truyền thông, các công ty tư nhân đã đóng góp nhiều sản phẩm tốt thì không có lý do gì, liên hoan truyền hình cả nước lại không có sự tham gia của họ.

Khuyến khích những tác phẩm sáng tạo

Lý giải cho việc rút gọn từ 11 thể loại xuống còn 8 thể loại và những chương trình như gameshow, chương trình quảng bá không có mặt tại liên hoan lần này, ông Đặng Xuân Thu, Giám đốc Trung tâm Đài Truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng, Trưởng BTC LHTHTQ lần thứ 31, cho rằng: “Một trong những lý do khiến BTC quyết định rút thể loại này ra khỏi liên hoan năm nay là vì 80%-90% các gameshow lấy format của nước ngoài. Đó chỉ là kỹ năng của tổ chức sản xuất chứ không có tính sáng tạo. Trong khi đó, một trong những điều đặt ra của liên hoan là khuyến khích những tác phẩm trong nước. Nếu đã loại bỏ đi yếu tố của nước ngoài thì gameshow Việt chỉ đếm trên đầu ngón tay. Như thế không thể dự thi được”.

Một điểm đáng chú ý trong kỳ liên hoan lần này là việc thay đổi BGK. Các đơn vị đề cử người theo từng thể loại dựa trên những tiêu chí được BTC đưa ra, thay vì chỉ định như những năm trước.

“Lâu nay, thành phần BGK đa số là quản lý nhưng năm nay chúng tôi muốn có những người thật sự có nghề, làm nghề, được thừa nhận trong giới, đã từng có tác phẩm đoạt giải trong nước và quốc tế... làm thành phần BGK, mục đích là tìm ra những sản phẩm truyền hình có chất lượng cao, có tính sáng tạo. Nên chúng tôi đã yêu cầu các đơn vị ứng cử người. Để những người làm nghề có uy tín chấm giải thì chất lượng sẽ cao hơn. Số lượng BGK của VTV lần này rất ít”, ông Nam khẳng định.

Theo Ban tổ chức, tham dự liên hoan lần này có 594 tác phẩm của 100 đơn vị. Giải thưởng năm nay bao gồm: huy chương vàng, huy chương bạc và bằng khen. Số tác phẩm được trao các giải thưởng này chiếm khoảng 40% số lượng tác phẩm dự thi, trong đó 5% là huy chương vàng, 10% huy chương bạc và 25% bằng khen.

Nguyễn Hùng

Tin cùng chuyên mục