Cùng với đó, tình trạng ô nhiễm môi trường và mất vệ sinh an toàn thực phẩm tại nhiều nơi đang khiến nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm vào mùa “cao điểm”.
Viêm não rình rập
Mặc dù kết quả xét nghiệm mới đây của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho thấy các mẫu bệnh phẩm của 4 trẻ nhỏ ở xã Đa Thông, huyện Thông Nông (Cao Bằng) âm tính với virus viêm não Nhật Bản B và vi khuẩn não mô cầu nhưng cộng đồng xã hội vẫn rất hoang mang, lo lắng về nguy cơ dịch viêm não đang vào mùa cao điểm.
Bác sĩ Phương Đức Cù, Giám đốc Bệnh viện (BV) Đa khoa tỉnh Cao Bằng, cho biết dấu hiệu mắc bệnh ban đầu của các bệnh nhi này rất giống với viêm não khi cả 4 cháu đều có biểu hiện đau đầu, buồn nôn, mệt mỏi và sốt cao, sau khi đó suy hô hấp, não phù nề, hôn mê...
Theo Tiến sĩ Nguyễn Tiến Lâm, Trưởng khoa Truyền nhiễm BV Nhi trung ương, viêm màng não, viêm não là căn bệnh rất nguy hiểm với trẻ nhỏ. Tuy nhiên, điều đáng nói là do biểu hiện ban đầu của bệnh này (sốt, đau đầu, ho, nôn, tiêu chảy, lì bì...) rất dễ nhầm lẫn với các bệnh sốt cao, cảm cúm khác, nên trẻ không được gia đình phát hiện sớm và đưa đến viện kịp thời. Không ít trẻ viêm não được đưa tới BV trong trường hợp bệnh tiến triển nặng, dễ dẫn tới biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong.
Trẻ nhỏ cần được tiêm đầy đủ vaccine để phòng ngừa dịch bệnh nguy hiểm, nhất là viêm não Nhật Bản
Ghi nhận của chúng tôi tại Khoa Truyền nhiễm của BV Nhi trung ương, BV Bạch Mai và một số BV ở phía Bắc, trong những ngày nắng nóng gay gắt vừa qua đã tiếp nhận trẻ nhập viện tăng cao. Hầu hết các phòng điều trị cho bệnh nhi đều đông kín, trong đó không ít trẻ có dấu hiệu của bệnh viêm não và viêm màng não. Tại khu vực phía Nam cũng bắt đầu ghi nhận rải rác các ca bệnh viêm não ở trẻ nhỏ.
Trong đó, BV Nhi đồng 1 TPHCM đã tiếp nhận điều trị một số trẻ bị viêm não Nhật Bản rất nặng. Theo PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế, viêm não là dịch bệnh xảy ra quanh năm ở hầu hết các địa phương. Ổ dịch thường gặp ở vùng đồng bằng, trung du và cả ở một số khu vực miền núi phía Bắc.
Tuy nhiên đáng lưu ý, số ca mắc thường tăng vào mùa nắng nóng từ tháng 6 tới tháng 8, đặc biệt là bệnh viêm não Nhật Bản với đối tượng chủ yếu là trẻ dưới 15 tuổi. Hơn nữa, qua điều tra dịch tễ, có tới 90% trường hợp mắc viêm não là do chưa được tiêm vaccine phòng ngừa, hoặc tiêm không đầy đủ.
Nhiều dịch bệnh bùng phát
Mặc dù cũng là dịch bệnh lưu hành quanh năm nhưng sốt xuất huyết (SXH) lại đang vào giai đoạn cao điểm. Theo Bộ Y tế, tính đến giữa tháng 6-2017, cả nước ghi nhận trên 36.500 trường hợp mắc SXH, trong đó có 10 trường hợp tử vong.
Đặc biệt, các trường hợp mắc SXH ghi nhận nhiều nhất tại khu vực miền Nam, chiếm hơn 65% số ca mắc của cả nước và những trường hợp tử vong đều do nhập viện muộn nên việc cấp cứu ít hiệu quả. Bộ Y tế cảnh báo, thời gian tới, dịch SXH sẽ còn diễn biến rất phức tạp và có xu hướng gia tăng, đặc biệt tại các tỉnh, thành phía Nam, do đang là mùa mưa, tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển mạnh và truyền bệnh. Tuy nhiên tại khu vực phía Bắc, nhất là TP Hà Nội cũng không thể chủ quan đối với dịch SXH. Tính đến giữa tháng 6, Hà Nội đã ghi nhận tới 1.700 trường hợp mắc SXH với 1 ca tử vong, tăng gần 4 lần so với cùng kỳ năm 2016.
Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết số người mắc SXH ở Hà Nội tăng đột biến là do điều kiện thời tiết chuyển mùa nắng nóng và mưa nhiều, tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh SXH phát triển. Trong khi đó, việc phun hóa chất tiêu diệt bọ gậy, loăng quăng, diệt muỗi là biện pháp duy nhất phòng chống SXH nhưng nhiều hộ dân lại không hợp tác với cơ quan y tế. Ngoài ra, Hà Nội cũng đã khi nhận tới 84 trường hợp sốt phát ban dạng sởi, 60 ca mắc tay chân miệng, 6 mắc cầu khuẩn lợn, 2 trường hợp tử vong do bệnh dại và nhiều dịch bệnh nguy hiểm khác.
Cục Y tế dự phòng cũng cảnh báo, thời tiết nắng nóng gay gắt trên diện rộng cùng với môi trường ô nhiễm và mất vệ sinh an toàn thực phẩm đang khiến cho nhiều dịch bệnh (như: cúm, tiêu chảy, tay chân miệng, tả, lỵ, thương hàn, đau mắt thủy đậu, rubella...) có nguy cơ bùng phát; số ca mắc thường tăng cao nhất là giai đoạn từ tháng 6 - 8. Mọi người đều có thể mắc các bệnh truyền nhiễm vào mùa hè, nhưng trẻ em là đối tượng dễ bị dịch bệnh tấn công nhất.
Hơn nữa, dự báo trong thời gian tới, Việt Nam tiếp tục chịu tác động của El Nino khiến mùa hè năm nay nóng hơn và mưa trái mùa tăng lên, tạo điều kiện thuận lợi cho virus, vi khuẩn gây bệnh phát triển.
Mỗi người dân cần nâng cao ý thức và chủ động phòng chống các loại dịch bệnh. Trong đó, biện pháp phòng dịch bệnh hiệu quả nhất là: cho trẻ em tiêm đầy đủ các loại vaccine trong Chương trình tiêm chủng quốc gia; vệ sinh môi trường thường xuyên; diệt muỗi và loăng quăng/bọ gậy; ngủ màn; ăn chín, uống chín; rửa tay bằng xà phòng trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Khi cơ thể xuất hiện triệu chứng bất thường như sốt cao, mệt mỏi, nhức đầu, đau cơ, tiêu chảy..., cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất...