Vụ tai nạn thương tâm xảy ra ngày 7-12 tại xã Bình Chuẩn (huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An) đã làm chấn động dư luận. Chấn động dư luận không chỉ bởi số người thương vong, mà còn vì xe chở gỗ này liên quan đến một số cán bộ kiểm lâm. Sau khi điều tra, bước đầu cơ quan chức năng đã xác định nguồn gốc số gỗ trên xe gặp tai nạn được mua từ xã Xiêng My (huyện Tương Dương). Chúng tôi đã có cuộc hành trình ngược vào xã Xiêng My để tìm hiểu thêm về “chợ” gỗ này.
Gỗ dưới sàn nhà
Để vào được xã Xiêng My, chúng tôi nhờ anh Lô Văn Đại dẫn đường. Đại là người dân tộc Thái ở xã Yên Hòa, năm nay 38 tuổi, đã có gia đình. Từ thị trấn Hòa Bình (huyện Tương Dương) vào đến xã Xiêng My phải đi qua trên 70km đường núi ngoằn ngoèo. Đến địa phận xã Nga My (tiếp giáp xã Xiêng My) đã bắt đầu thấy những khối gỗ nằm ngổn ngang bên dưới những ngôi nhà sàn. “Gỗ nhiều thế sao kiểm lâm không kiểm tra?”, chúng tôi hỏi. “Chẳng thấy ai hỏi cả. Có hỏi dân cũng nói gỗ mua để làm nhà”, anh Đại giải thích.
Tại bản Canh (xã Nga My) chúng tôi ghé vào một ngôi nhà sàn khá lớn. Phía dưới sàn nhà là một đống gỗ đủ loại. Người phụ nữ chủ nhà ra tiếp chuyện với Đại bằng tiếng Thái. Đại dịch lại: “Chồng hắn vào khe rồi. Cứ xem gỗ đi, hắn về sẽ ngã giá sau. 10 triệu đồng một cột”. Chúng tôi đến thêm một số nhà trong bản Canh nữa, dường như nhà nào cũng có gỗ. Có những bộ dong (hay gọi là phản) dày gần 20 phân, dài hơn 3m, rộng 1,2m. Những bộ phản này giá rẻ nhất cũng mấy chục triệu, tùy loại gỗ, nhưng cứ có “tiền tươi” là mua được.
Đường vào trụ sở xã Xiêng My vô cùng vất vả vì mưa và đất từ núi sạt xuống. Cách trụ sở UBND xã này không đầy 100m có khá nhiều cột gỗ lớn nằm la liệt.
Ông Lô Xuân Tình, Chủ tịch UBND xã Xiêng My khi làm việc với chúng tôi với vẻ vừa ngại ngùng vừa lo. Ông phân trần, sau vụ tai nạn làm chết 10 người, mà nguồn gốc gỗ lại từ xã ông quản lý nên ông cũng khó xử.
Ông Tình cho biết, số gỗ chở trên xe gặp tai nạn được lấy từ 2 hộ gia đình ở bản Chon, trong đó có hộ gia đình ông Ngô Văn Bình. Nhà ông Bình nằm gần quốc lộ 48C và cách trụ sở UBND xã gần 7km. Ngoài số gỗ đã bốc đi hôm đó, lực lượng chức năng còn thu thêm tại nhà ông Bình trên 9m³ gỗ các loại. Hôm thu số gỗ này, người nhà ông Bình đã chống đối quyết liệt, khiến công an phải tăng cường lực lượng mới thu được.
“Xã Xiêng My có 3 dân tộc Thái, Khơ Mú và Kinh cùng chung sống. Có 694 hộ thì đến 578 hộ nghèo, chiếm 83%. Dân chủ yếu sống bằng đốt nương làm rẫy. Có hai bản là Noong Mò và Piêng Ồ thuộc vùng đệm và lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống”, ông Lô Xuân Tình cho biết.
Làm nhà sàn để... bán
Trước khi tiếp tục cuộc hành trình, Lô Văn Đại bảo: “Cố gắng vô bản xa mới có nhà đẹp”. Chúng tôi dừng chân bên một căn nhà gỗ đang làm dang dở bên đường vào bản Chon (xã Xiêng My). Đại gặp một người phụ nữ chừng 30 tuổi đứng bên đường, sau khi nói chuyện bằng tiếng Thái, Đại thông tin lại: “Chủ nhà ni đi vắng nhưng cứ vào xem đi. Giá bộ nhà ni không dưới 800 triệu đồng. Bộ khung của nhà sàn 3 gian này đã hoàn thành”.
Người phụ nữ cho biết, ngôi nhà này có 16 cột, đều là gỗ trai, mỗi cột cao hơn 6m. Có một người ở huyện Quỳ Hợp đã đến hỏi mua và hẹn sẽ quay lại ngã giá. “Cả cái xã ni, nhà ni là to nhất đấy. Nhà chưa xong vì gia đình ông chủ có chuyện thôi”, Đại dịch lại ý bà chủ nhà.
Chúng tôi đến hỏi một số nhà khác, có người đồng ý bán với giá dao động từ 250-350 triệu đồng/căn nhà 3 gian (giá tại chỗ). Tuy giá có vẻ “mềm” nhưng phần lớn các nhà sàn này đều đã cũ. Chủ nhân của các nhà muốn bán vì dự định làm nhà nền đất và kiếm tiền chi tiêu trong gia đình.
Tại bản Khe Quỳnh (xã Xiêng My), sau khi nói chuyện với một thanh niên địa phương, Đại dẫn chúng tôi vào một nhà sàn bên đường. Đây là nhà của ông Kha Quang Ba, Phó Chủ tịch UBND xã Xiêng My. Ông Ba đi vắng, vợ ông tiếp chuyện và cho hay trước đây gia đình này ở xã Nhôn Mai (huyện Tương Dương, thuộc vùng lòng hồ thủy điện Bản Vẽ). Sau khi tái định cư, cả nhà chuyển về bản Khe Quỳnh này.
Ông Ba trước là Bí thư Đảng ủy xã Nhôn Mai, về đây được bố trí làm Phó Chủ tịch UBND xã Xiêng My. Chúng tôi hỏi giá ngôi nhà bao nhiêu, vợ ông Ba nói để hỏi ý chồng. Chúng tôi đưa điện thoại cho bà nói chuyện với chồng và được Đại dịch ra tiếng Việt: “Bà vợ bảo cứ bán 250 triệu đồng, ông đồng ý”. Tuy nhiên, khi nói lại với chúng tôi chị này lại “hét” lên 400 triệu đồng. “Nhà có 20 cột là gỗ đinh hương cả thôi”, vợ ông Ba cho biết.
Bên cạnh nhà ông Ba là nhà người em Kha Quang Hùng. Ông Hùng cũng đi vắng, người nhà ông nói giá căn nhà cũ 3 gian giá 370 triệu đồng. Vợ ông Ba đi theo khoe: “Bên nhà còn 3 cột gỗ đinh hương nữa, bán mỗi cột 10 triệu đồng”. Từ nhà ông Phó Chủ tịch UBND xã Xiêng My ra chúng tôi gặp anh Hoàng Văn Hân. Anh đưa về nhà giới thiệu căn nhà có 20 cột mới làm và ra giá 300 triệu đồng. “Tôi nói giá để các anh mua được thôi. Thách cao quá khó mua bán”, anh Hân nói vẻ thật thà.
Nói về việc người dân làm nhà sàn để bán, ông Lô Thanh Hài, Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho biết: “Có cầu ắt có cung. Không ai mua thì dân khai thác làm gì. Còn việc dân làm nhà sàn để bán cũng có nhưng ít. Đó phần lớn là những tay đầu nậu gỗ, chứ dân chủ yếu chỉ đi làm thuê. Sự biến tướng ở chỗ là anh khai thác, rồi dựng nhà lên cho hợp pháp. Đây là kẽ hở của luật pháp”. Trước đây huyện đã có văn bản yêu cầu những hộ dân tái định cư từ vùng lòng hồ thủy điện Bản Vẽ mới được vận chuyển và bán nhà cũ. Quy trình của việc này được xã xác nhận, sau đó huyện, hạt kiểm lâm thẩm định. “Nhưng như thế nào là cũ thì rất khó xác định. Cứ nhà dựng lên thì cho là cũ. Cơ sở đã xác nhận là nhà cũ thì phải cho bán. Vậy nên giới đầu nậu lợi dụng điểm này để đưa nhà sàn về xuôi”, ông Hài cho hay. |
DUY CƯỜNG-TUỆ TÂM
- Thông tin liên quan:
>> Tai nạn thảm khốc làm 15 người chết và bị thương - Tang thương bản Na Lạn