Cuối tuần qua, lần đầu tiên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) công khai công bố giá thành sản xuất điện. Theo đó khoản lỗ sản xuất kinh doanh điện năm 2010 lên đến 10.162 tỷ đồng. EVN khẳng định khoản lỗ do giá bán thấp hơn giá thành của Tập đoàn này đương nhiên sẽ được hạch toán vào giá điện trong những đợt điều chỉnh thời gian tới. Trao đổi với báo chí, đồng chí Nguyễn Hữu Quang, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho biết:
Việc tính đúng tính đủ các chi phí để đưa vào giá thành là cần thiết vì chúng ta vận hành theo cơ chế thị trường. Nhưng khi đã tính đúng, tính đủ thì việc EVN lỗ hơn 10.000 tỷ đồng phải kiểm tra lại, những chi phí không liên quan đến việc phát điện mà trước đó chưa tính hết phải tính vào. Nếu tính vào mà giá thành cao hơn hiện nay phải chấp nhận tăng giá, nếu không doanh nghiệp lấy gì để bù lỗ. Nhưng đơn vị kiểm toán cần lưu ý, khi tính toán giá điện, những chi phí nào không phục vụ cho việc phát điện phải triệt để loại ra ngoài. Những khoản đầu tư ngoài ngành của EVN chẳng hạn, nếu không phục vụ cho việc phát điện thì không được đưa vào giá thành.
- PV: Người dân đang lo lắng về tăng giá điện. Giờ thêm thông tin sẽ đưa khoản lỗ hơn 10.000 tỷ đồng vào giá thành thì càng đáng lo hơn, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang phải kiềm chế lạm phát hiện nay?
Đồng chí NGUYỄN HỮU QUANG: Tâm lý chung thì bất cứ một doanh nghiệp, người dân nào khi sử dụng điện đều không muốn tăng giá điện. Kể cả giá điện hiện nay người sử dụng điện vẫn cho là cao, họ muốn giá phải thấp hơn. Nhưng chúng ta vận hành theo cơ chế thị trường thì mọi chi phí phải tính đúng, tính đủ. Khi đó nếu giá thành bắt buộc cao hơn hiện nay thì phải chấp nhận, đừng vì sức ép kiềm chế lạm phát mà không tăng giá điện sẽ làm méo mó giá thành, méo mó thị trường do lâu nay Nhà nước đã can thiệp quá nhiều. Chúng ta tăng giá điện hợp lý cũng có tác dụng để người sử dụng phải có ý thức tiết kiệm năng lượng.
- Việc ngành điện kêu lỗ nhiều ý kiến cho rằng do ngành điện quản lý không tốt, dẫn đến thất thoát điện rất nhiều?
Theo tôi nếu quản lý tốt thì tỷ lệ thất thoát năm sau phải thấp hơn năm trước. Ngành điện luôn phải đặt mục tiêu để tỷ lệ thất thoát ngày càng giảm, nếu ngược lại phải xem lại trách nhiệm của EVN. Về nguyên tắc, người dân không phải chịu trách nhiệm về sự thất thoát đó của ngành điện. Nhưng do quản lý yếu kém, kết cấu hạ tầng của ngành điện đã cũ dẫn đến thất thoát lớn. Đây là điều mà ngành điện phải kiểm tra lại.
Lâm Nguyên
- Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu: Không thể có chuyện áp lỗ vào giá thành
Giá điện, than và các giá dịch vụ công bố vận hành theo giá thị trường từ năm 2013. Nếu việc đưa 10.000 tỷ đồng lỗ vào giá thành điện là có thật thì Thường vụ Quốc hội phải xem tại sao đưa, đưa vào đâu, cách đưa thế nào. EVN treo thêm khoản lỗ từ năm trước thì theo văn bản nào và hạch toán lỗ lãi của doanh nghiệp phải tính theo năm. Hiện giá điện đang được Nhà nước hỗ trợ, còn nếu điều tiết theo đúng quy luật cung cầu không thể có chuyện áp lỗ vào giá thành vì nếu lỗ EVN phải trích từ quỹ rủi ro, nâng cao khả năng quản trị, tiết giảm chi phí, cơ cấu lại sản xuất kinh doanh…
- ĐB Trần Du Lịch (TPHCM): Phải làm rõ khoản lỗ của EVN
EVN công bố giá thành sản xuất kinh doanh điện có nói đến nhiều nguyên nhân khách quan nhưng cá nhân tôi lại thấy rằng hoạt động thua lỗ của EVN có nguyên nhân từ việc đầu tư ra ngoài ngành quá nhiều, phân tán vốn, không tập trung vào nhiệm vụ chính. Điều này cần phải nghiêm túc rút kinh nghiệm. Phải minh bạch trách nhiệm của EVN trong các khoản đầu tư ngoài ngành. Nếu thuần túy là kinh doanh gây lỗ phải xác định rõ trách nhiệm của lãnh đạo trong việc quyết định đầu tư.
Mặt khác phải làm rõ giá thành sản xuất kinh doanh điện, trong đó có nỗ lực của EVN về việc chống thất thoát điện như thế nào vì đây là một nguyên nhân làm giá thành cao. Không đơn giản là EVN cứ nói thế nào, tin thế ấy rồi cho tăng giá điện.
Nếu thực sự khoản lỗ đó chỉ duy nhất do hoạt động sản xuất kinh doanh điện tạo ra thì về cơ chế, phải phân bổ vào giá thành là đúng. Nhưng không thể phân bổ một lúc mà phải có nhiều thời gian để không gây áp lực lên giá điện. Nhưng rõ ràng với EVN cần làm rõ nhiều vấn đề. Tại sao EVN có tiền đầu tư các lĩnh vực khác nhưng lại không có tiền đầu tư để làm giảm thất thoát điện? Vì sao EVN không tập trung mọi nguồn lực để đầu tư nguồn điện, lưới điện theo yêu cầu phát triển mà lại tập trung đầu tư vào ngành khác, để tình trạng thiếu nguồn điện, thiếu lưới điện kéo dài như vậy. Tôi cho rằng trước mắt, khoản lỗ này phải khoanh lại và làm rõ tất cả thì mới cho phân bổ.