
Sau những tháng mưa dầm gió bấc và triều cường dữ dội, biển trở lại sóng lặng, gió êm. Đó là thời điểm tháng chạp Âm lịch hàng năm. Lúc này, hàng trăm người dân ven biển huyện Ninh Hải (tỉnh Ninh Thuận) đổ xô đi săn tôm hùm giống.
Giăng bẫy tôm hùm
Tháng chạp ở vùng biển xã Tri Hải, con nước triều hạ để lộ bãi cát trắng mịn màng. Bảy tám thanh niên ngồi sát mép nước hút thuốc lá vặt. Quần áo họ sũng nước. Có người lạnh run lập cập, đôi môi nhợt nhạt. Anh Nguyễn Thái Khoa 30 tuổi nhà ở thôn Khánh Tường nói: Tụi em ngâm mình từ sớm tới giờ, lạnh chịu hết thấu rồi. Lên bờ nghỉ giải lao rồi xuống lặn tiếp. Tháng chạp là mùa rộ tôm hùm giống, ai cũng mong săn trúng 5-10 con để có chút đỉnh tiêu xài dịp cuối năm.

Mua bán tôm hùm giống trên bờ biển xã Tri Hải.
Chỉ tay về hướng mặt nước giăng mắc đầy bẫy tôm, anh Khoa phân bua: “Mấy năm trước ít người săn tôm nên anh em làm ăn cũng kha khá. Bây giờ có quá nhiều người bỏ bờ xuống biển săn tôm, người đông của khó. Ngư dân chuyên nghiệp thì lặn bắt tôm nằm sâu dưới đáy rạn hoặc đánh mành đèn. Còn dân bờ làm muối như tụi em nay xuống biển tạo ra quần thể san hô nhân tạo giăng bẫy bắt tôm. Đây là một cách làm ăn mới của người dân địa phương vì con tôm hùm giống có giá trị kinh tế rất cao. Giăng bẫy tuy thu nhập không bằng thợ lặn săn tôm hùm chuyên nghiệp nhưng cũng bảo đảm được cuộc sống gia đình ổn định”.
Theo hướng chỉ tay của anh Khoa, tôi nhìn thấy hàng ngàn chiếc cọc tua tủa phủ dày cả vùng biển giáp ranh hai xã Tri Hải và Nhơn Hải của huyện Ninh Hải. Giữa những chiếc cọc là hàng loạt dây cước treo những cục san hô to bằng nửa viên gạch táp-lô. Trên mỗi cục san hô được khoan 15- 20 lỗ sâu khoảng 3 phân tây.
Tôm hùm con theo nước triều lên tìm đến trú ngụ. Nhìn tổng thể, bẫy săn tôm hùm ven bờ được ngư dân giăng mắc như thể bố trận thiên la địa võng. Phía ngoài trận đồ san hô là vùng hoạt động của nghề bẫy tôm hùm giống bằng lưới mùng. Loại lưới này có mắt nhỏ như mùng tuyn được cột vào đá thả sâu xuống mặt nước để bẫy tôm hùm con lưu lạc. Người bơi thúng chai kéo lưới mùng, kẻ lặn ngụp trong trận đồ san hô tạo nên không khí lao động nhộn nhịp trên vùng biển trải vàng nắng sớm.
Niềm vui “trúng sao”
Từ phía biển có một người “đội nước” đứng lên. Anh lột kính lặn tiến đến gần bờ để lộ nụ cười tươi trên khuôn mặt tái nhợt. Nhóm thanh niên vội đứng phắt dậy hỏi:
- Có gì hông, Hay?
- Được một con sao màu!
Người thợ săn giơ chai nhựa trong suốt đựng con tôm hùm to bằng đầu đũa, dài khoảng hai phân tây đang ngo ngoe cặp râu như muốn thoát ra khỏi sự ngột ngạt. Tôi chợt nhìn thấy đôi bàn tay trắng bợt của anh hằn sâu những vết sẹo ngang dọc. Trên bàn tay phải có những vết thương chưa kịp lành da.

Anh Nguyễn Hay với niềm vui săn được con tôm hùm sao.
Nguyễn Hay - tên của người thợ vừa săn được con tôm hùm sao kể: Em đeo bám nghề săn tôm hùm đã gần mười năm. Do hàng ngày phải ngâm nước kéo bẫy san hô lên chà rong hà bám nên cả hai bàn tay đều trầy xước, rát lắm! Trước đây, mỗi tháng em kiếm được 3-4 triệu đồng. Nay có quá nhiều người làm nghề nên thu nhập giảm xuống chỉ còn khoảng 2 triệu đồng, vừa đủ chi tiêu cho gia đình ba miệng ăn. Tuy chim trời cá nước nhưng nghề săn tôm hùm dễ kiếm tiền. Mỗi tuần chỉ cần trúng 3-4 con sao là có 6-7 trăm ngàn bỏ túi.
Nguyễn Hay bước lên bờ đưa chai nhựa cho những người đang ngồi chờ thu mua tôm hùm giống. Con tôm hùm sao được nằm trên chiếc khay nhựa để định giá. Cuộc mặc cả diễn ra nhớp nhoáng, người thu mua móc túi đưa cho anh Hay 190.000 đồng. Con sao được thả vào chiếc xô nhựa có gắn máy bơm oxy chạy pin. Nguyễn Thị Thảo - tên người thu mua cho biết: Sáng nay, em mới mua được 5 con. Tôm hùm sao nằm giá 170-200 ngàn đồng. Còn tôm hùm xanh giá 60-70 ngàn đồng. Con tôm hùm giống đánh bắt từ vùng biển Ninh Hải được tụi em thu mua rồi chuyển ra Khánh Hòa, Phú Yên cung cấp cho các trại nuôi tôm hùm lồng.
Cả làng giảm nghèo nhờ săn tôm
Đến với làng biển Mỹ Hiệp thuộc xã Thanh Hải, chúng tôi gặp cả trăm người đang đi dọc bãi rạn san hô Hòn Đỏ. Họ là những người đi săn tôm hùm ngày. Tranh thủ lúc triều xuống, già trẻ kéo nhau ra biển săn tôm mắc cạn trong những gành đá.
Anh Diệp Nghĩa Hùng 45 tuổi, trưởng thôn Mỹ Hiệp giãi bày: Vùng biển Ninh Hải có nhiều bãi rạn san hô ít bị sóng đánh là môi trường lý tưởng cho con tôm hùm sinh sản từ tháng 11 đến tháng 3 âm lịch. Từ năm 1995 đến nay, bà con làng biển Mỹ Hiệp giảm nghèo nhờ nghề săn bắt tôm hùm giống. Toàn thôn có 110 hộ (756 nhân khẩu), trong đó có trên 95% số hộ chuyên nghề đi săn tôm hùm.
Vào mùa tôm rộ, trung bình mỗi đêm tối trời bà con săn bắt 300-500 con tôm hùm giống. Trong làng có 42 chiếc thuyền chuyên săn tôm bằng cách chong đèn lưới mành và trên 150 lao động lặn bắt tôm rạn san hô ở độ sâu 10-15 thước nước. Hiện nay, làng biển chuyên nghề săn bắt tôm hùm chỉ còn 10,9% hộ nghèo do già yếu, đông con. Năm 2000, số hộ nghèo ở thôn Mỹ Hiệp chiếm tới 18%. Bà con xây nhà, sắm xe máy, dựng vợ gả chồng cho con cái đều trông nhờ vào mùa khai thác con tôm hùm giống.
Anh Đỗ Văn Nhụy, 45 tuổi, một ngư dân có thâm niên trong nghề săn tôm đang chuẩn bị dầu đèn cho chuyến biển đêm, nói trong niềm vui: Gia đình tui có 3 cha con chèo chống trên chiếc thuyền máy 15 sức ngựa. Mỗi năm, nhờ có 5 tháng đánh bắt được con tôm hùm nên gia đình dư ăn dư mặc. Trung bình mỗi tháng trừ hết chi phí, gia đình tui còn có dư khoảng 10 triệu đồng. Hết mùa săn tôm hùm, tui quay sang đánh bắt cá nổi ven bờ.
Nghề săn tôm hùm hình thành tự phát đã trở thành nguồn thu nhập quan trọng của nhiều gia đình ngư dân. Tuy nhiên, thợ lặn tôm thường gặp nhiều bất trắc. Do ngậm ống hơi đội đèn ở dưới nước sâu lạnh lẽo cả đêm nên dễ bị kiệt sức. Có người bị vọp bẻ không trồi lên được phải giựt dây báo hiệu cho tài công cứu hộ. “Ngư dân mong muốn ngành thủy sản Ninh Thuận hướng dẫn về mặt kỹ thuật giúp bà con khai thác có hiệu quả và phòng tránh rủi ro trong nghề săn tôm hùm ở vùng biển địa phương”, Trưởng thôn Mỹ Hiệp kiến nghị.
Thái Sơn Ngọc