Về rừng U Minh nhớ nhà văn Sơn Nam

Về rừng U Minh nhớ nhà văn Sơn Nam

Không chỉ khi về với mảnh đất tận cùng biên giới Tây Nam, mà mỗi lần nói tới rừng U Minh là tôi nhớ đến nhà văn Sơn Nam. Đây là quê hương tuổi thơ lẫn quê hương văn học của ông, nguồn cảm hứng vô tận cho nhà Nam bộ học dựng nên nhiều sáng tác văn học, công trình nghiên cứu biên khảo giá trị về vùng đất mới phương Nam trước khi ông từ giã cõi đời cách đây tròn 8 năm, vào ngày 13-8-2008.

Nhờ hệ thống giao thông phát triển, đường về rừng U Minh thuận lợi, không còn khó khăn sình lầy như ngày xưa. Phong cảnh thiên nhiên, làng xóm và cuộc sống người dân từ U Minh Thượng đến U Minh Hạ đều đổi thay rất nhiều. Tuy nhiên, nhìn cảnh nhìn người U Minh, tôi vẫn thấy nhiều nét quen thuộc từng bàng bạc trên những trang viết giản dị mà sâu sắc đầy “hương rừng” của bậc tiền bối tài hoa nhưng lận đận Sơn Nam. Đứng giữa biển rừng xa xôi Tây Nam, tôi cảm thấy nhà văn như vẫn đang hiện diện đâu đây, với kính cận mũ diềm túi xách xắn quần lội bộ trên kênh rạch, bãi bùn. Sơn Nam như U Minh, mộc mạc và bí ẩn.

Rừng U Minh ngày nay

Chúng tôi cùng đoàn văn nghệ sĩ TPHCM về với rừng U Minh khi sinh nhật 90 tuổi và kỷ niệm 8 năm ngày mất của nhà văn Sơn Nam cận kề. Giấy khai sinh đề ngày 11-12-1926, nhưng theo lời mẹ của nhà văn Sơn Nam kể lại thì ông sinh giữa tháng 8 năm Bính Dần 1926. Do hoàn cảnh khắc nghiệt lúc ấy, đứa trẻ sau khi chào đời 3 tháng 10 ngày mà còn sống sót thì gia đình mới đến chính quyền làm giấy khai sinh. Tên cha mẹ đặt cho ông là Phạm Minh Tài, nhưng do cán bộ hộ tịch viết sai i thành y nên giấy khai sinh đề tên Phạm Minh Tày. Quê gốc ở cù lao Ông Chưởng thuộc tỉnh An Giang, từ đời ông nội chạy giặc Pháp qua Rạch Giá xuống U Minh lập nghiệp, nhà văn Sơn Nam là đời thứ ba của dòng họ Phạm gắn bó với vùng đất “Muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lềnh tựa bánh canh”.

Cái làng nhỏ Đông Thái ở rừng U Minh, nay thuộc huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang, ngoài nhà văn Sơn Nam còn là nơi nhà thơ, soạn giả Kiên Giang - Hà Huy Hà được sinh ra và hai ông trở thành bạn thân của nhau trên “trường văn trận bút” cho đến khi trở về với cát bụi. Làng Đông Thái nằm cách bờ biển ven vịnh Thái Lan chỉ vài cây số, nhưng tới lúc 10 tuổi Sơn Nam mới lần đầu thấy biển. “Bờ biển là bãi bùn hàng ki-lô-mét, đầy cây mắm, cây giá, muỗi mòng bay ào ào ngày như đêm, bước xuống thì lún ngang đầu gối. Rừng cũng vậy, mãn năm sình lầy, dưới bùn lố nhố những gốc cây đã chết hoặc cây sậy, đế, khá bén nhọn. Ấy thế mà người dân đi chân đất, gần như chẳng bao giờ bị thương tích đáng kể”, nhà văn Sơn Nam kể lại trong hồi ký của mình như vậy! Ông còn cho biết thêm: “Chung quanh nhà, nơi tôi chào đời, đầy lau sậy, luôn luôn có muỗi lại còn ong rừng (gọi ong mật). Hừng sáng, trẻ con dễ đói bụng, thường đi tìm đám lau sậy hoặc cây tạp là gặp tổ ong mật, ổ còn nhỏ ni tấc cỡ cái bánh tráng (bánh đa). Vắt mật ong, uống tại chỗ gọi là ăn điểm tâm, lát sau ra về, lừng khừng như kẻ say rượu vì mật ong có rượu, gây khó chịu lúc đói bụng” (Từ U Minh đến Cần Thơ của nhà văn Sơn Nam).

Sinh thời, trò chuyện với chúng tôi, nhà văn Sơn Nam còn cho hay: “Hồi nhỏ, tôi nhớ quê tôi có rất nhiều chim thú, đặc biệt là cọp, khỉ, heo rừng, nai, thỏ. Hơn năm cây số bờ rạch toàn đất úng, um tùm rừng tràm, cỏ lác, cỏ năn. Chẳng một ai thèm để mắt đến đất, chớ nói chi tới tranh chấp. Dân quê lại thường đồn đãi chuyện ma quỷ. Những lúc rảnh rang là họ tụm năm tụm ba rượu trà, đờn ca, thổi sáo và kể đủ chuyện, sau gom lại viết thành một truyện ngắn, cốt cho hấp dẫn. Và cứ thế, tôi liên tục khai thác nền văn minh miệt vườn trong các trang viết của mình”. Xóm nhỏ mà gia đình họ Phạm định cư có mấy mươi nóc nhà người Khmer. Nhà văn Sơn Nam có người bác ruột thứ hai giữ búi tóc, mù chữ, nhưng biết xem bói tướng, có duyên kể chuyện khẩn hoang, hay giao du với người Khmer, nói rành tiếng Khmer, kể chuyện cổ tích Khmer và thích lên đồng bóng mời thổ thần người Khmer nhập vào. Nhờ những câu chuyện từ ông bác Hai và người dân rừng U Minh mà sau này nhà văn Sơn Nam đã viết nên công trình Lịch sử khẩn hoang miền Nam và tập truyện ngắn Hương rừng Cà Mau. Khi sách xuất bản đầu thập niên 1960, nhà văn Sơn Nam gửi một cuốn từ Sài Gòn về quê tặng bác Hai, năm ấy đã 90 tuổi. Sau khi được một người cháu đọc sách của Sơn Nam cho nghe, bác Hai liền nhận xét tóm tắt để đứa cháu viết thư gửi lên Sài Gòn: “Thằng này nói dóc, nghe được quá. Nói dóc mà có căn cứ”. Nhận được thư ngắn của bác, nhà văn Sơn Nam hết sức cảm động và nghiệm ra nhiều lý lẽ về nghề văn: “Phải rồi, truyện ngắn, truyện kể gì gì đó đều là loại hư cấu. Nhưng hư cấu phải có căn. Có căn tức là mang cốt lõi hiện thực. Lời nhận xét của bác Hai khiến tôi hãnh diện với thâm tâm mình”.

Nhà văn Sơn Nam

Không chỉ gắn bó về đời sống tinh thần, mà nhà văn Sơn Nam còn chịu ơn người Khmer ở rừng U Minh. Nhà văn từng kể rằng, do mẹ ông hay đau yếu nên sinh ra ông thiếu sữa, ốm quặt quẹo. Có một phụ nữ Khmer tốt bụng tên Thị Cà-xúc ngày ngày đến cho bú mớm, thương ông như con ruột. Lớn lên học hành rồi đi xa, ông không được gặp lại bà nhũ mẫu người Khmer nữa. Nhớ ơn bà cùng những kỷ niệm ấu thơ với người Khmer, khi viết văn ông lấy bút hiệu với chữ Sơn đứng đầu. Sơn là một trong những họ lớn của người Khmer, còn Nam là phương Nam.

Rừng U Minh không chỉ là quê hương nghĩa tình, mà còn là nguồn cảm hứng vô tận cho nhà văn Sơn Nam viết nên nhiều tác phẩm vượt thời gian, mang đậm hơi thở nhịp sống vùng đất mới phương Nam từ thời khẩn hoang mở đất lập làng, chống chọi thiên nhiên khắc nghiệt và giặc ngoại xâm. Người ta hay nói rằng tuổi thơ thế nào thì văn chương thế ấy. Điều này rất đúng với trường hợp nhà văn Sơn Nam với tuổi thơ gắn bó với biển rừng xa xôi heo hút. Chất ngọc từ ký ức tuổi thơ ở U Minh, cộng với trí tưởng tượng phong phú và khả năng dựng truyện giản dị mà lôi cuốn, hấp dẫn, nhà văn Sơn Nam đã lần lượt cho ra đời mấy mươi tác phẩm quan trọng về đất và người phương Nam từ thời khẩn hoang, trong đó dấu ấn sâu đậm đầu tiên là tập truyện Hương rừng Cà Mau xuất bản năm 1962, kế đến là các tác phẩm Chim quyên xuống đất, Hình bóng cũ, Vọc nước giỡn trăng, Nói về miền Nam, Vạch một chân trời, Văn minh miệt vườn, Lịch sử khẩn hoang miền Nam, Đất Gia Định xưa, Cá tính miền Nam… Về kỹ thuật cầm bút, nhà văn Sơn Nam cho hay: “Tôi chọn cho mình cách viết truyện theo kiểu dã sử hiện đại và khảo cứu về lịch sử khẩn hoang vùng đất mới Nam bộ. Cách viết này được nhiều độc giả quan tâm, lại không khiêu khích chánh quyền đương thời. Người đọc tinh tế cũng dễ nhận ra sự đánh động tinh thần yêu nước, tưởng nhớ cội nguồn tiên tổ trong những trang viết của tôi”.

Cũng từ U Minh, ông đã dấn thân vào con đường cách mạng từ thời Thanh niên Tiền phong năm 1945, rồi lên Sài Gòn sau Hiệp định Geneva năm 1954, theo đuổi lý tưởng cầm bút và hoạt động công khai giữa muôn trùng nguy nan, trở thành một nhà văn hóa tiêu biểu của Sài Gòn và Nam bộ nửa sau thế kỷ XX. Hơn nửa thế kỷ kể từ chuyến xe đò rời quê hương U Minh thân thuộc cuối trời Tổ quốc lên Sài Gòn đô hội xa lạ, ông đã hóa thân vào cát bụi để lại bao niềm thương tiếc khôn nguôi về hình ảnh đáng kính của “Ông già đi bộ”, “Ông già Nam bộ”, “Ông già Ba Tri”… và pho từ điển sống của lịch sử văn hóa Sài Gòn - Nam bộ.

Mỗi khi nghĩ về nhà văn Sơn Nam, tôi hay liên tưởng đến hình ảnh con người cần mẫn gom nhặt bụi vàng tinh hoa để dâng hiến cho Sài Gòn và Nam bộ, cũng chính là dâng hiến cho nền văn hóa vĩnh cửu của dân tộc này. Rừng U Minh chính là mỏ vàng khởi nghiệp của ông. Với tôi, ông luôn là huyền thoại, một huyền thoại của rừng U Minh và đất phương Nam. Cách đây 5 năm, vào ngày 13-8-2011, tròn 3 năm sau ngày “bố già” từ giã cõi trần, tôi đã hoàn thành bài thơ dài Bụi vàng Sơn Nam tưởng nhớ ông, trong ấy có đoạn day dứt về sự lận đận của một bậc tài danh: Nửa đời bơi xuồng/ nửa đời cuốc bộ/ một thời bưng biền/ một thời phố xá/ bụi vàng đầy dần/ núi vàng cao dần / theo từng trang sách của ông/ Những trang sách vàng ròng làm giàu tâm hồn bao thế hệ/ không nuôi nổi người thợ chăm chỉ tài hoa tới khi trở về đãi cát phía hư vô.

PHAN HOÀNG

Tin cùng chuyên mục