Về thủ phủ hành tím

Về thủ phủ hành tím

Có thể nói huyện Vĩnh Châu (Sóc Trăng) là thủ phủ của củ hành tím cả nước với diện tích khoảng 5.000ha, hơn 5.000 hộ trồng hành và gần 2.000 hộ sinh sống bằng nghề làm thuê trên những cánh đồng củ hành lúc vào mùa. Mặt hàng nông sản này đã trở thành đặc sản độc đáo của Vĩnh Châu, hiện đã có thương hiệu “hành tím Vĩnh Châu” nổi tiếng trong và ngoài nước. Mỗi năm cung ứng cho thị trường nội địa và xuất khẩu sang Nhật Bản, Indonesia trên dưới 50.000 tấn.

1- Từ TP Sóc Trăng, theo tỉnh lộ 38 tôi về Vĩnh Châu trong một sáng tinh mơ, tiết trời lành lạnh, cánh đồng lúa đang trổ đòng. Tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự thay đổi quá nhanh ở nơi này. Con đường tráng nhựa phẳng lì, nhà cửa hai bên đường khang trang, hiện đại. Khó mà tìm ra những khung cảnh lần trước tôi đã đi qua. Đường sá mở lớn thênh thang, chia 4 làn xe, có dải phân cách bồn hoa trồng dài theo đường, hoa nở lung linh trong gió sớm. Con đường càng đẹp hơn, nhộn nhịp hơn khi bà con Khmer nơi đây nhộn nhịp đón Tết cổ truyền Đôn Ta 2010. Khi trời chưa sáng tận mặt, bà con xóm trên, xóm dưới đã nô nức đi chùa. Ai nấy đều ăn mặc đẹp, trên tay xách cái cà mèn đựng cơm canh đến chùa. Mọi người để thứ tự từng cà mèn cơm trong sa la, nơi các ông Lục độ cơm, rồi ngồi chỉnh tề chờ đến giờ cúng.

Trộn phấn hành không mang bao tay, khẩu trang, mắt kiếng như thế này, rất dễ gây mù mắt. Ảnh: KHA ĐIỀN

Trộn phấn hành không mang bao tay, khẩu trang, mắt kiếng như thế này, rất dễ gây mù mắt. Ảnh: KHA ĐIỀN 

Dù phải chờ lâu, nhưng ai cũng muốn đến sớm để tỏ lòng thành kính với đấng ơn trên, với ông Lục, với ông bà cha mẹ đã khuất. Họ cầu nguyện cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, dân làng được khỏe mạnh, làm ruộng trúng mùa, giàu có. Sau khi các ông Lục tụng kinh xong, mọi người dọn thức ăn ra, quây quần trong sa la, cùng ăn cơm, chúc mừng năm mới.

Tôi cùng bà con đến chùa Cà Xăng ở ấp Cà Xăng xã Vĩnh Châu huyện Vĩnh Châu đón Tết Đôn Ta. Chùa Cà Xăng đã tồn tại hơn 400 năm. Ngôi chùa này cũng là căn cứ cách mạng, nuôi giấu cán bộ trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Tại đây, tôi gặp lại Anh hùng LLVTND Lâm Tương, người đã từng được chùa Cà Xăng che chở, nuôi giấu suốt thời gian hoạt động cách mạng tại đây.

Anh hùng Lâm Tương kể lại: “Lúc nào trong chùa cũng có 5 - 7 cán bộ cách mạng tá túc, hòa thượng trụ trì Lý Thi cùng với 3 vị tỳ kheo trong chùa đều là đảng viên, do vậy phong trào cách mạng tại xã Vĩnh Châu lúc bấy giờ lúc nào cũng mạnh mẽ, tạo niềm tin cho người dân. Với sự đóng góp cho sự nghiệp cách mạng đáng kể như vậy, chùa Cà Xăng đã vinh dự đón tiếp Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh vào thăm. Đây là niềm tự hào của tất cả người dân Vĩnh Châu”.

2- Trong không khí vui tươi của Tết Đôn Ta tại chùa Cà Xăng, tôi gặp lại những người mù mà tôi đã tiếp xúc vào vụ thu hoạch củ hành tím mùa trước. Anh Lý Thợt siết chặt tay tôi, hớn hở: “Tôi cùng nhiều bà con được các nhà hảo tâm đưa lên TPHCM mổ mắt miễn phí. Nhờ vậy, một số người mù ở Vĩnh Châu đã được sáng mắt. Nhưng anh Lý Thợt cũng không khỏi ngậm ngùi cho biết còn có hơn 300 người mù mắt vĩnh viễn, vì điều trị không kịp thời. Hơn nữa, do phải trộn phấn củ hành bằng hóa chất độc hại nên mỗi năm lại phát sinh số người mù mới”.

Anh Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Châu, bày tỏ: “Người mù nghèo ở đây là nỗi băn khoăn không chỉ của lãnh đạo huyện Vĩnh Châu mà của cả tỉnh Sóc Trăng. Nhiệm vụ hàng đầu luôn được đặt ra là làm sao cho người dân Vĩnh Châu thoát khỏi cảnh mù lòa, nghèo khổ. Huyện đã chỉ đạo ngành y tế huyện phổ biến rộng rãi tình hình độc hại của các hóa chất dùng trộn phấn củ hành, đồng thời cương quyết cấm dùng chất DDT để làm phấn hành… Hướng dẫn bà con cách phòng ngừa, khi trộn phấn phải mang găng tay, đeo khẩu trang, đeo kính bảo hiểm. nhờ vậy mà hiện nay tình trạng người mù đã giảm. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của nhiều năm qua để lại, số người mù tại Vĩnh Châu vẫn còn nhiều, trên dưới 1.000 người”.

Theo anh Lý Bình Cang, Phó Chủ tịch Thường trực UBMTTQ VN tỉnh Sóc Trăng, có 5 nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng người dân Vĩnh Châu bị mù. Trước tiên, vùng đất cát Vĩnh Châu bị nhiễm nhiều thành phần độc hại, cát bay vào mắt gây mù; kế đến nguồn nước ngầm và nguồn nước sông đều bị ô nhiễm; ba là ý thức vệ sinh cá nhân còn kém; thứ tư, dùng hóa chất làm phấn hành tràn lan.

Dạo quanh chùa Cà Xăng, tôi gặp một phụ nữ tuổi ngoài 50, một mắt đã mù, mắt còn lại cũng chỉ thấy lờ mờ, bà đi chậm chạp dưới sự dẫn dắt của đứa cháu nội lên 10 tuổi. Bà đứng lại nghe tôi hỏi thăm, vừa lấy vạt áo lau mắt vừa nói: “Tranh thủ vô phấn hành cho người quen từ lúc mặt trời chưa lên để sáng ra kịp đi cúng chùa”. Tôi ái ngại nhìn vạt áo của bà dính nhiều phấn hành chắc đã trộn cả khuya nay. Bà nói tiếp: Tôi bị mù một mắt ngót 7 năm rồi, mắt còn lại chỉ thấy lờ mờ, được các nhà hảo tâm đưa đi TPHCM để mổ, nhưng không sáng được nữa. Nhà tôi có đến 3 người mù. Ở xứ này không làm hành tím, biết làm gì để sống”.

3- Câu nói của bà khiến tôi nhớ lại lần trước, tôi đến Vĩnh Châu khi nơi này đang rộ mùa thu hoạch củ hành tím. Khắp trên cánh đồng, nơi đâu cũng rộn ràng người khiêng kẻ vác, tất bật ngược xuôi. Hầu như nhà nhà ra đồng, kể cả trẻ em cũng có mặt, người không trồng củ hành thì ra đồng làm thuê. Dẫu nhọc nhằn mồ hôi thấm ướt lưng áo nhưng trên mặt ai cũng đều rạng rỡ nụ cười, mừng thành quả lao động sau những ngày nhọc nhằn trên cánh đồng mưa nắng.

Nắng chiều đã tắt từ lâu, gió chiều mát rượi, thoang thoảng nhẹ đưa mùi nồng nàn cay cay, mùi hương độc đáo của củ hành tím, mới thoáng qua nó mộc mạc mà đậm đà, khiến khách phương xa, dù chỉ một lần đến đây cũng không thể nào quên cái hương vị quyến rũ của thủ phủ củ hành Vĩnh Châu không nơi nào có được.

Trời càng chiều, người ta ra đồng ngày càng nhiều, thương lái khắp nơi đổ về mua bán củ hành cũng đông hơn. Anh Lý Thợt ở ấp Đại Bái xã Lạc Hòa, đang đẩy chiếc xe ba gác chở đầy củ hành vừa thu hoạch, cho biết củ hành tím vào những ngày đầu vụ được giá, nên có lãi từ 30 - 50 triệu đồng/ha. Nhờ củ hành tím, Vĩnh Châu đã thay da đổi thịt, nhiều căn nhà tường lợp ngói lần lượt mọc lên, trong nhà có đầy đủ bàn ghế, sa lon, tủ lạnh, ti vi… thay cho những căn nhà lá nghèo nàn trống trước dột sau những năm về trước”. Lý Thợt dừng xe lại nghỉ mệt, đôi mắt hấp háy nhìn một người phụ nữ đi ngang qua. Anh lên tiếng hỏi: “Thím Bảy Hân đó hả, nhắn giùm chị Năm Thư ngày mai đến nhà tui vô phấn hành”.

Nói xong, Lý Thợt quay sang tôi, giọng ưu tư: “Hành tím muốn giữ lại 4 - 5 tháng để làm giống phải “vô phấn” mới không bị thúi”. Thấy tôi có vẻ không hiểu, Lý Thợt giải thích: “Vô phấn là dùng bột đất pha trộn với mấy thứ hóa chất để ướp củ hành, làm như vậy củ hành để được rất lâu, không hư”. Chợt Lý Thợt lắc đầu ngán ngẩm: “Mắt tôi do ảnh hưởng phấn hành nên ngày càng mờ quá. Ở đây, người trồng hành tím bị mù nhiều lắm”.

4- Tôi tìm đến nhà một người chuyên bán củ hành giống, gặp lúc vợ anh đang trộn củ hành với bột đất sét trắng mua tận Đồng Nai, Bình Dương. Cứ 1 tấn củ hành trộn 1 bao bột đất 40kg với 2 hoặc 3 hay 4kg hỗn hợp mipcin với metil, tùy theo mình muốn để lâu hay mau. Sau khi vô phấn, củ hành để cả năm cũng không sao. Tôi để ý thấy vợ anh đang trộn phấn hành mà không mang găng tay, cũng không đeo khẩu trang, thỉnh thoảng chị còn đưa tay dụi mắt và quẹt mồ hôi trán. Tôi hỏi anh sao không cẩn thận trong việc giữ gìn vệ sinh, phòng ngừa mù mắt, anh trả lời tỉnh rụi: “Ai cũng vậy, quen rồi”.

Điều đáng nói là 2 kệ để củ hành giống đang vô phấn, được kê ngay bên cạnh giường ngủ và bàn ăn cơm. Việc này được chủ nhà lý giải: “Nhà chật chội quá, tranh thủ còn chỗ nào trống thì làm, chớ biết mang đi đâu bây giờ”.

Rời Vĩnh Châu, tôi ra về với nỗi niềm băn khoăn trĩu nặng. Cần lắm những tấm lòng vì người mù nghèo ở Vĩnh Châu, giúp họ giữ lại ánh sáng từ đôi mắt. Nhưng nếu vẫn như tình hình hiện nay, việc canh tác, sinh sống cứ theo lối quen từ xa xưa thì không bao giờ Vĩnh Châu hết người mù. Cứ thế hệ này qua đi, thế hệ khác lại “kế tục” mù lòa. Rõ ràng ý thức vệ sinh cá nhân và sự tự phòng ngừa bệnh tật của bà con nơi đây, cụ thể là những người vô phấn hành còn quá thấp, cũng như bế tắc trong chuyện tìm loại hóa chất khác, an toàn hơn để thay thế.

Thiết nghĩ cần có một cuộc hội thảo khoa học về việc bảo quản củ hành giống và hệ lụy mù mắt của những người trong cuộc. Từ đó đưa ra phương pháp hữu hiệu nhất, an toàn nhất cho người trồng củ hành tím Vĩnh Châu.

NGUYỄN TƯỜNG LỘC

Tin cùng chuyên mục