Vết thương nhức nhối

Dù các cuộc biểu tình dẫn đến bạo lực tại Mỹ sau phán quyết của tòa án về vụ cảnh sát bắn chết thiếu niên da đen đã phần nào lắng dịu, nhưng tâm lý lo sợ bị trả thù đã khiến người Mỹ đổ xô đi mua súng để phòng bất trắc.

Theo Channel News Asia, báo cáo thống kê của trường bắn Ultimate Defense, một trong số những trường bắn và trung tâm đào tạo bắn súng hàng đầu ở St Peters, cho biết trước đây Ultimate Defense thường chỉ bán được 3 - 5 khẩu súng/ngày. Nhưng những tuần gần đây, mỗi ngày số lượng súng bán ra lên đến khoảng 20 - 30 khẩu. Đêm thứ hai sau phán quyết của tòa án về vụ Ferguson, Ultimate Defense đã bán 21 khẩu súng ngắn trong 3 giờ đầu mở cửa. Trong ngày 25-11, số lượng súng đạn bán ra tại Ultimate Defense tăng vọt tới 33 khẩu súng và 18.000 viên đạn.

Các vụ cảnh sát tấn công người da màu ở Mỹ không phải chuyện hiếm, song vụ Ferguson lại có những điểm đặc biệt khác dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Trước tiên, đây là khu vực tồn tại sự phân biệt chủng tộc tồi tệ nhất nước Mỹ, quan hệ chủng tộc căng thẳng nhất trong khu vực. Theo số liệu thống kê điều tra dân số Hoa Kỳ, các khu vực thuộc Ferguson xếp vị trí thứ 9 trong danh sách các đô thị có nạn phân biệt chủng tộc nghiêm trọng nhất Mỹ. 25 năm trước đây, người da trắng chiếm 74% tổng dân số, nhưng hiện nay người da màu chiếm tới 68% dân số, chỉ số mâu thuẫn cũng theo đó tăng lên. Báo cáo thường niên năm 2013 của Cơ quan tư pháp Missouri cho biết chỉ riêng ở Ferguson, cảnh sát ngẫu nhiên chặn đường tra xét người da màu gấp 2 người da trắng; tỷ lệ người da màu đi xe bị cảnh sát chặn lại lên tới 92% và bị bắt lên đến 93%. Đây là ngòi nổ chính cho thùng thuốc súng kỳ thị ở Ferguson.

Thứ đến, việc phân phối quyền quản lý địa phương chênh lệch làm trầm trọng thêm sự đối kháng chủng tộc, quan chức và dân chúng ngờ vực lẫn nhau dẫn tới bất bình đẳng xã hội giữa các nhóm dân tộc khác nhau ở Hoa Kỳ. Theo báo chí Mỹ, khoảng 2/3 số dân cư Ferguson là người da đen, nhưng thị trưởng và cảnh sát trưởng là người da trắng. Trong số 6 ủy viên hội đồng thành phố chỉ có 1 người da đen; hội đồng quản trị trường học địa phương có 6 người da trắng; 53 sĩ quan cảnh sát trong thành phố, chỉ có 3 người da đen. Tờ New York Times từng có bài phân tích về tình trạng bất bình đẳng này với bài viết có tiêu đề “Ferguson: thành phố của người da đen, người da trắng cầm quyền”.

Một điểm khác là trong bối cảnh sự phục hồi kinh tế Mỹ đang chậm, khoảng cách bất bình đẳng thu nhập mở rộng, làm trầm trọng thêm xung đột chung. Theo tạp chí Fortune, tỷ lệ thất nghiệp của người da trắng là 6,2% tại St.Louis, trong khi của người Mỹ gốc Phi cao đến 26%, là tỷ lệ chênh lệch cao nhất toàn nước Mỹ. Ngoài ra, điều kiện giáo dục, y tế rất lạc hậu và người da đen luôn thua thiệt so với người da trắng. Đây là một trong những nguyên nhân gốc rễ dẫn đến xung đột chủng tộc nghiêm trọng.

Nỗi lo sợ bị trả thù chỉ là hiện tượng bề mặt, ẩn sâu bên dưới vẫn là mối xung đột giữa cộng đồng người da trắng và da màu ở Ferguson nói riêng và toàn nước Mỹ nói chung. Từ phản ứng quyết liệt của người dân sau phán quyết ở Ferguson người ta dễ dàng nhận ra kỳ thị chủng tộc vẫn là vết thương nhức nhối của xã hội Mỹ: Cực dễ tái phát mà cực khó lành lặn!

VIỆT ANH

Tin cùng chuyên mục