Vì quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Một dự án kinh doanh xe buýt phá sản

Ông Trần Tiến Lợi, Giám đốc Công ty TNHH Thái Hòa (trụ sở tại số 100 đường Nguyễn Chí Thanh, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắc Lắc) vừa gặp gỡ báo giới để thông báo về việc khiếu nại Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Huỳnh Đức Hòa đã ký văn bản sai luật, khiến đề án xe buýt tại tỉnh Lâm Đồng của công ty này phá sản.

Ông Trần Tiến Lợi, Giám đốc Công ty TNHH Thái Hòa (trụ sở tại số 100 đường Nguyễn Chí Thanh, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắc Lắc) vừa gặp gỡ báo giới để thông báo về việc khiếu nại Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Huỳnh Đức Hòa đã ký văn bản sai luật, khiến đề án xe buýt tại tỉnh Lâm Đồng của công ty này phá sản.

Đầu tư 23 tỷ đồng khai thác... 5 tháng

Ông Trần Tiến Lợi kể lại: Nhận thấy tuyến đường từ TP Đà Lạt đi thị xã Bảo Lộc dài 115km có cơ hội kinh doanh thành công, đồng thời nhằm cải thiện phương tiện đi lại cho người dân nên công ty bỏ ra 23 tỷ đồng để khảo sát, xây dựng đề án, hoàn tất thủ tục pháp lý, đồng thời mua 36 chiếc xe buýt kinh doanh trên tuyến đường này trong thời hạn 7 năm.

Ngày 12-1-2007, ông Hoàng Sĩ Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, có văn bản chấp thuận cho công ty “được tổ chức khai thác vận tải khách công cộng bằng xe buýt trên tuyến đường Đà Lạt - Bảo Lộc và ngược lại”. “Ngày 9-2-2007, chúng tôi khai trương tuyến xe. Hiệu quả kinh doanh tốt, khi mỗi ngày doanh thu gần cả trăm triệu đồng” - ông Trần Tiến Lợi nói.

Nhưng gần 5 tháng sau, ngày 5-7-2007, ông Huỳnh Đức Hòa, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, ký văn bản số 4436 “về việc phê duyệt phương án tổ chức khai thác vận tải khách công cộng bằng xe buýt trên một số tuyến nội tỉnh”. Theo đó, tỉnh vẫn cho phép Công ty TNHH Thái Hòa khai thác tuyến đường Đà Lạt - Bảo Lộc, nhưng cũng đồng thời cho phép Công ty TNHH Phương Trang Đà Lạt khai thác tuyến Đà Lạt - Đại Lào.

“Đại Lào là một xã của thị xã Bảo Lộc, mà từ Đà Lạt đến Bảo Lộc dài 110km chỉ có tuyến độc đạo là quốc lộ 20. Như vậy văn bản của chủ tịch UBND tỉnh buộc hai công ty cùng khai thác một tuyến. Đó là xe dù chứ đâu còn xe buýt, vì tranh giành khách lẫn nhau, điều này trái với quy định của pháp luật” - ông Trần Tiến Lợi bức xúc và gửi đơn cầu cứu khắp nơi.

Phá sản

Được biết, ngày 15-6-2007, UBND thị xã Bảo Lộc gửi công văn lên UBND tỉnh Lâm Đồng: “Đề nghị UBND tỉnh chưa cấp phép khai thác tuyến Bảo Lộc - Đà Lạt và ngược lại cho doanh nghiệp khác” ngay sau khi Công ty Phương Trang có tờ trình tuyến xe buýt Đà Lạt - Đại Lào.

Cùng ngày, ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Cục trưởng Cục Đường bộ khi đó, có công văn gửi tỉnh Lâm Đồng, nêu rõ: “Có thêm doanh nghiệp Phương Trang đăng ký vào cùng khai thác là trái quy định hiện hành, đồng thời gây mất ổn định tình hình hoạt động vận tải trên tuyến xe buýt này. Cục Đường bộ Việt Nam đề nghị tỉnh Lâm Đồng nghiêm túc thực hiện dự án đã được phê duyệt cho Công ty TNHH Thái Hòa tổ chức khai thác trên tuyến Đà Lạt- Bảo Lộc và ngược lại”.

Sau đó, ngày 3-7-2007, ông Dương Thanh Tương, lúc đó là Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắc Lắc, người trực tiếp giới thiệu Công ty TNHH Thái Hòa qua đầu tư tại tỉnh Lâm Đồng, cũng có công văn, nêu: “Lo ngại rằng việc khai thác trùng tuyến có thể dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, gây khó khăn hoạt động xe buýt và thiệt hại kinh tế của doanh nghiệp, UBND tỉnh Đắc Lắc đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng xem xét vấn đề trên và quan tâm tạo điều kiện cho doanh nghiệp Thái Hòa hoạt động ổn định, đầu tư phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh”.

Tuy nhiên, tất cả các đề xuất, kiến nghị trên đều không được UBND tỉnh Lâm Đồng thực hiện. 3 tháng sau, Công ty TNHH Thái Hòa phải dẹp toàn bộ 36 xe buýt và gửi bán lại ở Nha Trang, Bình Dương, Bình Phước. Toàn bộ đề án đầu tư khai thác xe buýt tại tỉnh Lâm Đồng bị phá sản, số tiền mà doanh nghiệp đã đầu tư hầu như mất trắng.

Ông Trần Tiến Lợi cho biết: “Hiện nay chúng tôi chỉ bán được 6 chiếc xe, số xe còn lại vẫn gửi nhờ người ta bán giùm”. 

LƯƠNG THIỆN – QUỐC HÙNG

Tin cùng chuyên mục