
Việc Công ty Tư vấn du học AS Song Du tư vấn sai sự thật, đẩy nhiều du học sinh sang học tại trường gọi là đại học Mỹ tại Bắc Síp (Girne America University – viết tắt GAU) thuộc Thổ Nhĩ Kỳ để rồi lâm vào cảnh dở khóc dở cười đã được Báo SGGP và một số tờ báo khác lên tiếng từ cuối năm 2004. Trong bài “Cần làm rõ những hoạt động của Công ty Song Du” trên số báo ra ngày 3-12-2004, Báo SGGP đã nêu rõ những hoạt động sai trái của Công ty Song Du. Thế nhưng đến nay, AS Song Du vẫn tiếp tục hoạt động tư vấn du học. Ai sẽ là nạn nhân kế tiếp?
- “Tiền mất, tật mang”!

Các phụ huynh và sinh viên đến Phòng Tiếp bạn đọc Báo Sài Gòn Giải Phóng để trình bày sự việc liên quan đến công ty dịch vụ du học. Ảnh: TR.TH.
Cho đến nay, có 11 du học sinh đăng ký học ở GAU đã lần lượt trở về nước chỉ sau 2 tháng đến du học tại Trường GAU. Phụ huynh đã đồng loạt gởi đơn đến các cơ quan Công an quận Phú Nhuận TPHCM, Sở Giáo dục-Đào tạo TP, Sở Kế hoạch-Đầu tư TP và Lãnh sự Thổ Nhĩ Kỳ tại Việt Nam để tố cáo kiểu kinh doanh tư vấn “treo đầu dê, bán thịt chó” của Công ty Song Du.
Vừa về VN vào ngày 20-1-2005 vừa qua, hai du học sinh B.Q.Q.T và H.T.T cho biết lý do họ chịu mất gần 6.000 USD tiền học phí lẫn tiền dịch vụ du học: “Học không có hiệu quả mà chi phí sinh hoạt lại quá cao, càng ở càng mất tiền”. Em H.T.T cho biết, chỉ riêng tiền nhà và sinh hoạt phí ở Bắc Síp đã lên đến trên 1.000USD mỗi tháng. Em bức xúc: “Dù muốn ở lại học Anh văn để đỡ tiếc tiền nhưng ở Bắc Síp không có môi trường giao tiếp tiếng Anh, ngay trong lớp học Anh văn của tôi có đến 24/25 học sinh người Thổ Nhĩ Kỳ, chẳng thể trao đổi gì với các bạn cùng lớp”.
Nhiều du học sinh trở về, không chỉ mất tiền mà còn mất nhiều thứ khác: Chị N.T.T.H, một dược sĩ, đã từ bỏ gia đình, bạn bè và chức vụ quyền giám đốc một xí nghiệp dược để sang GAU học với hy vọng lấy bằng thạc sĩ, còn 2 em Đ.Q.H và H.T.M.K coi như mất một năm học phổ thông trong lúc bạn bè các em vẫn đến lớp học tập ổn định. Những du học sinh còn ở lại cũng lâm vào thế tiến thoái lưỡng nan, ở không xong, về thì mất tiền, trong đó có gia đình phải vay ngân hàng đến hơn trăm triệu đồng…
- Song Du vẫn hoạt động, ai sẽ tiếp tục là nạn nhân?
Tiếp xúc với chúng tôi, Giám đốc Công ty AS Song Du, bà Lê Thiều Hạnh, thừa nhận bà chưa một lần đến Bắc Síp. Cơ sở mà công ty của bà tư vấn là tài liệu của trường (đĩa CD Rom, brochure) và thông tin từ du học sinh. Bà Hạnh còn cho biết, thông tin từ du học sinh đều cho rằng tình hình học tập tại GAU rất thuận lợi, chỉ có một cá nhân xách động và lôi kéo phụ huynh khác.
Thế nhưng, những thư phản ánh của du học sinh và phụ huynh gởi đến công ty lại cho thấy tình hình khác hẳn. Trong thư gởi Công ty Song Du khi mới đến Bắc Síp vào tháng 7-2004, chị N.T.T.H, một du học sinh đã viết: “Ngày đầu tiên đến đất nước này, H. vô cùng hụt hẫng…”. Chị H. cũng đề nghị công ty không nên tiếp tục đưa du học sinh sang, thế nhưng AS Song Du vẫn tiếp tục đưa du HS sang hết đợt này đến đợt khác.
Trao đổi với chúng tôi khi vừa về nước, du học sinh N.T.TH bức xúc nói: “Một môi trường như thế, người trưởng thành như chúng tôi còn không chịu nổi, thế mà họ lại đưa các em chỉ mới 15-16 tuổi sang, nếu không vì lợi nhuận thì là gì?”. Bà Evira Sabirova, đại diện Trường GAU, đã trả lời phụ huynh của du học sinh N.N.T rằng trường không đảm bảo việc đại sứ Mỹ cấp visa cho du học sinh chuyển tiếp qua Mỹ. Trường GAU chỉ giúp đỡ bằng cách cung cấp những tài liệu cần thiết. Chuyện như thế, lẽ nào Công ty Song Du không biết, nhưng công ty vẫn tiếp tục tư vấn và đưa hàng loạt du học sinh sang Bắc Síp.
Một trong những công ty tư vấn từng thực hiện hợp đồng đưa học sinh sang Trường GAU là Công ty Tư vấn du học Âu-Á-Mỹ (279 Phan Đình Phùng, Phú Nhuận). Sau khi nghe phản ánh từ du học sinh, Công ty Âu-Á-Mỹ đã ngưng hoàn toàn việc tư vấn thị trường du học này. Ông Nguyễn Minh Giảng, nhân viên Âu-Á-Mỹ, thừa nhận: “Chúng tôi chỉ đưa sang Trường GAU một trường hợp duy nhất là H.P.T nhưng người thực hiện chính vẫn là Công ty Song Du vì Âu-Á- Mỹ không phải là đại lý của Trường GAU”.
Điều lạ là các trường hợp du học do Công ty Song Du “tư vấn” đều không cần điều kiện học lực, như trường hợp của học sinh M.K. bị thi lại 2 môn ở lớp 11, M.P.T bị mất học bạ… nhưng vẫn được Trường GAU chấp nhận (?!). Đáng ngờ hơn là vì sao đại diện Trường GAU bắt du HS trước khi về nước phải ký cam kết không kiện Công ty Song Du?
Bức xúc trước thái độ “đem con bỏ chợ” và phớt lờ những phản ứng của du học sinh, nhiều phụ huynh đã đến văn phòng mới của Công ty Song Du ở số 636 đường Điện Biên Phủ quận 10 để cảnh báo những người có ý định đến nhờ công ty này “tư vấn”. Tại văn phòng mới, Công ty Song Du vẫn công bố lĩnh vực kinh doanh như xuất nhập khẩu, thương mại và cả lĩnh vực tư vấn du học! Vì sao cho đến nay, các cơ quan quản lý nhà nước như Sở Giáo dục-Đào tạo TPHCM, Sở Kế hoạch-Đầu tư chưa vào cuộc.
LÂM VY