Vì sao cầu thủ bị hành hung?

Liên tục thời gian gần đây, cầu thủ trở thành nạn nhân của những màn thanh toán theo kiểu xã hội đen. Hai tháng trước, trung vệ Chí Công của Bình Dương bị một nhóm người vây chém đến đứt gân tay vào buổi tối sau trận đấu. Mới đây, dù không tham gia thi đấu nhưng một cầu thủ của Thanh Hóa bị đánh ngay trước sân Hàng Đẫy - Hà Nội. Hôm 2-6, ở Nha Trang, trung vệ Phạm Hùng Dũng (đội Thanh niên Sài Gòn) bị đâm ngay tại khách sạn vào buổi sáng sớm, sau trận bán kết giải hạng nhì.

Cả 3 vụ việc trên đều chưa có kết luận cuối cùng về nguyên nhân các cầu thủ bị tấn công nhưng có đến 90% là xuất phát từ các trận đấu. Điều đó cho thấy mức độ nguy hiểm của nghề cầu thủ hiện nay dù họ có thực sự liên quan đến kết quả thi đấu hay không. Nếu các cầu thủ cố ý tác động làm sai lệch kết quả trận đấu thì rất cần sự can thiệp kịp thời của các cơ quan chức năng để ngăn ngừa hành vi tiêu cực trong thể thao.

Còn nếu không liên quan thì cũng cần xem đây là lời cảnh báo về xu hướng tiêu cực xã hội để từ đó đề ra những giải pháp bảo vệ những người đang hoạt động trong môi trường bóng đá ngày càng phát sinh nhiều yếu tố phức tạp cần được uốn nắn.

Có một thực tế là hiện nay, các giải đấu ở Việt Nam, nhất là V-League, đã được đưa vào hệ thống cá cược bóng đá quốc tế. Tất nhiên, ở nước ta hoạt động này là bất hợp pháp. Tuy nhiên, đây là một ngành kinh doanh có lợi nhuận khổng lồ. Và từ đó chuyện các chiếc “vòi bạch tuộc” từ giới cá độ len vào những trận đấu tại nước ta là có thể xảy ra. Hơn nữa, từ sau những vụ án tiêu cực được đưa ra ánh sáng năm 2005 đến nay chưa có ai dám khẳng định bóng đá Việt Nam đã “sạch” hoàn toàn. Trong một môi trường như vậy, những hoạt động bất hợp pháp càng dễ lây lan.

Sự phức tạp của bóng đá Việt Nam còn đến từ bản thân của mô hình chuyên nghiệp đang được thử nghiệm. Do bóng đá không đem lại doanh thu nên hiện đang xuất hiện một xu hướng không tích cực là các doanh nghiệp sau khi đạt được mục tiêu quảng bá thương hiệu thì thường không còn dành nhiều sự quan tâm đến CLB nữa. Nhiều ông bầu thậm chí còn giao đội bóng cho các trợ lý của mình mà nhiều người trong số này không có sự am hiểu bóng đá sâu sắc. Sự quản lý không chặt chẽ, cầu thủ được “cưng chiều”, cộng thêm những mối quan hệ phức tạp ngoài xã hội là một khoảng cách rất gần để phát sinh các hành vi tiêu cực trong thể thao.

Vì vậy, có lý do để người ta tin rằng các sự kiện cầu thủ bị tấn công nói trên có thể từ chuyện thua độ ở các trận đấu. Cũng chẳng loại trừ việc các cầu thủ của chúng ta gián tiếp tham gia. Đây là hệ quả của một quá trình phát triển rất nhanh của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam nhưng lại thiếu các biện pháp kiểm soát cũng như những cơ chế, quy định theo kịp đời sống đa dạng và phức tạp ảnh hưởng đến bóng đá. 

T.VIỆT

Tin cùng chuyên mục