Những “đứa con” bị từ chối
Bạn bè gặp nhau, sau một hồi hàn huyên, vài đứa thân thiết bỏ nhỏ: “Nói thiệt nhé nhà biên kịch, lâu nay mình chỉ coi kênh nước ngoài, không coi phim Việt nổi”. Đứa khác được dịp xổ một tràng: “Lúc đầu mình cũng thích phim truyền hình vì có vài phim khá, nhưng càng về sau càng nhạt. Phim rất ít hành động, cảnh trí nghèo nàn, quanh đi quẩn lại trong mấy cái biệt thự, quán sá, các nhân vật cứ ngồi sa-lông nói tới nói lui, tập sau kể lại tập trước rồi nêu cảm xúc; diễn viên đơ như người máy, thợ diễn…”. Một đứa dứt điểm: “Phim Việt càng coi càng mỏi miệng. Mỗi lần mình coi, những người xung quanh không ai chịu nổi, một hồi họ quay qua chửi mình luôn!”.
Ngồi nghe bạn trút hết ấm ức, tôi chỉ còn biết thở dài. Vài hôm sau gặp đồng nghiệp, bạn thú nhận: “Bán xong kịch bản rồi là thôi. Phim lên sóng không dám coi lại vì kịch bản mình viết một đằng họ làm một nẻo, không nhận ra con của mình luôn”. Nghe bạn nói cảm giác như mình bị người ta mắng mỏ, chì chiết, khinh rẻ những “đứa con” mình mang nặng đẻ đau.
Phim truyền hình Việt ngoại cảnh không vượt quá 20% nên cảnh trí nghèo nàn
Có ở trong chăn mới biết chăn có rận. Thường khi xem nhằm phim dở, người ta dễ đổ lỗi, quy trách nhiệm cho thứ nhất đạo diễn, thứ nhì biên kịch. “Thế mà cũng làm đạo diễn”, “Kịch bản tệ đến thế là cùng”… Ừ, kịch bản là của biên kịch, phim là của đạo diễn. Phim dở không phải do đạo diễn, biên kịch thì còn ai vào đây? Thế nhưng nếu bạn biết và chia sẻ được những lý do khiến phim Việt ngày càng giẫm chân tại chỗ, có thể bạn sẽ rộng lòng, bao dung hơn với phim Việt, và với điện ảnh nước nhà.
“Nhà bi kịch”
Thường ngày chúng tôi vẫn hay gọi đùa nhau: “nhà bi kịch”. Hiện nay, để chào được kịch bản với nhà sản xuất, nhà biên kịch phải nắm rõ một luật bất thành văn nhưng rất quan trọng: “Ngoại cảnh chỉ được chiếm 20% trên tổng số cảnh toàn bộ phim; phải viết trên 10 phân đoạn/bối cảnh, hạn chế tối đa các cảnh lẻ”. Mục đích: giảm chi phí sản xuất xuống mức thấp nhất. Và dĩ nhiên, chi phí quay nội cảnh luôn rẻ hơn ngoại cảnh không chỉ do tổ chức xe cộ, thời gian di chuyển, nghỉ ngơi, ăn uống… Vì thế, thật lòng các nhà biên kịch và đạo diễn rất muốn đưa các bạn tới những cao nguyên lộng gió, bờ biển lãng mạn, đỉnh núi nguyên sơ, thơ mộng… chứ không hề muốn “nhốt” cả đoàn làm phim và cả chính mình vào bốn bước tường ngột ngạt, diễn cạnh những bộ sa-lông trơ khấc. Tôi dám chắc không một biên kịch hay đạo diễn nào muốn thế.
Bạn nói “Nhất là phim truyền hình, gì mà chán quá. Khung hình đặt chết một chỗ, các nhân vật xếp hàng ngang ngồi nói y như sân khấu”. Bạn lại chính xác! Đây là một trong những phần mà khán giả ngán nhất khi xem các phim truyền hình bất kể “giờ vàng” hay “giờ bạc”. Sân khấu là sân khấu và phim phải là phim, và đặc thù của phim là hình ảnh, góc quay, ánh sáng. Khổ nỗi không phải các đạo diễn, quay phim không muốn đổi góc máy cho bộ phim sinh động, hấp dẫn, mà nếu làm thế, thời gian quay sẽ kéo dài, mỗi lần thay đổi góc máy là phải bố trí lại đèn đóm, âm thanh, ánh sáng... Mà thời gian chính là tiền bạc. Quay càng lâu, chi phí thuê bối cảnh, trang thiết bị, ăn ở càng cao. Chính vì vậy, cẩn trọng, kỹ càng trong nghề bỗng dưng đồng nghĩa với hoang phí tiền của nhà sản xuất, và như thế dù có tài ba cách mấy, anh sẽ không có cơ hội lần sau.
Vừa đi vừa khóc, một trong những bộ phim truyền hình hiếm hoi được đầu tư kỹ lưỡng
Bạn lại nói: “Sao phim Việt thoại nhiều quá và dở quá. Nói rất nhiều nhưng giá trị chẳng bao nhiêu, hay nói gọn lại là… lảm nhảm”. Chính xác luôn. Bản chất của phim là hình ảnh, hành động mà, nếu thoại nhiều quá thì nghe kịch phát thanh cho rồi”… Nhưng biết làm sao bây giờ, giả như nhốt hai đứa lên một bộ ghế sa-lông trong một cái phòng khách, thì chắc chắn là tụi nó phải “nói” thôi, chớ biết làm gì đây? Phim nước ngoài có nhiều đoạn thoại cũng nhiều, nhưng họ cho nhân vật vừa thoại vừa hành động hoặc chuyển động nên người xem vẫn có cảm giác rất sinh động, không nhàm chán. Phim ta thì vì chính sách tiết kiệm nên làm sao cho người xem “nghe hiểu” là được rồi!
Với những lý do trên, nhà biên kịch ngoài việc phải viết sao cho thật hay, thật hấp dẫn còn phải là một nhà kinh tế xuất sắc để cân đo đong đếm từng con chữ và số trang (ngày càng nhiều), số nhân vật các phân đoạn (ngày càng ít) theo yêu cầu của nhà sản xuất, viết sao mà phân đoạn càng dài càng tốt vì hợp đồng ký kết với các diễn viên dựa vào số phân đoạn, phân đoạn càng dài, cát sê diễn viên càng thấp, tiết kiệm là thượng sách mà! Cá biệt, từng có kịch bản có 1 phân đoạn dài đúng 15 trang, đạo diễn đọc xong chỉ biết… khóc thét!
Trăm dâu đổ đầu… biên kịch!
Ngoài những áp lực trên, biên kịch còn phải đương đầu với muôn vàn khó khăn lớn nhỏ về mặt đối nội, đối ngoại, o ép nhuận bút, lo sợ bị mất bản quyền, và nhất là khâu kiểm duyệt. Từ lúc hoàn thành đề cương, phát triển hoàn chỉnh kịch bản, cho tới lúc bấm máy, kịch bản phải “vượt” qua được 5-6 hàng rào kiểm duyệt: “biên tập viên - trưởng phòng biên tập công ty sản xuất, biên tập viên - trưởng phòng biên tập công ty phát sóng, biên tập viên - trưởng phòng biên tập của nhà đài”… Một chặng đường đầy cam go, kéo dài nhiều tháng, thậm chí nhiều năm, kịch bản nào mang tính thời sự, tới khi chiếu ra đã cũ mèm, cũ rích, khán giả coi xong lại ngao ngán: “Chuyện xưa như trái đất giờ mới nói!”…
Con nhà giàu thì ở nhà lầu, đi xe hơi, ăn nhà hàng, con nhà nghèo ở nhà trệt, đi xe đạp, ăn mì tôm. Với kinh phí dao động từ 100 triệu đồng cho đến 180 triệu đồng/tập phim 45 phút trong thời buổi đắt đỏ này, phim truyền hình Việt đành phải chấp nhận và buộc lòng phải chấp nhận chất lượng tương đương số tiền đầu tư khiêm tốn đó. Và cũng như mọi ngành nghề khác ở Việt Nam, khoản tiền đầu tư nào cũng phải “ngót” đi như món trứng luộc của cô con dâu trong truyện cười, đã ít còn ít hơn nữa… chịu thôi! Nói đi nói lại, từ biên kịch, đạo diễn cho tới nhà sản xuất, chẳng ai muốn làm phim dở, ai cũng muốn phim mình thật hay, thật xuất sắc, nhưng không có đủ “thiên tài” để có thể làm được nhiều bộ phim thật hay và thật rẻ.
Bạn nói tôi ngụy biện, tôi chịu. Tôi cũng không giận bạn, vì chính tôi - một “bi kịch gia”, đau đáu với cái nghề của mình mà đôi lúc còn muốn buông xuôi, chán nản vì một nghịch lý mà hầu như trong nghề ai cũng kháo nhau: “Làm phim Việt nhưng không coi (nổi) phim Việt!”. Thế nên, làm phim truyền hình bây giờ đơn giản chỉ là một việc “cơm áo gạo tiền”, đóng máy, “off đoàn” là coi như xong việc, chẳng ai buồn coi lại thành quả của mình trừ những “bi kịch gia” quá nặng tình như tôi hay các bạn trẻ mới vào nghề.
Chốt lại bài viết này, xin mượn lời một người bạn đã an ủi tôi khi tôi muốn bỏ nghề mỗi khi coi một bộ phim hay của nước ngoài: “Cứ làm đi, cứ nghĩ phim Việt Nam là một thể loại khác đi! Hén!”.
Vì thế, tôi vẫn cứ làm!
Nhà biên kịch Hồng Phương