Từ thời phong kiến đã quan niệm “nhất sĩ”, tức phải đỗ đạt làm quan… mới được gọi là thành công. Gốc rễ sâu xa đó đã tạo ra một định kiến: Bất cứ giá nào cũng chọn đại học (ĐH), gắng thi cử đỗ đạt dù rằng trường và ngành đã chọn không như mong muốn. Và chẳng có gì lạ khi SV ra trường phần nhiều hối hận con đường đã chọn…
Quyết định nào cũng bị tác động
Đã qua cái thời, sĩ tử thi 5 lần 7 lượt để vào được ĐH. Hiện nay, trường công, bán công, tư thục… với đủ hình thức từ chính quy, văn bằng 2, đào tạo từ xa, tại chức, chuyên tu… Nhiều trường nắm cả danh sách học sinh, gửi thư tới tận nhà để… mời học. SGGP thứ bảy đã thực hiện một khảo sát nhỏ về những vấn đề liên quan đến việc chọn học ĐH. Khảo sát thực hiện trên 3 mẫu nhóm đối tượng HS - SV và SV đã ra trường, đang học tập và làm việc trên địa bàn TPHCM. Mỗi nhóm 10 người.
Với nhóm HS THPT, 100% chọn sẽ thi ĐH, trong đó có 40% chọn vì sở thích, 30% theo mong muốn của ba mẹ và 30% không có định hướng. Trong số 100% chọn thi ĐH có đến 70% bị áp lực từ gia đình.
Với nhóm SV đang học ĐH, chúng tôi ghi nhận có đến 50% thi vào học ĐH vì mục đích để có bằng cấp. Khi bị gia đình cản trở trong việc chọn ngành học, 30% đã chọn ngành theo yêu cầu của gia đình, 30% quyết định theo đuổi ngành học đã chọn dù bị gia đình cản trở. Đặc biệt, có gần 50% nghĩ rằng trước đây đã chọn sai ngành học.
Nhiều SV tốt nghiệp ra trường nhưng vẫn không tìm được việc làm phù hợp
Khảo sát trên các bạn SV đã ra trường, chúng tôi nhận thấy chỉ có 30% chọn ĐH vì đam mê, 40% theo mong muốn của gia đình, 30% thi ĐH chỉ để có bằng. Khi chọn ngành học, 60% bị áp lực từ gia đình. Có đến 70% thấy những kiến thức từ ĐH không phù hợp khi đi làm, xa rời thực tế và hối hận với quyết định hồi trước.
|
Sự lượng hóa trên một mẫu khảo sát nhỏ nhưng cũng đủ cho chúng ta thấy rằng hầu như quyết định nào của HS-SV và những người đã từng chọn cánh cửa ĐH đều bị tác động bởi gia đình, quan niệm xã hội. Rất nhiều em chọn học ĐH vì gia đình áp đặt một cách trực tiếp hoặc gián tiếp bằng cách mặc định từ lúc nhỏ rằng lớn lên phải làm nghề này, nghề kia danh giá. Nhiều em chọn đi theo ước mơ nhưng phải đi “đường vòng”, thi một lúc hai ba trường hoặc đi học lén lút, một thời gian sau mới công khai theo cách “sự đã rồi”.
Gia đình cản trở ngay từ lúc đưa ra ý định chọn trường nhưng chỉ có bản thân người học mới hiểu được ngành nghề gì phù hợp với mình, mình yêu thích và có thể theo nó được hay không? Có những em, khả năng chỉ học và làm được những công việc không cần tới trình độ ĐH nhưng vẫn bị gia đình bắt ép, “cố sống, cố chết” thi vào ĐH… Nhưng khi đã thi đậu, vào học là một chuyện và có tốt nghiệp được hay không, có làm được việc hay không còn là một câu chuyện dài.
Người trong cuộc nói gì?
Bùi Thị Kiều Duyên, 18 tuổi, HS lớp 12 Trường THPT Hiệp Bình (Thủ Đức):
Chưa nắm rõ mình muốn làm công việc gì trong tương lai!
“Năm nay, tôi sẽ bước vào kỳ thi quan trọng với nhiều thay đổi trong quy chế và hình thức thi. Thật sự tôi cũng rất lo lắng và mẹ cũng muốn tôi vượt qua kỳ thi, phải đạt được điểm cao để vào được một trường ĐH nào đó mà không quan tâm đến sức học của tôi ra sao! Tôi vốn không có mơ mộng gì với cổng trường ĐH vì biết khả năng của mình tới đâu. 3 năm cấp III, tôi chỉ là HS trung bình. Từ năm lớp 11, nhiều HS trường tôi đã đổ xô đi học thêm, ôn luyện để thi ĐH.
Theo yêu cầu của mẹ, tôi cũng phải “chạy sô” hết lớp này đến lớp khác trong mệt mỏi. Có khi hơn 100 HS trong một lớp học bé tí, lỡ đi muộn là hết chỗ. Đến thời điểm hiện tại, việc hướng nghiệp tại trường vẫn chưa làm tôi và các bạn thấy hứng thú, các trường ĐH-CĐ về giới thiệu rất nhiều ngành nghề họ đào tạo… nhưng tôi thật sự vẫn chưa nắm rõ mình muốn làm công việc gì trong tương lai”!?
Đỗ Xuân Huy, 27 tuổi, SV Trường ĐH Mở TPHCM:
Định hướng đúng nghề để khỏi phải hối tiếc
“Sau khi đậu tú tài, gia đình muốn tôi tiếp tục thi ĐH như bao bạn học sinh khác. Trầy trật năm đầu, cố gắng thi ĐH năm thứ 2 tôi mới trúng tuyển vào Trường ĐH Mở TPHCM. Nhưng niềm vui không kéo dài được bao lâu, tôi “vỡ mộng” khi nhận ra mình đã chọn nhầm hướng đi. Đó là thời điểm năm 2005-2006 khi ngành công nghệ thông tin trở thành ngành “hot”, tôi chọn ngành này với hy vọng thỏa mãn sở thích được làm việc trên máy tính. Nhưng khi tiếp xúc với môi trường ĐH, sự tự do, phương pháp học hoàn toàn mới, những câu lệnh lập trình rối rắm… đã để lại cho tôi một loạt môn nợ. Tâm lý chán nản nhưng không còn con đường nào khác ngoài việc phải tiếp tục học, tôi phải ở lại giảng đường ĐH thêm 2 năm để trả nợ môn mới ra trường.
Cầm trên tay tấm bằng tốt nghiệp loại khá, lúc này ngành công nghệ thông tin đã bão hòa, nhu cầu tuyển dụng không còn nhiều nữa nên tôi chỉ nhận được những câu hứa hẹn như “sẽ gọi lại sau” trong gần hai năm ngược xuôi tìm việc. Gian nan 2 năm trời, tôi vừa đi xin việc vừa học thêm ngoại ngữ mong có thêm cơ hội kiếm việc làm. Qua một thời gian đi dạy thêm đồ họa bên ngoài, cuối cùng tôi mới nhận ra ngành phù hợp với mình chính là sư phạm nên đã quyết định đi học lại để lấy văn bằng 2. Đến nay công việc của tôi đã tương đối ổn định trong vai trò là một giáo viên dạy cấp 2. Nhìn lại chặng đường và những khó khăn đã trải qua, điều tôi thấy tiếc là đã không chịu nghiên cứu kỹ, định hướng đúng nghề cho mình trước khi thi ĐH, để rồi mất bao công sức, thời gian, tiền của”.
Thiên Trang - Võ Thắm