Nhiều người gọi ông Ba Kiên (tên gọi thân mật của Thượng tướng Phan Trung Kiên, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) là vị tướng nghĩa tình, bởi chất Nam bộ mộc mạc mà chân chất; bởi những hành động nghĩa tình vì đồng chí, đồng đội và nhân dân…
Oanh liệt thời chiến
Ông Ba Kiên tâm sự: “Đầu năm 1975, tôi đang học ở Trường H14 (Quân chính B2) trong lúc chiến sự miền Nam đang hồi ác liệt. Kể từ khi Hiệp định Paris được ký kết, Mỹ đã biết là mình thua nhưng thua như thế nào đây? Lúc Mỹ tham chiến bằng máy bay “cánh cụp, cánh xòe” rồi lại bay ra hạm đội, chúng tôi đã biết chắc ngày toàn thắng đang cận kề. Lúc đó, nếu ở chiến trường, tôi sẽ phất cờ tấn công. Nhà trường cử cán bộ lấy ý kiến. Tôi nói đó là thời cơ tốt nhất. Tôi trình bày các hướng tấn công. Ông Lê Xuân Lựu, giám đốc nhà trường, nói tôi là thổ địa và nếu tham gia chiến trận, sẽ lập công. Tinh thần của anh em tụi tôi rất háo hức, chỉ muốn mau kết thúc lớp học để trở ra chiến trường”.
Ông Ba Kiên khá may mắn, lớp học được kết thúc trước 3 tháng và những học viên tác chiến, chỉ huy như ông Ba Kiên được trở ra chiến trường ngay. Ông kể: “Tôi không hình dung cuộc chiến trước mắt ra sao cả nhưng chắc chắn khốc liệt và tổn thất là điều không tránh khỏi. Trước khi nhận nhiệm vụ, đêm đó tôi đã tranh thủ gặp người yêu. Tôi lấy 2 chỉ vàng mà bà ngoại cho để làm sính lễ cưới vợ đưa cho người yêu của mình. Tôi đi nhận nhiệm vụ mà chỉ có 2 bộ đồ, võng, chiếc khăn rằn mà người yêu trao tặng. Tôi máng cái ba lô lên chiếc xe đạp rồi phóng một mạch về sở chỉ huy. Gặp tôi, các anh hỏi có biết đường vào sân bay hay Dinh Độc Lập không? Tôi trả lời là khá rành đường vào sân bay. Vậy là các anh giao cho tôi nhiệm vụ giải phóng đồn Trường học ở Đức Lập Hạ rồi tiếp đó là đồn Giồng Dầu ở Mỹ Hạnh Bắc mở đường cho quân chủ lực…”.
3 giờ 40 phút ngày 29-4, đơn vị của ông nổ súng tấn công Phân chi khu Xuân Thới Thượng. Địch kháng cự quyết liệt và chạy dồn vào đồn Nhà Tô cố thủ. Đơn vị tiếp tục vây ép, dùng loa kêu gọi địch đầu hàng, bọn biệt động quân thoát ra, lọt vào trận địa phục kích của ta và bị tiêu diệt gần hết. Trận đánh kết thúc lúc 14 giờ 40 phút, ta làm chủ hoàn toàn khu vực.
Đơn vị tiếp tục truy kích gọi hàng. Tại đây ông Ba Kiên trực tiếp hỏi cung 1 trung úy tù binh. Trung úy này biết tần số của Tỉnh trưởng tỉnh Hậu Nghĩa - Đại tá Tôn Thất Soạn. Ông thuyết phục tù binh đồng ý gọi điện cho đại tá Soạn. “Lúc đó, để địch đầu hàng, tôi phải “hù” là Ban Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh đang ở đây và yêu cầu phía địch nhanh chóng về với cách mạng. Đại tá Soạn xin 30 phút suy nghĩ. Tôi không đồng ý vì chúng tôi sẽ hành quân thần tốc. Sau 5 phút, đại tá Soạn gọi điện đồng ý ra hàng…”, ông nhớ lại.
Và chỉ với chiêu gọi hàng, ông Ba Kiên và đồng đội đã không tốn một viên đạn nào để gọi hàng 1.860 tên địch của Chiến đoàn 46, Sư đoàn 25 đang trốn dưới đồng bưng An Hạ.
Ân nghĩa thời bình
Trong hồi ức của lực lượng chiến sĩ miền Đông (tiền thân của Quân khu 7), câu chuyện về Bộ Chỉ huy Miền suốt thời gian trú đóng ở sóc Tà Thiết (xã Lộc Thành, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước) luôn được nhân dân che chở và đảm bảo an toàn tuyệt đối, là một minh chứng sống động cho tình cảm thủy chung, son sắt của quân và dân.
Khi đảm nhiệm chức vụ Tư lệnh Quân khu 7, ông Ba Kiên tranh thủ trở về chiến trường xưa và đã rơi nước mắt khi thấy cuộc sống của bà con dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. “Vùng biên giới của chúng ta chỉ có thể vững bền mãi mãi nếu đó là biên giới của lòng dân”.
Với quan điểm đó, ông Ba Kiên kêu gọi toàn bộ lực lượng vũ trang Quân khu 7 đóng góp kinh phí xây dựng khu định cư cho bà con người dân tộc. Có nhà cửa khang trang, có ruộng vườn canh tác, đời sống bà con dần dần đổi thay. Những bao gạo tẻ, gạo nếp của bà con người dân tộc ở sóc Tà Thiết gửi cho Bộ Tư lệnh Quân khu 7 các ngày lễ, tết chính là những món quà nghĩa tình. Đến nay, 9 khu dân cư mang dấu ấn Quân khu 7, dấu ấn ông Ba Kiên theo mô hình sóc Tà Thiết đã hình thành trên địa bàn 9 tỉnh, TP trực thuộc quân khu.
Mấy năm gần đây, tại ấp 4, xã Trừ Văn Thố, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương tồn tại 1 xóm mồ côi với hơn 10 hộ gia đình và một số hộ là con em liệt sĩ với hàng chục người nhưng không ai có hộ khẩu, CMND. Đất đai khai phá của họ từ rừng hoang cũng không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng. Đó là những đứa trẻ mà cách đây hơn 15 năm bị bỏ rơi từ khi lọt lòng được đưa vào các cô nhi viện hay bị thu gom và đưa vào các trường. Khi các em đủ 18 tuổi đi nghĩa vụ quân sự hoặc thanh niên xung phong. Hết hạn, các em lại trở về trường. Nhà trường đã động viên các em đi lập nghiệp ở các vùng kinh tế mới, trong đó có xóm mồ côi. Lúc đó, do bề bộn công việc ở Hà Nội, chưa có dịp vào các tỉnh phía Nam nhưng khi hay tin “xóm mồ côi”, ông Ba Kiên chỉ đạo Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bình Dương xác minh vụ việc.
Một lần về phía Nam công tác, ông Ba Kiên tranh thủ vượt gần 100km đến huyện Bến Cát gặp các em. Sau khi thăm hỏi, tặng quà, ông lẳng lặng đưa cho mỗi em một tấm danh thiếp và dặn dò: “Đây là giấy tờ tùy thân của các cháu. Nếu đi ra đường, có ai hỏi giấy tờ thì mấy đứa đưa tấm danh thiếp này và nói, tôi là con của Thượng tướng Phan Trung Kiên, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng”. Sau lần đó, ông Ba Kiên đã gặp lãnh đạo tỉnh Bình Dương và các sở, ngành có liên quan để tìm hướng giải quyết. Đến thời điểm này, các em ở xóm mồ côi đã hết mồ côi bởi họ đã có được sự quan tâm từ vị tướng của nhân dân.
ĐOÀN HIỆP