Với mong muốn tạo ra bộ mặt đô thị khang trang, hiện đại, hàng năm TPHCM bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp vỉa hè. Thế nhưng, thật đau xót khi nhìn thấy vỉa hè nhanh bị xuống cấp, bị xâm hại tràn lan…
Nhanh xuống cấp
Phải thừa nhận thời gian gần đây, nhờ sự quan tâm đầu tư và thay đổi cách làm cũng như chọn loại gạch tốt hơn như tezzarro, granit, chất lượng vỉa hè ở TPHCM đã được cải thiện rõ rệt. Vãn bộ trên những vỉa hè được lát gạch khang trang sạch sẽ, du khách lẫn người dân đều cảm thấy thoải mái, dễ chịu.
Tuy nhiên, đi khảo sát thực tế, chúng tôi nhận thấy ở nhiều tuyến đường, vỉa hè mới làm trong thời gian ngắn khoảng một đến vài năm đã có dấu hiệu xuống cấp, xỉn màu, thậm chí nhiều nơi gạch bị bong tróc, sụp lún, lồi lõm. Điển hình như các đường Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Đình Chiểu, Võ Văn Tần, Bà Huyện Thanh Quan… có nhiều nơi gạch không chỉ bị bong tróc mà còn sụp lún, lồi lõm.
Thậm chí ở khu vực ngay ngã ba Nguyễn Thị Minh Khai - Lê Quý Đôn, vỉa hè bị đào xới lên và lấp lại bằng xi măng trông rất nham nhở, khó coi. Khi trời mưa, vỉa hè ở những nơi bị bong tróc, sụp lún thường đọng thành vũng nước sâu. Ở khu vực quận 5, 10, 11, Tân Bình nhiều tuyến đường như Hùng Vương, An Dương Vương, Lý Th
ường Kiệt, Lữ Gia, Tô Hiến Thành, Thành Thái, Cộng Hòa…, vỉa hè cũng không lành lặn với nhiều “vết thương” lở loét, lồi lõm. Có thể kể các vỉa hè trên đường Hoàng Văn Thụ (đoạn trước khu vực công viên Hoàng Văn Thụ), đường Cộng Hòa (khu vực trước Bảo tàng Bộ Quốc phòng - phường 12 quận Tân Bình), có nơi vỉa hè bị “lột hết áo” - trơ ra toàn đất đá, khiến người đi bộ dễ vấp ngã.
Đó là chưa kể khi thực hiện các dự án nâng cấp, cải tạo vỉa hè ở các quận nội thành chưa được làm đồng bộ, có đoạn lát gạch mới tezzarro nhiều màu, sạch đẹp nhưng vỉa hè đối diện thì xuống cấp, nham nhở… vì chờ kế hoạch. Cùng một tuyến đường nhưng chỗ thì lát gạch con sâu, bê tông và có đoạn là gạch tezzarro.
Tuy nhiên, điều khiến dư luận, người dân TPHCM bức xúc đặt vấn đề là tại sao nhiều đoạn vỉa hè làm chưa lâu đã xuống cấp? Theo lý giải của các công ty dịch vụ công ích quận thì ở những nơi vỉa hè bị “bệnh ngoài da” - xuống cấp là do tác nhân xâm hại từ nhiều phía: người đi đường, chủ kinh doanh vô ý thức, công trình xây dựng mọc lên sau… Hơn nữa, việc cho phép thu phí sử dụng vỉa hè làm bãi giữ xe cũng khiến cho vỉa hè bị xâm hại và mau xuống cấp.
Xâm hại mà không bị xử lý
Điều khó hiểu và khó chấp nhận là những hành vi xâm hại, thậm chí “xẻ thịt vỉa hè” diễn ra ở nhiều nơi nhưng không hề bị thổi còi hay xử lý nghiêm. Như dư luận đã nhiều lần lên tiếng, do cách làm thiếu đồng bộ và mạnh ai nấy làm nên vỉa hè thường bị xâm lấn vô tội vạ, thậm chí bị đào xới bất cứ lúc nào.
Mặc dù thiếu trách nhiệm, không tái lập mặt bằng như cũ, thậm chí làm qua loa, cẩu thả nhưng đơn vị thi công lẫn chủ hộ ở mặt tiền vẫn vô can. Lẽ ra để duy trì tuổi thọ cho vỉa hè, các quận phải tổ chức duy tu, sửa chữa những nơi vỉa hè bị bong tróc, sụp lún. Không những thế phải xử lý kịp thời và bắt những đơn vị, cá nhân xâm hại vỉa hè phải có trách nhiệm tái lập nguyên trạng.
Một vấn đề đáng lưu tâm là việc lát gạch, xây gờ bảo vệ cây xanh ở nhiều tuyến đường chưa phù hợp cũng góp phần làm xấu vỉa hè. Ở nhiều tuyến đường mới lát gạch tezzarro khang trang sạch sẽ nhưng tương phản với hình ảnh mất vệ sinh, gốc cây xanh lòi cả đất, sụt lên trồi xuống do lát gạch trồng cỏ (gạch số 8) chưa đúng kỹ thuật, chưa phù hợp.
Có thể nói, nỗi khổ bị hành hạ, chịu đựng ô nhiễm vì vỉa hè bị xới lên làm lại trong thời gian dài khiến người đi đường lẫn những hộ kinh doanh ở mặt tiền đường luôn hãi hùng. Vì thế, việc đảm bảo tuổi thọ vỉa hè kéo dài hàng thập niên là đòi hỏi cấp thiết.
Khánh Hà