“Việt Nam đang thừa hoa hậu!”, bên cạnh nhận xét đó là không ít ý kiến cho rằng việc mua bán, đổi chác danh hiệu trong các cuộc thi nhan sắc là có và rất phổ biến. Vậy nên, có bao nhiêu người đẹp thực sự trong đời sống và trong lòng công chúng? Và đây là câu trả lời của những người trong cuộc.
Ai cần hoa hậu?
“Mỗi cuộc thi nhan sắc, từ cấp tỉnh thành tới cấp quốc gia, đều có lượng thí sinh và khán giả đông đảo, chứng tỏ cái đẹp luôn được nhiều người yêu thích, ủng hộ, nên mỗi cuộc thi đều có đất sống. Với những đặc trưng riêng, nhưng nhìn chung các cuộc thi người đẹp đều tôn vinh vẻ đẹp hình thể, tâm hồn, trí tuệ, tài năng... của phụ nữ. Riêng cuộc thi Hoa hậu Các dân tộc Việt Nam có thể giúp phát hiện vẻ đẹp, bản sắc của 54 dân tộc trên cả nước, hướng tới việc đoàn kết, hòa hợp, hội nhập và phát triển”, chuyên gia trang điểm Khải Thiên phát biểu.
Thực tế gần đây có nhiều cuộc thi tai tiếng, tạo cái nhìn không thiện cảm về những người đẹp và về giới showbiz nói chung. Bởi thế, nếu trước đây đăng quang hoa hậu là một vinh dự lớn, nhưng nay chỉ gói gọn trên danh xưng cùng... tai tiếng, khiến công chúng ngày càng ngán ngẩm. Dĩ nhiên, một nhan sắc toàn diện cần hội tụ ngoại hình lẫn tâm hồn. Những người đẹp “não ngắn” đi lên bằng chiêu trò và các phát ngôn linh tinh không được công chúng tôn trọng. “Là hoa hậu, là người của công chúng nói chung không tránh khỏi sự quan tâm, xét nét, thậm chí soi mói của dư luận, nên chăng những người đẹp càng cần gìn giữ, suy nghĩ trước những việc làm và hành động của mình. Việc giữ hình ảnh đẹp cũng là cách tôn trọng bản thân, tôn trọng những người đã tin tưởng, ủng hộ mình. Riêng vẻ đẹp thì người nào và thời nào cũng cần cả”, Khải Thiên bộc bạch.
“Khi hoa hậu đăng quang, đồng nghĩa với việc bản thân họ sẽ gánh trọng trách. Vậy nên việc tự rèn luyện để giữ gìn hình ảnh của mình, cụ thể là cân nhắc trong mọi suy nghĩ, hành động là rất cần thiết”, stylist Lucas Phạm chia sẻ. Anh nhận xét: “Không thể phủ nhận nước mình có nhiều… hoa hậu. Nhưng theo tôi, điều này mới chứng tỏ Việt Nam có nhiều người đẹp. Điều đáng nói là danh hiệu đó có được công chúng ủng hộ hay không. Một hoa hậu chỉ thuần túy đẹp - đẹp trên danh nghĩa - cũng như bông hoa có sắc không hương, không sớm thì muộn cũng tàn úa và bị đào thải. Vậy nên hơn ai hết, chính các hoa hậu sẽ rõ nhất về mình, về việc mình cần làm gì để gìn giữ danh hiệu”.
Hiện cơ quan quản lý nhà nước chỉ cấp phép một số cuộc thi nhan sắc lớn như Hoa hậu Hoàn vũ, Hoa hậu Thế giới người Việt, Hoa hậu Các dân tộc Việt Nam… Một số cuộc thi cấp khu vực hoặc do cá nhân tổ chức không được coi là đại diện cho sắc đẹp hay hình ảnh Việt Nam.
Đinh Thị Thùy Trang, người trình diễn trang phục dân tộc đẹp nhất cuộc thi Hoa hậu Các dân tộc Việt Nam 2013 chia sẻ: “Đừng vì con sâu làm rầu nồi canh. Bản thân là người dân tộc, tôi thấy cuộc thi Hoa hậu Các dân tộc Việt Nam là cần thiết, bởi nó có thể giúp các dân tộc sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam có cơ hội giao lưu, học hỏi, gắn kết con người và các nền văn hóa với nhau, tìm ra sự đồng cảm, tiếng nói chung bên cạnh bản sắc riêng của mỗi người, mỗi dân tộc, để công chúng trong và ngoài nước biết đến”.
Thấy vậy chắc gì đã vậy!?
Điều gì cũng có mặt trái của nó, từ người bình thường cho tới giới showbiz. Tuy nhiên, rất nhiều khi “thấy vậy chưa chắc đã vậy”, nên những vụ lùm xùm, tai tiếng trong giới showbiz nói chung cũng vì công chúng quá… ưu ái, quá để mắt đến họ mà ra. “Tôi mong công chúng có cái nhìn khách quan hơn về chúng tôi, đừng vì một vài cá nhân mà vơ đũa cả nắm, xóa đi những nỗ lực của rất nhiều người”, Đinh Thị Thùy Trang nói. Và Lucas Phạm xác nhận: “Là người trực tiếp đồng hành với thí sinh trong nhiều cuộc thi sắc đẹp, tôi đã chứng kiến những cố gắng từ đầu cho đến khi tỏa sáng, các người đẹp đã bỏ rất nhiều công sức, mồ hôi, nước mắt… để có những khoảnh khắc đẹp nhất. Vì vậy, tôi trân trọng, yêu quý những nỗ lực và sự hy sinh của họ”.
Cuộc sống càng nhanh, gấp, bề bộn… thì con người càng cần cái đẹp. Dĩ nhiên, vẻ đẹp tâm hồn, trí tuệ vẫn luôn cần thiết, nhưng cũng không thể phủ nhận vẻ đẹp ngoại hình. Chưa kể những người đẹp, vẻ đẹp đó ít nhiều đại diện cho bộ mặt quốc gia, dân tộc, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế, thu hút du lịch và các tiềm năng kinh tế khác. Điều gì cũng có mặt trái, với các cuộc thi nhan sắc nói chung, những người đẹp nói riêng thì mặt trái lại càng đặc thù.
Họa sĩ, nhà thiết kế Lê Sĩ Hoàng, người từng ngồi ghế giám khảo không ít cuộc thi hoa hậu cho biết: “Đã được mời tham gia Ban giám khảo, ai cũng ít nhiều có uy tín, danh dự, tiếng tăm. Và giám khảo đâu phải ai cũng cần tiền, vì tiền (hoặc vì những thứ khác) mà đánh đổi những điều đó. Hơn nữa, đã gọi là Ban giám khảo, tức không chỉ một hai người. Vậy nên có muốn, thí sinh cũng không thể đủ điều kiện “mua” hết tất cả giám khảo. Cho nên những thông tin về việc hối lộ, “đi đêm” với Ban giám khảo bằng nhiều hình thức, theo tôi là không thuyết phục”.
Thật vậy, không ít hoa hậu đoạt giải bằng chính nhan sắc, khả năng của mình và sau khi đăng quang, họ đã làm được nhiều việc có ích cho cộng đồng. Nếu cho rằng hoa hậu chỉ là những “vật trang trí” cho cá nhân hay cộng đồng sẽ có phần ác cảm và cực đoan. Riêng các người đẹp nếu chỉ biết nghĩ “em đẹp, em có quyền” để rồi ứng xử kém, gây tiếng xấu, trêu ngươi, “chọc ghẹo” báo chí, dư luận... trước sau cũng sẽ bị cộng đồng đào thải. “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, người đẹp mà vô hồn, kiến thức, nhân cách kém cỏi… chỉ là tự đào hố chôn mình. “Bản thân tôi luôn muốn sống tốt, giúp đỡ những số phận kém may mắn, lắng nghe, chia sẻ những buồn vui với cộng đồng”, Đinh Thị Thùy Trang chân tình.
Về cuộc thi Hoa hậu Quý bà, một cuộc thi không ít tai tiếng thời gian qua, Á hậu Trà Giang thẳng thắn: “Theo tôi, thời điểm này nên hạn chế các cuộc thi nhan sắc nói chung. Riêng Hoa hậu Quý bà, cuộc thi dành cho những phụ nữ đã có gia đình, con cái, tôi không nói nên hay không. Bởi dù đã có gia đình, các chị vẫn giữ vẻ đẹp là rất đáng quý. Chính vì vậy, nếu quan niệm đây chỉ là sân chơi dành cho các chị thôi thì báo chí lẫn công chúng không nên làm trầm trọng hóa vấn đề”.
Chính vì vậy, hơn bao giờ hết, đất nước, con người Việt Nam cần chứng tỏ mình được tự do yêu quý, trân trọng và suy tôn cái đẹp. Nói rõ ra là các cuộc thi hoa hậu cần được tổ chức, duy trì nhưng phải được chọn lọc trên tinh thần “gạn đục khơi trong”, vì thực tế chúng ta cần ổn định kinh tế, chính trị hơn là phô trương hình thức. Như hiện tại công chúng quan tâm vấn đề chủ quyền biển đảo hơn các cuộc thi hoa hậu. Việt Nam có nhiều người đẹp vẫn là điều rất đáng tự hào. Dĩ nhiên đẹp người phải đi đôi với đẹp nết, tức vẻ đẹp tâm hồn, sẽ càng đẹp hơn nếu những người đẹp hàng ngày góp phần cùng cộng đồng xây dựng và bảo vệ đất nước.
Thực tế quanh ta không ít hoa hậu, người đẹp hiểu biết, tài năng, ngoài thành công ở showbiz, còn thành công trong kinh doanh và nhiều lĩnh vực khác. Chuyện “chân dài, não ngắn” chỉ là lời mỉa mai, đùa cợt nhất thời. Những người đẹp đã và đang tồn tại trong lòng khán giả, công chúng bằng chính sự nỗ lực, đóng góp của mình đều xứng đáng được trân trọng, tôn vinh. Vì hoa hậu hay á hậu cũng là con người với nhiều áp lực trong cuộc sống. Họ cũng có gia đình, bè bạn, cũng cần đi học, đi làm, cần những thứ thiết yếu trong cuộc sống như bao nhiêu người khác. Chỉ mong một khi tên tuổi đã gắn với một danh hiệu, thì những người đẹp cần ý tứ, giữ gìn.
“Sao có thể nói Việt Nam thừa hoa hậu? Cả nước có bao nhiêu người thực sự đẹp đến mức trở thành hoa hậu? Hơn nữa, thử hỏi phần lớn phụ nữ Việt xem ai không thích bản thân hay con cái, người thân mình trở thành hoa hậu?”, Hoa hậu Đông Nam Á Diệu Hân phản ứng và khẳng định: “Hoa hậu cũng là công dân Việt Nam, khi tổ quốc cần họ vẫn có thể đảm đương những vai trò phù hợp”.
Thật vậy, hoa hậu trước hết phải... đẹp. Cái đẹp là điều kiện cần. Và nếu vừa đẹp lại vừa thông minh, sắc sảo, giao tiếp, ứng xử tốt… thì quả là tuyệt vời. Còn nếu không, đó không hẳn là lỗi ở hoa hậu. Bởi hoa hậu suy cho cùng cũng chỉ là người đẹp, là vương miện, hào quang, danh hiệu... Điều quan trọng là sau đó những người đẹp phải giữ mình như thế nào, cũng như làm được gì cho bản thân, gia đình và xã hội.
SONG PHẠM - HOÀNG TUẤN - KIM NY