(SGGPO).- Đó là nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo về “Dịch vụ thuế - nhân sự toàn cầu khu vực Đông Nam Á 2016 với chủ đề “Quản lý việc tuân thủ và rủi ro khi điều động nhân sự toàn khu vực Đông Nam Á” do Công ty Deloitte Việt Nam tổ chức tại TPHCM sáng ngày 23-8.
Hội thảo thu hút sự tham gia của đông đảo đội ngũ các chuyên viên đang công tác trong lĩnh vực nhân sự (HR), các chuyên gia về thuế, các nhà quản lý tài chính quan tâm đến lĩnh vực tuyển dụng nhân sự xuyên quốc gia đến từ Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam.
Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng, đầu năm 2016, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đã chính thức thành lập, bao gồm 10 quốc gia với dân số hơn 620 triệu người. Trong đó, lực lượng lao động chiếm tỷ lệ gần 50%. Ba quốc gia có số lao động chiếm tỷ trọng hơn 70% là Indenesia (40%), Philippines (16%) và Việt Nam (15%). Trong bản Tuyên bố của AEC có quy định rõ, một thị trường đơn nhất và cơ sở sản xuất chung, được xây dựng thông qua: tự do lưu chuyển hàng hóa; tự do lưu chuyên dịch vụ; tự do lưu chuyển đầu tư; tự do lưu chuyển vốn và tự do lưu chuyển lao động có tay nghề. Điều này không chỉ mang đến nhiều cơ hội lớn mà còn mang đến cả những thách thức cho các nhà tuyển dụng Việt Nam trong việc tiếp cận với nguồn lao động có kỹ thuật của các nước thành viên AEC và ngược lại. Một trong những khó khăn trở ngại đó là sự thay đổi nhanh chóng về Luật thuế, Luật xuất Nhập cảnh ở từng quốc gia gây ra những nguy cơ tiềm ẩn cho các nhà quản lý khi thực hiện các quy định đó.
Hội thảo về “Dịch vụ thuế - nhân sự toàn cầu khu vực Đông Nam Á 2016
Liên quan đến việc này, ông Thomas McClelland, Phó Tổng Giám đốc phụ trách dịch vụ Tư vấn Thuế của Deloitte Việt Nam cho biết, tại Việt Nam có nhiều áp lực về tăng thu thuế đối với lao động nước ngoài vì ngày càng nhiều DN nước ngoài đầu tư Việt Nam và kéo theo đó, các DN nước ngoài cũng sử dụng nhiều lao động nước ngoài tại Việt Nam, đặc biệt là trong ngành xây dựng và dầu khí. Ông Thomas cũng đưa ra cảnh báo, tiền phạt cho những trường hợp vi phạm về thuế tại Việt Nam khoảng 200 triệu đồng/trường hợp và các DN có thể bị ngừng kinh doanh khi vi phạm.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng, hiện các cơ quan thuế tại Việt Nam có sự quan tâm rất lớn đối với thu nhập của người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam nên việc tập trung vào hồ sơ thuế của các công ty nước ngoài ngày càng nhiều hơn. Theo đó, các cơ quan thuế tại Việt Nam sẽ kiểm tra tập trung nhiều hơn vào việc kê khai thuế đối với lao động nước ngoài, hồ sơ chứng từ kê khai thuế, kiểm tra sâu hơn và có thể kiểm tra thông tin từ nước ngoài từ các công ty hội sở để đối chiếu. Ngoài ra, các thông tin bị bỏ qua trong kỳ kiểm toán trước thì hiện nay các cơ quan thuế tại Việt Nam cũng quan tâm đến các kỳ kiểm toán cũ kỹ hơn vì thời hạn kiểm tra trong thời hạn 10 năm. Theo đó, cơ quan thuế cũng không “tha” cho những người tính nhầm trong kê khai. Từ đó, các chuyên gia cũng cảnh báo các DN nước ngoài cần phải cập nhật các quy định mới về thuế tại Việt Nam để tránh những rủi ro xả ra. “Tìm hiểu các quy định mới về Thuế tại Việt Nam cũng như các quốc gia Đông Nam Á chính là chìa khóa giúp các nhà quản lý nhân sự đảm bảo việc tuân thủ đầy đủ các yêu cầu theo quy định ở cả nước nhà và đất nước nơi cá nhân đến làm việc, nhằm tránh những rủi ro không đáng có cho DN”- ông Thomas McClelland nhấn mạnh.
Nhung Nguyễn