Đáng nói, đây không phải quan điểm riêng của một kiến trúc sư, mà là một trong những nguyên tắc quan trọng trong quy hoạch đô thị. Không những thế, theo kiến trúc sư Hoàng Minh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch TPHCM, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, đối với các “đô thị sông nước” như TPHCM, sông, kênh còn là nơi thoát nước cho thành phố. Do vậy, việc xây bít lối ra sông, kênh hoàn toàn không nên.
Thế nhưng, cũng có một “luật” quan trọng khác, đó là trong các giao dịch bất động sản nhà hay căn hộ có view (nôm na là tầm nhìn) sông kênh thường có giá trị cao hơn hẳn so với nhà, căn hộ cùng loại tới 20%-30%, thậm chí cá biệt có nơi cao hơn 35%-40%. Một món hời quá lớn để các nhà đầu tư tìm mọi cách có được đất ven sông, kênh cho công trình của mình. Và trên thực tế, nhiều nhà đầu tư đã làm được việc này. Những cao ốc, biệt thự, resort ven sông, ven biển ở Đà Nẵng, Nha Trang, Phan Thiết... và cả TPHCM xuất hiện rầm rộ là bằng chứng cụ thể nhất cho thực tế trên.
Tại TPHCM, lãnh đạo thành phố đã sớm nhận ra hạn chế, bất cập này và có nhiều giải pháp để xử lý. Nhiều công trình xây dựng lấn chiếm hành lang an toàn của sông, kênh, rạch đã bị buộc phải tháo dỡ… Thế nhưng, cản ngại trong quá trình này, rất mạnh. Phần lớn những “sức mạnh” này đến từ chính những… khoản lợi nhuận khổng lồ mà các nhà đầu tư thu được trong quá trình kinh doanh nhà, căn hộ có view sông, kênh. Một vòng luẩn quẩn rất khó gỡ nếu không có được một quyết tâm chính trị cao. Theo kế hoạch, hôm nay 10-9, TPHCM sẽ tổ chức hội thảo “Quy hoạch và Phát triển kè bờ sông Sài Gòn và sông, kênh nội thành. Các giải pháp để hoàn thành cơ bản kè sông Sài Gòn, sông và kênh nội thành vào năm 2025”. Nhìn vào chương trình hội thảo cũng như nhiều nội dung mà các tham luận đặt ra, có thể thấy một sự quyết tâm mạnh mẽ của lãnh đạo thành phố trong việc bảo vệ bờ sông, bờ kênh cũng như lập lại trật tự xây dựng ở đây. Quyết tâm này có “vượt” qua được “sức mạnh” nêu trên là điều người dân quan tâm hơn cả. Nhất là khi nhiều dự án xây dựng cao tầng đã được “khéo léo” đưa vào các đồ án quy hoạch xây dựng và được hợp lý hóa bằng rất nhiều lý do.
Không chỉ có TPHCM, nhiều tỉnh, thành phố khác trên cả nước cũng đã và đang nỗ lực khắc phục những hạn chế, bất cập. Đà Nẵng tìm cách sửa sai việc giao bờ biển cho các nhà đầu tư resort khiến người dân phải đi vòng rất xa mới tới được biển. Quy Nhơn (Bình Định) quyết định di dời 2 khách sạn lớn để trả lại không gian biển cho người dân. Đây là những quyết định đúng đắn,… dẫu muộn và tốn rất nhiều chi phí.
Trên tất cả, những động thái như vậy vẫn đang mang lại nhiều niềm hy vọng. View biển, sông, kênh phải là view chung của tất cả mọi người. Và để cho niềm hy vọng này có cơ sở trở thành hiện thực, theo nhiều chuyên gia về đô thị, cần phải luật hóa về xây dựng công trình ở ven biển, sông, kênh. Các quy định này phải đủ mạnh, đủ chặt chẽ để các nhóm lợi ích không thể vặn vẹo, tìm cơ hội chiếm hữu view biển, sông, kênh phục vụ cho lợi ích của riêng mình.