Chiều 18-5, tại Hà Nội đã diễn ra hội nghị triển khai công tác phối hợp giữa ban thường trực Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam và Bộ Xây dựng.
Tại buổi làm việc, về cơ chế chính sách phát triển nhà ở, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh cho biết, chương trình hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo khu vực nông thôn, đến hết tháng 4-2018, tổng số hộ nghèo khu vực nông thôn đã được hỗ trợ vay vốn là 63.463 hộ với tổng số vốn đã cho vay là 1.602 tỷ đồng. Trong 4 tháng đầu năm 2018, đã hỗ trợ được 3.574 hộ với số vốn đã cho vay là hơn 89 tỷ đồng.
Chương trình phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị, công nhân khu công nghiệp, cả nước đã hoàn thành đầu tư xây dựng 186 dự án nhà ở xã hội, với quy mô khoảng 75.700 căn, tương đương với khoảng 5,81 triệu m². Dự kiến hết quý II-2018 sẽ hoàn thành thêm 1.000 căn hộ.
Bộ Xây dựng cho biết, hiện hầu hết các địa phương đều cho rằng Chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo không hấp dẫn được người dân tham gia như giai đoạn 1 do phương thức hỗ trợ đã chuyển sang hỗ trợ tín dụng hoàn toàn, không còn hỗ trợ “cho không”. Số vốn cho mỗi hộ dân vay 25 triệu đồng là quá ít, không đủ để người dân làm nhà trong thời điểm hiện tại, do nguồn lực hỗ trợ của cộng đồng, người thân cũng như bản thân hộ nghèo còn hạn chế.
Theo tổng hợp số liệu từ Đề án của các địa phương, các đối tượng thuộc diện được hỗ trợ đa số là các hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và đồng bào dân tộc thiểu số (chiếm 60,8%) nên việc huy động nguồn lực từ họ hàng, gia đình gặp nhiều khó khăn. Một số địa phương chưa dành sự quan tâm đúng mức cho Chương trình hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo; công tác tuyên truyền, vận động cộng đồng tham gia chưa phát huy hiệu quả gây ảnh hưởng đến kết quả thực hiện chương trình.
Đối với chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội ở đô thị, khu công nghiệp, nhà ở sinh viên, Bộ Xây dựng cho rằng, điều kiện ngân sách hạn hẹp, đại bộ phận người dân thu nhập còn thấp, đầu tư phát triển nhà ở xã hội đòi hỏi nguồn vốn lớn, khó thu hút các doanh nghiệp tham gia. Các hình thức, cơ chế huy động nguồn lực tài chính dành cho phát triển nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn, còn phụ thuộc vào nguồn vốn vay ưu đãi, hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.
Trong giai đoạn 2016 -2020, dự kiến kế hoạch nguồn vốn hỗ trợ từ nguồn ngân sách Trung ương để cấp bù lãi suất cho các ngân hàng thương mại và bổ sung vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện cho vay ưu đãi đối với nhà ở xã hội tại khu vực đô thị và các khu công nghiệp khoảng 19.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ bố trí được 1.262 tỷ đồng/19.000 tỷ đồng (đạt khoảng 13%) so với yêu cầu của Ngân hàng Chính sách Xã hội.
Ngoài ra, nguồn vốn cấp bù lãi suất cho các ngân hàng thương mại theo quy định của Luật Nhà ở và Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ chưa được bố trí. Quỹ đất để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại các đô thị lớn còn hạn chế, đặc biệt là tại vị trí thuận lợi. Một số địa phương chưa có quy hoạch quỹ đất dành riêng cho việc phát triển nhà ở xã hội theo quy định, nhất là đối với việc phát triển nhà ở xã hội cho thuê. Nguồn cung nhà ở xã hội chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Tại nhiều địa phương vẫn còn thiếu các sản phẩm nhà ở phù hợp với các đối tượng có thu nhập thấp.
Bên cạnh đó, thủ tục hành chính trong đầu tư, xây dựng, quản lý các dự án đầu tư phát triển đô thị, dự án phát triển nhà ở tuy đã được cải cách, rút ngắn theo chỉ đạo của Chính phủ, tuy nhiên việc chuẩn bị đầu tư, triển khai dự án vẫn còn mất nhiều thời gian và thủ tục phức tạp.
Một số địa phương chưa quan tâm đúng mức trong việc chỉ đạo xây dựng kế hoạch, chương trình phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp; chưa chủ động dành đủ quỹ đất và ban hành cơ chế cơ chế khuyến khích hỗ trợ xây dựng nhà ở xã hội phù hợp với diều kiện cụ thể của địa phương.
Bộ Xây dựng đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam phối hợp với Bộ Xây dựng cùng kiến nghị Quốc hội, Chính phủ bổ sung nguồn vốn hỗ trợ từ nguồn ngân sách Trung ương để cấp bù lãi suất cho các ngân hàng thương mại và bổ sung vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện cho vay ưu đãi đối với nhà ở xã hội tại khu vực đô thị và nhà ở công nhân khu công nghiệp theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước (năm 2018 khoảng 3.431 tỷ đồng) và của Ngân hàng Chính sách Xã hội (bổ sung thêm 7.700 tỷ đồng cho giai đoạn 2018-2020).
Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết, với chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, khi chuyển từ cấp không sang cho vay để xây nhà ở thì tâm lý các hộ nghèo rất e ngại, các hộ nghèo cũng không có điều kiện tài chính vì thế triển khai khó khăn. Bộ Xây dựng và các địa phương đều mong muốn nâng mức cho vay làm nhà (hiện nay số vốn cho mỗi hộ dân vay 25 triệu đồng được cho là quá ít).
Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cũng cho hay, việc triển khai chính sách nhà ở xã hội còn khó khăn. Sau khi kết thúc gói 30.000 tỷ đồng, một số doanh nghiệp thuộc đối tượng vay không còn tiếp tục triển khai dự án, dẫn đến tình trạng kiện tụng, tranh chấp giữa chủ đầu tư và người mua. Nhiều ĐBQH đã chuyển ý kiến đến Bộ Xây dựng đề nghị có giải pháp để tháo gỡ.