Vốn rẻ chảy mạnh vào sản xuất

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết, tính đến ngày 16-4, tín dụng toàn nền kinh tế đã chạm mức 9,49 triệu tỷ đồng, tăng 3,34% so với cuối năm 2020. Trong đó, cơ cấu tín dụng đã có sự dịch chuyển rõ rệt, chủ yếu tập trung ở khu vực sản xuất kinh doanh và các ngành nghề, lĩnh vực được ưu tiên phát triển.
Khách hàng tìm hiểu thông tin 1 dự án bất động sản tại quận Bình Tân, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG
Khách hàng tìm hiểu thông tin 1 dự án bất động sản tại quận Bình Tân, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Tín dụng khởi sắc 

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, chỉ trong 2 tuần đầu tháng 4, tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng thêm 0,41 điểm % so với cuối tháng 3-2021. Như vậy, tính đến giữa tháng 4, tốc độ tăng trưởng tín dụng đã nhanh hơn gấp 4 lần so với mức tăng 0,78% của cùng kỳ 2020. Đáng nói, tín dụng tập trung vốn cho sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực được ưu tiên như sản xuất hàng hóa, xuất khẩu. 

Lý giải nguyên nhân tín dụng trong những tháng đầu năm khởi sắc mặc dù dịch Covid-19 vẫn ảnh hưởng nhất định đến nền kinh tế, các chuyên gia trong ngành nhận định, do hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu được hồi phục đáng kể ở đa số các ngành nghề. Trong khi đó, thực hiện chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua dịch Covid-19, nhiều ngân hàng đã đưa ra không ít gói vay ưu đãi. 

Cụ thể, nhằm đưa tín dụng vào sản xuất kinh doanh, với gói vay “Chung tay cùng doanh nghiệp 2021” và “Gắn kết doanh nghiệp xuất nhập khẩu 2021”, Vietbank đã cho nhiều doanh nghiệp vay sản xuất với lãi suất chỉ 6,5%/năm. Ngoài ra, từ nay đến cuối năm 2021, các doanh nghiệp có nhu cầu vốn trung, dài hạn sẽ được vay với mức lãi suất ưu đãi chỉ 8,2%/năm cho 12 tháng đầu tiên. 

Để mang tới giải pháp tài chính tối ưu cho doanh nghiệp, SeABank đang có chính sách trả góp lãi suất 0%, kỳ hạn linh hoạt tùy chọn từ 3 đến 12 tháng cho giao dịch thanh toán bằng thẻ tín dụng SeABank Visa Corporate. Đây là giải pháp tài chính hữu hiệu cho doanh nghiệp khi cần gấp vốn lưu động và bổ sung nguồn vốn trong thời gian sớm nhất mà không cần tiến hành các thủ tục vay vốn. Mới đây, Vietcombank cũng vừa ký kết hợp đồng cấp tín dụng 1.200 tỷ đồng với Công ty CP KCN kỹ thuật cao An Phát 1 để xây dựng KCN kỹ thuật cao, thân thiện với môi trường tại tỉnh Hải Dương… 

Giới chuyên gia cũng nhận định, đà tăng trưởng tín dụng sẽ tiếp tục khởi sắc trong các tháng còn lại của quý 2-2021, đặc biệt đối với các ngành sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, thương mại, du lịch. 

Trong năm 2021, các ngân hàng thương mại cũng đưa ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng khá cao. Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc OCB cho biết, trong quý 1-2021, OCB cho vay tăng 5% so với cuối năm 2020. Trong đó, khoảng 25% tập trung vào bán lẻ và sản xuất. Kết thúc quý 1-2021, Sacombank cũng đã có mức tăng trưởng chạm room tín dụng NHNN cấp ở mức 5,8%. Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng Giám đốc Sacombank, cho biết, trên cơ sở mức tăng trưởng tín dụng cho phép của NHNN và diễn biến tình hình kinh doanh trong năm 2021, ngân hàng sẽ điều chỉnh lại mục tiêu tăng trưởng cho vay sản xuất kinh doanh phù hợp.
Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank, cho biết, quý 1-2021, Vietcombank đã hoàn thành 35% chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của năm với mức tăng trưởng 3,7% so với cuối năm 2020. Với đà tăng tín dụng khá tốt, Vietcombank hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 10,5% trong năm 2021 - mức tăng trưởng lớn nhất được NHNN giao trong các tổ chức tín dụng.

Linh hoạt siết tín dụng bất động sản, chứng khoán

Với diễn biến trên, nhiều chuyên gia cho rằng, hiện tín dụng vào chứng khoán, bất động sản không cao vì trên thực tế, các lĩnh vực này vẫn luôn được NHNN kiểm soát chặt chẽ. Tuy nhiên, cũng không nên quá cực đoan khi nhìn về tín dụng bất động sản.

TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, cho biết, theo tính toán, tín dụng kinh doanh bất động sản thực tế khoảng 600.000 - 650.000 tỷ đồng, tương đương 7% tổng dư nợ nền kinh tế. Đây là con số không quá lớn. Chưa kể, hiện có khoảng 2/3 dư nợ tín dụng bất động sản trong 3 tháng đầu năm 2021 là cho vay mua, sửa nhà. Việc này nên khuyến khích vì phục vụ cho nhu cầu an cư của người dân. 

Ở góc nhìn của ngân hàng thương mại, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc OCB, cho rằng, tín dụng bất động sản, nếu phục vụ nhu cầu thực của người dân hoặc cho những nhà đầu tư có uy tín với những dự án chất lượng cũng khá an toàn. Bởi lẽ, cho vay trong lĩnh vực bất động sản luôn có tài sản đảm bảo và tài sản này thường có đầy đủ giấy tờ theo quy định. Hiện 3 khoản cho vay liên quan đến bất động sản (lưu trú khách sạn, bất động sản và xây dựng) của OCB chiếm 30% tổng dư nợ nhưng nợ xấu của lĩnh vực này chỉ ở mức dưới 1%. 

Ở góc độ doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, cho biết, nguồn tiền chảy vào bất động sản thời gian qua chủ yếu là tiền nhàn rỗi, tiền để dành, vàng cất giữ trong dân, tiền từ chốt lời chứng khoán và nguồn kiều hối. Để kiểm soát dòng tiền chảy vào lĩnh vực bất động sản, giúp thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, Nhà nước cần kiểm soát chặt nguồn tiền có nguồn gốc không rõ ràng; đồng thời ngành ngân hàng cần kiểm soát chặt tiền cho vay để tránh việc người dân mượn cớ vay tiền xây nhà, sửa nhà, mua nhà nhưng thực chất là “lướt sóng” khi thị trường bất động sản đang sốt.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, cho biết, trong khoảng 1,85 triệu tỷ đồng cho vay bất động sản trong quý 1-2021, có đến 65% dư nợ là cho vay tiêu dùng, vay mua nhà, sửa nhà. Với thực tế trên, các chuyên gia tín dụng bất động sản cho rằng, vẫn cần kiểm soát chặt nhưng không nên cứng nhắc, thay vào đó phải linh hoạt xem xét kỹ đến mục đích vay của khách hàng. Nếu đó là mục đích vay chính đáng thì nên ủng hộ khách hàng.

Tin cùng chuyên mục