“Vua” bời lời trên chóp Kỳ Rí

Ngậm ngãi tìm trầm
“Vua” bời lời trên chóp Kỳ Rí

Trên chóp núi Kỳ Rí, biết tôi là nhà báo đi tìm già làng Vỗ Thư, cô gái trạc chừng mười bảy tuổi bảo, chuyện nghe như không thật nhưng nhà báo phải nói cho hay, nói cho bằng được. Tôi hỏi chuyện ròng rã mười năm nay, già Vũ Thư giúp dân bản trồng rừng, giúp bà con lúc khó khăn hoạn nạn, rồi giữ gìn bình yên cho bản làng thì sao? Cô bé nghiêm nét mặt trả lời: “Chuyện đó thì không thể nói khác đi được, nhà báo hãy về bản mà đợi già!”.

Ngậm ngãi tìm trầm

“Vua” bời lời trên chóp Kỳ Rí ảnh 1

Già làng Vỗ Thư đọc trên báo những thông tin nói về cây bời lời.

Cu Thuần, mười tuổi ở thôn Kỳ Rí, xã A Xing, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) dẫn tôi đi tìm già làng Vỗ Thư trên cánh rừng Hai Dốc, cách bản chừng ba giờ đồng hồ đi bộ.

Qua khỏi khu rừng không thấy già đâu, thằng bé dẫn tôi lên chóp núi Kỳ Rí, cô bé trạc chừng mười bảy tuổi tên là Hồ Thị Thế, chị ruột của Thuần sau một hồi hỏi lý do, bảo tôi quay về bản đợi già.

Chập choạng tối, già làng Vỗ Thư trở về nhà với chiếc A Chói đầy những dây bẫy thú rừng. “Tháng 8 mới có hạt bời lời rụng, mùa này bố đi bảo vệ rừng, bảo vệ con nai, con mang khỏi bị sập bẫy”, già làng Vỗ Thư vừa nói vừa bày ra bàn đĩa thơm với muối mời khách. Đêm đó, trong ánh lửa, ông kể về duyên nợ đời mình với vùng đất A Xing và rừng cây bời lời xanh ngút ngàn bây giờ.

Cách nay tròn mười lăm năm, thương lái từ miền xuôi lên tìm mua vỏ cây bời lời với giá 5.000 đồng/kg. Người dân ở các bản, làng nơi núi rừng miền Tây Quảng Trị đổ xô vào rừng chặt cây bời lời, bóc vỏ bán cho thương lái. Chẳng bao lâu sau, loài cây này bị trốn trụi.

Đau xót trước cảnh rừng núi bị rách ra từng mảng lớn, ông đến từng nhà vận động bà con không nên chặt cây rừng ồ ạt, bởi hậu quả sẽ khó lường. Nhưng vì cái ăn trước mắt, bà con đã bỏ qua lời khuyên ấy. Chỉ ba năm sau đó, vùng rừng xanh ngút ngàn cây bời ở A Xing đã không còn nữa.

Vỗ Thư bàn với vợ phải vào rừng nhặt hạt của nó, về gieo lên thành cây, vận động bà con trồng lại rừng. Biết chuyện, không chỉ có con cái ông, mà hết thảy bà con trong bản đều can ngăn, coi đó là việc bẻ nạng chống trời. Có người trong bản nghi ngờ rằng Vỗ Thư đã “bị con ma rừng nó ám”.

Ông rít một hơi thuốc dài, vẻ mặt bâng khuâng nhớ về câu chuyện của hơn mười năm trước. Để nhặt được hạt cây bời lời thật không dễ vì rừng cây ở bản đã bị chặt phá hết. Vỗ Thư cùng vợ đành vượt sông Sê Pôn sang tận rừng của nước Lào để tìm hạt. Mỗi chuyến đi kéo dài hằng tuần, vợ chồng Vỗ Thư ăn, ngủ trong rừng sâu, ngày đêm nơm nớp lo tai họa từ rừng.

Rồi một ngày, trong chuyến đi tìm hạt bời lời, vợ ông, bà Giả Thư bị rắn cắn, Vỗ Thư đã cõng vợ đi khắp bản người Lào để cứu chữa. Sau chuyến ấy, bà Giả Thư chỉ còn đủ sức ở nhà giúp chồng ươm giống. Còn lại một mình, ông vẫn lầm lũi vượt dòng Sê Pôn, vẫn cặm cụi nhặt từng hạt bời lời trên đất khách...

Rồi hạt bời lời nảy mầm. Vỗ Thư cùng vợ phát cây, đào hố. Mọi khoảng đất đầy lau lách nơi đồi La Ù đều được ông bà khai phá. Có nhiều nhát cuốc vấp phải đầu đạn M79 tóe lửa. Nhưng tất cả không làm vợ chồng Vỗ Thư nản chí…

Sức sống mới ở Lìa

"Còn lại một mình, ông vẫn lầm lũi vượt dòng Sê Pôn, vẫn cặm cụi nhặt từng hạt bời lời trên đất khách..."

Tháng 9 hàng năm, vợ chồng già làng Vỗ Thư gieo hạt bời lời và hai tháng sau đó thì cây có thể trồng được. Năm 1995, họ trồng lứa đầu tiên trên hơn 3ha, đến 3 năm sau thì chúng lên xanh tốt. Bà con thấy thế, đến nhà ông xin cây giống.

Già làng Vỗ Thư không những cung cấp miễn phí cho họ mà còn hướng dẫn cách làm và động viên bà con nên tích cực trồng lại rừng. Năm đầu, cả thôn có vài hộ, về sau vài chục hộ, rồi lan ra cả đến mấy xã như A Túc, A Dơi, Pa Tầng (Hướng Hóa).

“Thấy bà con làm theo mà mình vui cái bụng, không quản ngại tuổi tác, sức khoẻ, lặn lội vào rừng để nhặt hạt bời lời về ươm giống”, ông tâm sự. Bây giờ già làng Vỗ Thư không còn phải sang đến tận rừng của nước bạn Lào để nhặt hạt, mà chỉ cần lội bộ chừng 3 giờ đồng hồ đến các vùng rừng Hai Dốc, La Ù, Arcô, Coocpen..., nơi có hàng trăm hécta rừng bời lời xanh tốt của ông và dân bản để làm việc ấy.

Loại cây bời lời sau mười năm chăm bón thì cho khai thác. Già làng Vỗ Thư vừa sử dụng số tiền 220 triệu đồng từ việc bán vỏ cây bời lời lứa đầu, xây dựng một căn nhà hai tầng khang trang. Còn với bà con trồng bời lời ở các xã nói trên, sau vài năm nữa sẽ cho thu hoạch tiền tỷ từ vỏ cây này.

“Nói không ngoa, lúc đó nếu giá vỏ bời lời thấp 7.000 đồng/kg, thì bình quân mỗi hộ dân trồng bời lời ở vùng Lìa của huyện Hướng Hóa từ giống cây của bố cũng sẽ có nguồn thu từ 300 đến 400 triệu đồng”, già Vỗ Thư bấm đốt ngón tay tính nhẫm.

Ông Ăm Chuẩn, một người dân ở thôn Kỳ Rí kể, “Không chỉ giúp dân bản giống cây, nhờ nguồn thu lớn từ cây bời lời, năm 2006 và 2007, già làng Vỗ Thư giúp đỡ nhiều gia đình neo đơn, hoạn nạn tiền thuốc thang và lương thực, giúp 3 học sinh trong thôn có điều kiện ăn học và thi đỗ vào các trường đại học như cháu Hồ Văn Châu, Đại học Sư phạm ở Vinh, Hồ Văn Chuẩn, Đại học Biên phòng ở Hà Tây...”.

Ông Nguyễn Quân Chính, Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa nói: “Bây giờ, người dân ở 4/7 xã vùng Lìa của huyện Hướng Hóa không chỉ biết đến già làng Vỗ Thư như là người đẻ ra giống cây bời lời và phục sinh lại những cánh rừng bời lời bị tàn phá trên dãy Trường Sơn, mà còn biết đến ông như biểu tượng của lòng nhân ái trong cách ứng xử, vận động bà con các dân tộc nơi đây sống hòa thuận, đoàn kết, cùng giúp nhau phát triển kinh tế ”.

Ông Chính kể, đầu năm 2008, lãnh đạo và đại diện ngành lâm nghiệp của huyện Mường Nòng, tỉnh Savannakhet, nước bạn Lào cũng đã đến tham quan, học hỏi mô hình trồng cây bời lời của già làng Vỗ Thư.

Những năm gần đây, cây bời lời được nông dân trồng phổ biến trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên và được coi là “cây xóa đói giảm nghèo”. Cây bời lời có nhiều loại: bời lời xanh, bời lời nhớt, bời lời vàng, bời lời đỏ, bời lời Ba Vì, bời lời mần tang... Cây bời lời có thể tận dụng được tất cả gốc, rễ sau khai thác để tái sinh chồi gốc, chồi rễ; vỏ cây khô chế biến keo công nghiệp; có thể pha loãng với vôi nước để quét tường, trộn với vôi, cát, với mật để xây nhà rất tốt; thân gỗ làm trụ mỏ, đóng đồ gia dụng, làm bột giấy; quả, vỏ, lá có tinh dầu thơm, có thể chiết xuất dầu dùng trong công nghiệp, trong y học. Hạt bời lời mần tang có chứa 38 - 43% hàm lượng dầu thơm.

Phan Hà Linh

Tin cùng chuyên mục