Vai trò của tổ chức Đảng ở các trường ngoài công lập

Vừa hoạt động vừa rút kinh nghiệm

Ngày 10-3, Đảng ủy khối các trường đại học - cao đẳng - trung cấp chuyên nghiệp tổ chức hội thảo “Công tác Đảng và vai trò của tổ chức cơ sở Đảng ở các trường ngoài công lập”. Bên cạnh việc khẳng định vai trò quan trọng của tổ chức Đảng đối với sự phát triển của các trường, nhiều khó khăn, vướng mắc cũng đã được các đại biểu đưa ra bàn thảo sôi nổi tại hội thảo.

Lúng túng, bị động
 
TPHCM có 18 tổ chức cơ sở Đảng của các trường ĐH, CĐ, trung cấp chuyên nghiệp ngoài công lập hoạt động. Đặc điểm lớn nhất của các trường ngoài công lập là nguồn tài chính do một hoặc một số cá nhân góp vốn và làm chủ sở hữu, Hội đồng quản trị (HĐQT) có quyền quyết định hầu hết những vấn đề quan trọng trong hoạt động của trường. Vì vậy đã tác động rất lớn đến tổ chức bộ máy, nội dung lãnh đạo và phương thức hoạt động của tổ chức Đảng.
 
Bí thư chi bộ Trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật Sài Gòn Phạm Huy Tưởng thẳng thắn: “Tổ chức Đảng hoạt động trong trường ngoài công lập rất mới, chưa có mô hình, chưa được định chế rõ ràng, phải tranh thủ thuyết phục, vận động ban giám hiệu, HĐQT là chính, vừa hoạt động vừa rút kinh nghiệm”.

Còn đại diện Đảng ủy Trường ĐH Văn Hiến nhìn nhận: “Vai trò hạt nhân chính trị của tổ chức Đảng ở một số trường lâm vào tình trạng mờ nhạt. Nhất là tham gia lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và công tác tổ chức, cán bộ, hầu hết các thành viên đều lớn tuổi lại phải làm công tác Đảng theo cơ chế kiêm nhiệm nên chỉ đảm bảo ở mức hoàn thành nhiệm vụ. Điều này thể hiện trong nhiệm kỳ vừa qua toàn Đảng bộ không kết nạp được đảng viên mới nào trong khi đó nguồn nhân sự trẻ có trình độ là cán bộ, giáo viên, sinh viên của trường rất đông”.
 
Nhiều ý kiến cũng thẳng thắn nhìn nhận một thực tế: Đảng viên trong các trường học ngoài công lập phần lớn đã nghỉ hưu, ở lại làm hợp đồng, tuổi đời cao, ngại va chạm, ngại đấu tranh, thậm chí có tình trạng làm việc thụ động nên không phát huy được vai trò.

Việc chấp hành chế độ sinh hoạt Đảng, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ còn nhiều biểu hiện chưa tốt. Một số giáo viên sinh hoạt Đảng ở địa phương nhưng lại giữ các chức vụ quản lý hoặc làm hợp đồng dài hạn ở trường, khó khăn cho việc quản lý cán bộ, đảng viên.

Mặt khác, trong nhà trường, HĐQT có quyền quyết định các vấn đề lớn, do đó nếu đồng chí bí thư không nằm trong HĐQT, ban giám hiệu thì công tác Đảng không được chú ý. Đảng viên trong các trường học ngoài công lập có người tuổi cao, giảng dạy theo chế độ hợp đồng, dạy nhiều nơi nên chưa thực sự tâm huyết với công tác xây dựng Đảng. Việc thực hiện quy chế dân chủ còn nhiều khó khăn, vấn đề đoàn kết nội bộ không dễ dàng, luôn nảy sinh những vấn đề về lợi ích, quyền hạn…

Bên cạnh đó, một khó khăn trong công tác tổ chức sinh hoạt và quản lý sinh viên là đảng viên cũng được nhiều ý kiến nêu rõ, một số đảng viên là sinh viên khi ra trường chưa có việc làm hoặc có việc làm nhưng không ổn định nên không có nơi sinh hoạt Đảng, thậm chí có đảng viên phải bỏ sinh hoạt làm ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phát triển đảng viên trong học sinh, sinh viên.

Cần đổi mới phương thức lãnh đạo

5 năm áp dụng quy định vào thực tế, mỗi cơ sở Đảng ở từng trường trên địa bàn TPHCM đã linh hoạt tìm biện pháp thích nghi để phát huy vai trò của tổ chức.

Kinh nghiệm của Trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ TP và các trường ĐH Hoa Sen, ĐH Hùng Vương, ĐH Ngoại ngữ Tin học, ĐH Văn Hiến, CĐ Viễn Đông, CĐ Văn hóa nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn, CĐ Kinh tế Kỹ thuật Sài Gòn là: “Lấy việc phát triển toàn diện trường và xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh làm nền tảng chung.

Thông qua vai trò tiên phong, gương mẫu của đảng viên và từ đội ngũ này mà nắm được tình hình hoạt động của trường, phát hiện những biểu hiện lệch lạc, tiêu cực để uốn nắn hoặc báo cáo cấp trên có biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời hoặc bảo vệ quyền lợi chính đáng của giáo viên, nhân viên và học sinh, sinh viên”. Ở những đơn vị này, hoạt động thuận lợi cũng một phần lớn nhờ đảng viên là cán bộ chủ chốt trong HĐQT, ban giám hiệu nên đã góp phần phát huy hiệu quả sự lãnh đạo của tổ chức Đảng.

Chia sẻ những khó khăn, vướng mắc của các đơn vị, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM cũng cho rằng: “Nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại một phần là do cấp ủy chưa quan tâm đúng mức và đề ra các giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu các tổ chức cơ sở Đảng và đội ngũ cán bộ đảng viên ở những nơi này. Việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của tổ chức cơ sở Đảng ở các trường ngoài công lập vận dụng chưa thống nhất theo Quy định 163”. Do đó, các đơn vị phải nhanh chóng quán triệt sâu, kỹ trong cán bộ, đảng viên Quy định 163.

Phó Bí thư Thành ủy cũng yêu cầu các đơn vị phải đổi mới phương thức lãnh đạo, xây dựng quy chế công tác, trong đó làm rõ và thống nhất mối quan hệ phối hợp giữa tổ chức Đảng với HĐQT, ban giám hiệu và các đoàn thể trong trường.

Ghi nhận các ý kiến đề xuất tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà giao Ban Tổ chức Thành ủy phối hợp với Đảng ủy khối các trường ĐH-CĐ-THCN tiếp tục nghiên cứu đề xuất Thành ủy về nội dung phương thức lãnh đạo của các tổ chức cơ sở Đảng trường ngoài công lập; cụ thể hóa tình hình thực tế của các trường để tháo gỡ vướng mắc; quản lý sinh viên là đảng viên ra trường chưa có việc làm; bố trí cán bộ chuyên trách Đảng… để kịp thời tháo gỡ những khó khăn cho cơ sở.

LÊ LINH – HỒNG HIỆP

Tin cùng chuyên mục