Vui buồn bán... thơ

Thơ lâu nay luôn trong cảnh chợ chiều, nhiều người in nhưng ít người mua. Thế nhưng người làm thơ lúc nào cũng đông như trẩy hội, bằng chứng là các hội văn học nghệ thuật từ trung ương đến địa phương có số lượng nhà thơ lấn át các hội viên văn xuôi hay lý luận phê bình. 
Rất ít sách thơ bán được tại các hội sách - nơi doanh thu bán sách rất thành công
Rất ít sách thơ bán được tại các hội sách - nơi doanh thu bán sách rất thành công

Thơ dội chợ như thế nên khi có nhà thơ bán được sách thơ với hàng chục ngàn bản in, luôn tạo ra sự vui mừng trong nỗi hoài nghi của giới viết lách.

Thơ bán được với giá cao

Thực tế cho thấy, thơ vẫn có người mua, thậm chí mua giá rất cao, đến không ngờ. Năm 2004, bài thơ Màu tím hoa sim của nhà thơ Hữu Loan được một doanh nghiệp sản xuất đầu đĩa karaoke mua với giá 100 triệu đồng. Cũng doanh nghiệp này mua 10 nốt nhạc Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời của nhạc sĩ Phạm Duy với giá 100 triệu đồng. Cả hai lần mua thơ, nhạc này đều được doanh nghiệp chủ động tìm đến tác giả nhằm khuếch trương thương hiệu, không ngoài mục đích thương mại.

Năm 2013, bài thơ Ở hai đầu nỗi nhớ của nhà thơ Trần Đình Chính được Công ty CP Dịch vụ Phú Nhuận (MASECO) mua với giá 300 triệu đồng. Trường hợp này có khác, bài thơ Ở hai đầu nỗi nhớ được mua vì hoàn cảnh của tác giả. Khi đó, nhà thơ Trần Đình Chính mắc bệnh hiểm nghèo, cần tiền chữa chạy, ông đã rao bán đứa con tinh thần của mình từng được nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ thành ca khúc nổi tiếng. Ông Nguyễn Xuân Hàn, Tổng Giám đốc MASECO, biết được thông tin này và đã liên lạc với tác giả để mua vì thương cảm, bởi lâu nay không ai rao bán thơ như vậy.

Nếu những thi sĩ một thời có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật như Hàn Mặc Tử sống trong thời nay và gặp những doanh nghiệp hảo tâm, thì ông đã không phải thốt lên đau đớn: “Trời hỡi làm sao cho khỏi đói. Gió trăng có sẵn làm sao ăn”. Thậm chí ông không phải rao “Ai mua trăng tôi bán trăng cho”, mà chỉ cần bán thơ cũng đủ trang trải qua cơn ngặt nghèo. Không chỉ riêng Hàn Mặc Tử, “cơm áo không đùa với khách thơ” ở mọi lúc mọi nơi.

Thực chất của việc bán thơ

Chính vì số phận của các nhà thơ thường hẩm hiu như thế, nên việc các nhà thơ bán được sách thơ hay bản quyền bài thơ luôn khiến nhiều người vui. Thời kinh tế còn khó khăn, một nhà thơ sống tại Sài Gòn đã bán đứt nhiều bài thơ của ông để lấy tiền độ nhật. Vài bài thơ trong số này được người mua ký tên mình rồi tìm các nhạc sĩ phổ nhạc thành các ca khúc thời thượng. Hỏi nhà thơ có tiếc khi bán thơ như vậy không? Ông trả lời, có buồn nhưng không tiếc, vì dẫu sao thơ cũng giúp ông qua cơn bĩ cực của vòng quay cơm áo hàng ngày.

Mới đây, có một nữ nhà thơ trẻ được một công ty làm sách mua bản quyền ấn hành một tập thơ đầy đặn và ra mắt hoành tráng. Được biết công ty làm sách trả cho tác giả 150 triệu đồng để in tập thơ này. Đây là tin vui không chỉ với tác giả mà còn với người yêu thơ. Tuy nhiên, nhiều người trong giới làm sách tỏ ra bi quan cho thương vụ này, vì thơ có mấy người mua? Đến độ một nhà xuất bản đang ăn nên làm ra, nói thẳng với nhiều nhà thơ: Nhà em không in thơ đã thành thông lệ, rất mong thông cảm. Đấy là cách từ chối vì thơ bán không được.

Trước nữ nhà thơ vừa nêu, có một nhà thơ nổi như cồn vì loan báo, thơ anh in hàng chục ngàn bản bán chạy như tôm tươi. Nhưng kiểm lại các tập thơ tác giả này thì thấy đều làm với các nhà làm sách khác nhau. Giới làm sách phân tích, nếu một tập thơ của anh này in 10.000 bản có giá 100.000/cuốn, thì nhà làm sách thu về khoảng 150 - 200 triệu đồng lợi nhuận (nếu bán hết). In một tập thơ kiếm được chừng đó lợi nhuận liệu có nhà làm sách nào không muốn giữ chân tác giả ở lại cộng tác lâu dài với mình?

Thế nhưng thơ của tác giả này chỉ được cái tiếng, thực chất sách vẫn tồn đống trong kho. Sách thơ bán không được thì chia tay. Tác giả lại tìm sang nhà làm sách khác và bằng tài thuyết phục của mình, lại in tập thơ mới, lại ra mắt hoành tráng với tuyên bố in hàng chục ngàn bản. Gần đây, có một nhà làm sách mua bản quyền của tác giả này liền mấy tập thơ và sẽ mua luôn những sáng tác chưa ra đời của anh. Phi vụ đang hào hứng bỗng như quả bóng xì hơi sau vài tháng tập thơ đầu tiên được in và sách đang nằm kho chờ... cân ký. Đến lúc này, nhà làm sách mới nhận ra rằng, vợ chồng nhà thơ cũng có một công ty làm sách, vậy sao không tự in thơ của mình mà đem “món hời” dâng cho hàng xóm? 

Nói thế để thấy, thơ là một “mặt hàng” rất khó giao dịch trong cuộc sống quá nhiều lo toan này. Nhà thơ Đoàn Vị Thượng dù thành danh đã lâu nhưng chưa in tập thơ riêng nào, có thơ rằng: “Đem tên đem tuổi ra gồng. Nào ai biết được thơ không là gì”.

Tin cùng chuyên mục