Vui lễ an toàn

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong vừa có một quyết định rất kịp thời: “Không tổ chức bắn pháo hoa” trong dịp lễ 30-4 sắp tới do dịch Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp.

Có một chút tiếc nuối, nhưng rõ ràng đây là quyết định đúng đắn của lãnh đạo thành phố. Tuy nhiên, sự quyết liệt, kịp thời trong điều hành của chính quyền là chưa đủ. để công tác phòng chống dịch Covid-19 đạt kết quả tốt, đòi hỏi mỗi người dân phải nâng cao ý thức, nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về phòng dịch. 

Hiện nay, thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, các cơ quan liên quan và chính quyền các địa phương, tại mỗi bến xe, nhà ga xe lửa, sân bay, khu vui chơi giải trí, trung tâm thương mại… đều có nhân viên, hoặc có biển nhắc nhở mọi người không chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch. Song, áp dụng tốt nguyên tắc 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế) để phòng bệnh hiệu quả lại phụ thuộc vào ý thức chấp hành của mỗi người. Hậu quả của việc chủ quan với phòng dịch trong lễ hội ở một số quốc gia trên thế giới là bài học nhãn tiền cho chúng ta.

Trên thực tế, có một điều đáng buồn là trong mỗi kỳ nghỉ lễ, hàng trăm vụ tai nạn giao thông lại xảy ra, cướp đi sinh mạng của hàng chục người và làm cho rất nhiều người bị thương, thậm chí tàn phế suốt đời. Theo báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong 4 ngày nghỉ lễ 30-4 và 1-5 năm 2020, toàn quốc xảy ra 133 vụ tai nạn giao thông, làm 79 người chết, 76 người bị thương. Trong đó, tai nạn giao thông đường bộ 132 vụ, làm chết 79 người, bị thương 75 người. Chắc chắn dịp nghỉ lễ năm nay ngành chức năng cũng sẽ tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các vi phạm về trật tự an toàn giao thông, nhưng ý thức tự giác chấp hành luật giao thông của mỗi cá nhân tham gia giao thông vẫn là yếu tố quyết định.

Qua nghiên cứu, phân tích, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia chỉ ra rằng, nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông đường bộ chủ yếu do lỗi của người điều khiển phương tiện: đi không đúng phần đường, làn đường; không chú ý quan sát gây tai nạn; chuyển hướng không đúng quy định; sử dụng rượu, bia; vi phạm tốc độ; không giữ khoảng cách an toàn với xe chạy liền trước. Có thể nói, tai nạn giao thông đường bộ đã và đang là nguyên nhân lớn nhất cướp đi nhiều sinh mạng nhất trong mỗi dịp lễ hội, dù rằng những năm gần đây đã được kéo giảm rất nhiều. Ngành giao thông có một thông điệp rất hay, đó là “Phía sau tay lái là sự sống, hãy lái xe bằng cả trái tim”. Mong rằng, dịp lễ 30-4 và 1-5 năm nay, mỗi người khi lái xe tham gia giao thông hãy nhớ đến thông điệp này để không còn nước mắt chảy ra sau mỗi kỳ nghỉ.

Một việc nữa, dù trong hầu hết trường hợp, người dân là nạn nhân, nhưng khi nạn nhân đã cảnh giác, lên tiếng thì cũng góp phần ngăn chặn được. Đó là hành vi “chặt chém” du khách, bán hàng không đúng cam kết của không ít chủ quán, chủ nhà hàng ở một số địa phương. Mới đây, việc phản ánh kịp thời một nhà hàng “chặt chém” tới 1,8 triệu đồng/kg ốc hương của một khách hàng đã giúp ngành chức năng thành phố Nha Trang kịp thời phát hiện nhiều sai phạm của nhà hàng và buộc nhà hàng đóng cửa để điều chỉnh, sửa sai. Đây chắc chắn là bài học cho nhiều nhà hàng có ý định “chặt chém” du khách trong dịp lễ 30-4 và 1-5 sắp tới.

Như vậy, có thể nói, kỳ nghỉ lễ vui hay buồn, phụ thuộc phần lớn vào ý thức vì cộng đồng của chính mỗi người.

Tin cùng chuyên mục