Vui tết đoàn viên

Tết luôn là một sự kiện thường niên quan trọng vào của mỗi người con đất Việt. Thế nhưng, bên cạnh không khí háo hức, hồ hởi, đây đó vẫn còn những tiếng thở dài. 

Nào là người trẻ lo chuyện phải dọn dẹp, lo những câu hỏi khó của người thân ngày về quê; nào là người lớn căng thẳng chuyện chi phí cho ngày tết và cả người lớn tuổi cũng đôi lúc ưu tư về chuyện của con cháu.

Tết là áp lực

Những ngày này, trên các diễn đàn dành cho giới trẻ tràn ngập những câu chuyện về việc chuẩn bị đón tết. Có bạn hài hước cho rằng, cứ đến tết là gặp lại “kẻ thù không đội trời chung” là bộ bàn ghế gỗ khắc hình rồng phượng. Đẹp thì có đẹp nhưng mỗi năm đến ngày dọn dẹp đón tết thì nó lại là cực hình cho các chàng trai, cô gái nhận nhiệm vụ lau chùi.

Những bạn trẻ đi làm ăn xa, cuối năm mới về nhà đón tết, đôi khi được miễn khoản dọn dẹp thì lại phải gồng mình chuẩn bị cho màn “tra tấn” bởi những câu hỏi kiểu: Bao giờ lấy vợ/chồng; thu nhập bao nhiêu, có con chưa, mua nhà chưa… Dẫu biết có yêu quý quan tâm mới hỏi han nhưng với nhiều bạn trẻ, các câu hỏi đó như muối xát vào vết thương lòng. Có thể nói, với người trẻ, tết đang trở thành áp lực nặng nề, bởi đó là thời điểm bạn cần thể hiện bản thân nhiều nhất.

Với những người đã trưởng thành, có cuộc sống riêng, áp lực, căng thẳng càng nặng nề hơn. Áp lực cuối năm kéo dài từ công việc với những hạn cuối phải hoàn thành, khách hàng hối thúc, sếp cằn nhằn… đến áp lực từ vợ con và gia đình. Nỗi ám ảnh “Thưởng tết này anh được bao nhiêu?” luôn thường trực với người đàn ông. Với người phụ nữ, áp lực là sự giằng co giữa công việc phải hoàn thành với việc nhà đang chờ đợi, là bao nhiêu thứ phải sắm sửa, quà cáp cho gia đình mình, gia đình chồng…

Người ở thành phố có cái bận của người thành phố, những người quê xa có nỗi khổ của quê xa. Lỉnh kỉnh hành lý, chen chúc ra bến xe, bến tàu, sân bay… tất cả chỉ để về quê, để có dịp đón tết với gia đình. Rồi sau tết, lại ám ảnh chuyện chen chúc quay lại thành phố. Và rồi về đến nhà, mối quan hệ nội ngoại hai bên, đẹp lòng người này lại lo người khác chưa vui.

Mà không chỉ có công việc, những ngày cuối năm, còn cả vấn đề sức khỏe. Có người ví những ngày cận tết như là dịp cả nước đi nhậu. Tiệc tất niên cơ quan, tiệc tất niên với đối tác, khách hàng, tiệc tất niên với bạn bè… Những buổi tiệc vui lại trở thành một “áp lực” cho sức khỏe.

Chẳng ai muốn một cái tết căng thẳng, lo nghĩ quá nhiều nhưng như một thực tế, khó lòng mà tránh được hết những vấn đề nảy sinh ngày tết, nhất là trong cuộc sống đầy sôi động hiện nay, khó lòng tránh khỏi những thiếu sót trong các mối giao tiếp.

Niềm vui bên nhau

Không phải ngẫu nhiên, nhiều người hay so sánh tết nay không vui bằng tết xưa. Rằng họ muốn quay lại ngày xưa, khi họ còn trẻ thơ để tận hưởng cái tết vui vẻ, vô tư lự. Thế nhưng, khi chúng ta còn là những đứa trẻ, chúng ta có thể tận hưởng ngày tết vui vẻ bởi đã có bố mẹ gánh hết gánh nặng của cuộc sống. Và hôm nay, đến lượt chúng ta gánh gánh nặng cuộc sống để có được những ngày vui xuân với những người thương yêu.

Vui tết đoàn viên ảnh 1 Sum họp gia đình ngày tết - một nét văn hóa truyền thống
Khoảnh khắc sum vầy ngày tết vốn không nhất thiết phải theo nghĩa xưa. Nếu trước đây, về quê ăn tết với bố mẹ mới là tết, thì bây giờ, khái niệm ăn không còn như nghĩa đen nữa. Giờ đây, sum vầy là sự gắn kết, bày tỏ tình yêu thương và sự quan tâm ý nghĩa. Cả năm bận rộn, tết là thời gian để tất cả cùng nhau gặp gỡ, cùng ôn chuyện cũ, thăm hỏi cuộc sống.

Thời đại công nghệ tiến bộ, tuy xa cách hàng trăm, ngàn kilômét nhưng chỉ cần mở điện thoại là vẫn có thể thấy mặt, nói chuyện với nhau. Nhưng những hình ảnh qua điện thoại đó không thể thay được những giờ phút ngồi bên nhau, cùng kể về công việc, cuộc sống, những vui buồn hàng ngày. Cùng đi thăm người thân, cùng xem một chương trình truyền hình vui nhộn. Nhiều người, nhất là người trẻ, dù ngày tết nhưng vẫn dán mắt vào màn hình điện thoại, like, chat những thông tin về xuân, để rồi sau đó, khi ngày xuân đã qua thì than thở: tết nhạt!

Tết vẫn thế, mai đào vẫn khoe sắc, bánh chưng xanh vẫn đượm vị, chỉ con người và nếp sống là thay đổi từng ngày. Tết nhạt một phần do đánh mất sự kết nối với người thân, bạn bè ở đời thực và quên mất rằng: tết là khoảng thời gian tuyệt vời nhất dành cho những người thân yêu. Chỉ cần bỏ điện thoại xuống, ngẩng mặt nhìn nhau trò chuyện, bạn sẽ có một cái tết thật ý nghĩa bên người thân, bạn bè. Khi nào tết còn là khoảng thời gian mọi người dành cho nghỉ ngơi, quan tâm nhau, nói lời tốt đẹp… thì tết vẫn rất đậm đà.

Ngàn lời yêu thương không bằng bữa cơm bên nhau ngày xuân. Áp lực vẫn còn đó, chỉ là giờ áp lực trở thành động lực để tìm kiếm và xây dựng hạnh phúc. Đàn ông biết biến áp lực thành động lực, phụ nữ biết san sẻ yêu thương. Đó là lời khuyên quý giá để có cái tết vui vẻ, nhẹ nhàng và hạnh phúc cho cả gia đình.

Tin cùng chuyên mục